Sân khấu hè cho thiếu nhi - chuyện của 'bầu' tư nhân?

21/05/2018 - 10:00

PNO - Lẽ nào những chiến lược đầu tư, phát triển sân khấu dành cho thiếu nhi, một nhà hát hiện đại dành riêng cho trẻ thơ sẽ chỉ mãi là mơ ước, trong nỗi xót xa của những người tâm huyết với thiếu nhi?

Kịch, cải lương thiếu nhi ở các sân khấu tư nhân luôn đầy màu sắc với đủ thể loại, nội dung, phong cách… với kịch bản được viết dựa trên những câu chuyện cổ tích Việt Nam, cổ tích thế giới hoặc cảm tác dựa theo những bộ phim hoạt hình nổi tiếng…

Idecaf đầu tư 650 triệu đồng cho chương trình Ngày xửa ngày xưa 31, công diễn từ ngày 26/5. Sân khấu Buffalo dự trù kinh phí khoảng 1 tỷ đồng cho vở nhạc kịch Thủy Tinh - Đứa con thứ 101, ra mắt từ ngày 7/7. “Bà bầu” Trịnh Kim Chi cũng chi trên 200 triệu đồng cho vở kịch thiếu nhi Tiên hắc ám, trình làng đúng ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 năm nay. Sân khấu công lập ở đâu trong không khí sôi động đó?

San khau he cho thieu nhi - chuyen cua 'bau' tu nhan?

Chương trình Ngày xửa ngày xưa 31 có mức đầu tư gần gấp đôi so với hè 2017

Đây không phải chuyện mới mà nhiều năm nay đã thế. Chỉ có đoàn xiếc, rối nay Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam còn nhớ đến trẻ thơ mỗi khi hè về. Tuy nhiên, ngay cả các chương trình của Nhà hát cũng chưa phong phú và hấp dẫn.

Có năm, chương trình hè chỉ là tổng hợp các tiết mục xiếc đã quá quen thuộc với thiếu nhi. Lý do của các nhà quản lý rất giống nhau: hoặc đơn vị chỉ phục vụ đối tượng khán giả người lớn hoặc làm kịch cho thiếu nhi quá khó khăn - từ kịch bản, diễn viên, dàn dựng đến tổ chức khán giả…

NSƯT Trịnh Kim Chi:

Làm kịch thiếu nhi vừa cực, vừa khó và khó cả doanh thu. Nhưng đã làm sân khấu thì không thể làm ngơ với đối tượng khán giả rất đặc biệt này. Dựng kịch cho trẻ thơ là trách nhiệm của những người làm sân khấu, dù là đơn vị xã hội hóa hay công lập.

Ngay ở loại hình nghệ thuật cải lương, vài năm trước vẫn có nhóm Đồng ấu Bạch Long và gần đây có câu lạc bộ Bầu Trời Xanh làm chương trình cho khán giả nhí. Các suất diễn của Bầu Trời Xanh luôn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các khán giả đồng trang lứa với những “nghệ sĩ” trên sân khấu.Ngoài thương hiệu Ngày xửa ngày xưa của Idecaf - trung bình có hai vở diễn mới và ba đợt biểu diễn trong năm, một số sân khấu tư nhân như Hoàng Thái Thanh, Thế Giới Trẻ, kịch Hồng Vân… cũng chịu khó dựng kịch cho thiếu nhi mỗi dịp hè về.

Để hấp dẫn thiếu nhi, Idecaf, Hoàng Thái Thanh còn đặt hàng các nhạc sĩ sáng tác ca khúc riêng cho vở. Từ hè năm ngoái, TiNiWorld còn hợp tác với kịch Buffalo dựng vở nhạc kịch Bé chịu chơi, tạo được hiệu ứng ngoài mong đợi.

Thành công của Bé chịu chơi có lẽ là một trong những cú hích khiến ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của Idecaf đầu tư mạnh tay hơn cho Ngày xửa ngày xưa mùa hè năm nay. Dẫu nhiều lần chia sẻ, mỗi lần làm kịch thiếu nhi là lo đến thót tim vì khoản đầu tư cao hơn gấp nhiều lần so với kịch người lớn, tỷ lệ thành công cũng chỉ 50 - 50, Idecaf  vẫn quyết định “chơi sang”.

San khau he cho thieu nhi - chuyen cua 'bau' tu nhan?
Nhạc kịch Bé chịu chơi tạo hiệu ứng khá tốt trong hè 2017

Sân khấu hoành tráng, 100 bộ phục trang đều được may mới. Đây là lần đầu hơn 60 diễn viên sẽ cùng lúc xuất hiện trên sân khấu. Cùng với sự hỗ trợ của âm nhạc, âm thanh, ánh sáng, vở diễn có cái tên rất dài - Alibaba với đầy đủ 40 tên cướp với lại cây đèn thần của Aladin nữa đó! - được nhiều người kỳ vọng sẽ đủ sức cạnh tranh với những bộ phim hoạt hình ra rạp hè năm nay.

Cũng từ hiệu ứng Bé chịu chơi, Buffalo mạnh dạn hơn với dự án nhạc kịch Thủy Tinh - Đứa con thứ 101, đã ấp ủ hơn ba năm. Chưa tìm được nhà tài trợ, ba nhà đầu tư chính vẫn sẽ là diễn viên Cát Tường, Nguyễn Khắc Duy và Vũ Hoàng Quân. Ngoài 15 ca khúc mới trên chất liệu âm nhạc pha trộn giữa dân gian đương đại với nhạc kịch, Thủy Tinh - Đứa con thứ 101 sẽ được đầu tư nhiều cho trang phục và kỹ thuật rối hiện đại, nhằm tạo ra một sân khấu sống động, đầy màu sắc cho trẻ thơ.

Không hoành tráng và công phu như Idecaf và Buffalo, nghệ sĩ Trịnh Kim Chi cho biết, Tiên hắc ám sẽ có các suất diễn với giá vé chỉ 70.000 đồng, có khoảng 800 phần quà dành cho thiếu nhi. Khai trương hơn hai năm, sân khấu Trịnh Kim Chi đã có hai vở kịch thiếu nhi dịp hè.

Rõ ràng, kịch hè cho thiếu nhi hè 2018 vẫn nhộn nhịp. Nhưng nỗi buồn thì vẫn còn đó - những đơn vị nghệ thuật công lập với đầy đủ cơ sở vật chất, kinh phí, con người… lại dửng dưng trước việc vun bồi, chăm sóc đời sống tinh thần cho trẻ thơ. Lẽ nào những chiến lược đầu tư, phát triển sân khấu dành cho thiếu nhi, một nhà hát hiện đại dành riêng cho trẻ thơ sẽ chỉ mãi là mơ ước, trong nỗi xót xa của những người tâm huyết với thiếu nhi? 

 Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI