Rong chơi cùng những… 'bức tường'

19/08/2017 - 07:53

PNO - Hiện nay, khắp thế giới đang ngày càng xuất hiện nhiều dãy phố có những tác phẩm graffiti lớn nhỏ hiện diện trên các bức tường. Từ đó, mô hình 'du lịch graffiti' cũng dần trở nên phổ biến ở nhiều quốc gia.

Đầu tiên, mời bạn đến London, nơi có hàng chục hãng lữ hành sẵn sàng đưa du khách tham quan những bức tường lớn có các hình vẽ bằng sơn phun. Phố Hanbury ở phía đông thành phố là nơi tập trung nhiều nghệ sĩ (NS) đường phố nên thường được chọn làm điểm đến chính của các tour graffiti. 

Rong choi cung nhung… 'buc tuong'

Một con hẻm graffiti ở Melbourne trước và sau khi hình thành

Có vô số tác phẩm với đủ hình thù, kích cỡ ở đây, mà một trong những tác phẩm được chú ý là của NS Roa (người Bỉ), vẽ một chú chim cao đến 10m đậu trên… bờ tường. Du khách có cơ hội nhìn tận mắt tác phẩm được cho là của Banksy, một trong những NS đường phố nổi tiếng thế giới. 

Sang phía tây, phố Bristol đón khách bằng những tác phẩm graffiti đa dạng. Không chỉ ngắm nhìn, chụp ảnh, người yêu nghệ thuật đương đại còn có thể tham gia vào các hoạt động nghệ thuật đường phố, tìm hiểu cách thực hiện những bức vẽ, tự tay vẽ thử… Thành viên của những nhóm nghệ thuật như See No Evil sẵn sàng trò chuyện, giải đáp mọi thắc mắc của du khách. 

Rời những kinh đô của nghệ thuật đương đại cùng những bức “tranh tường” ở châu Âu như London, Paris, Berlin… du khách có thể đến thành phố cổ kính Bogota của Colombia để ngắm những bức graffiti khổng lồ, phóng khoáng. Thủ đô của đất nước Nam Mỹ này cung cấp những trải nghiệm thực sự sống động bởi dường như ở bất kỳ nơi đâu, khách tham quan cũng thấy những ngôi nhà đầy màu sắc, những góc phố “nóng rực” bởi các gam màu. 

Rong choi cung nhung… 'buc tuong'
 

Đây là một thành phố yêu nghệ thuật, nên graffiti có chỗ đứng riêng, không bị coi là “vẽ bậy lên tường” như ở nhiều đô thị khác. Với Bogota, graffiti không chỉ dành cho đám “tóc xanh”, mà nhiều NS “đầu bạc” cũng tích cực “tô màu” cho thành phố. Vì có phong trào mạnh mẽ đến vậy nên thủ đô của Colombia thu hút rất nhiều NS đường phố khắp thế giới tìm đến để triển lãm, biểu diễn. Một số công ty còn dùng graffiti làm phương tiện quảng cáo, thiết kế truyền thông đa phương tiện. 

Những tour du lịch graffiti đang trở thành một trào lưu mới. Từ Việt Nam, bạn có thể đáp chuyến bay thẳng tới Melbourne (Úc) để khám phá “thánh địa graffiti”. Ở đây, rất nhiều con đường, những toa xe lửa, cổng nhà được khoác lên những tác phẩm thoạt trông có vẻ ngẫu hứng nhưng thật ra là vẫn quy củ. Chủ nhân của những ngôi nhà coi việc phun, vẽ lên nhà mình là một niềm vui, niềm tự hào và NS đường phố được hào hứng đón chào.

Theo bài giới thiệu về du lịch trên Tiger Airlines, nghệ thuật graffiti tại Melbourne chịu ảnh hưởng từ những tác phẩm đường phố New York những năm 1970-1980. Khi đó, nhiều người còn cho rằng, vẽ graffiti là một hành động nổi loạn, thiếu suy nghĩ. 

Rong choi cung nhung… 'buc tuong'
Tường ở Nhà ga 3A (TP.HCM)

Theo thời gian, sau nhiều sự kiện và cả những cuộc xuống đường của “nghệ thuật phản kháng”, công chúng dần quen và chấp nhận graffiti. Ngày nay, nhiều đô thị lớn trên thế giới đã dành cho nghệ thuật đường phố nói chung và graffiti nói riêng cái nhìn thiện cảm hơn, thậm chí sự phát triển của nó đã được nhà cầm quyền chấp nhận. 

Ở Việt Nam, dường như chưa có thành phố nào có những con phố đủ tiêu chuẩn tổ chức du lịch graffiti. Tuy vậy, loại hình “tranh tường” này đang dần phổ biến hơn, những cái nhìn tiêu cực cũng giảm bớt. Ở Hà Nội, graffiti xuất hiện rải rác ở một số… gầm cầu hay nơi có đường xe lửa băng qua… Khu Zone 9 một thời từng “bùng phát” những hình ảnh graffiti độc đáo, nhưng “tổ hợp nghệ thuật” này sau đó bị đóng cửa, giới NS graffiti mất không gian dụng võ.

Tại TP.HCM, graffiti cũng chỉ hiện diện rải rác. Ở con hẻm 15B trên đường Lê Thánh Tôn, Q.1, nhiều người dân đã đồng ý cho các bạn trẻ “cải tạo” khu vực rêu mốc thành những tác phẩm graffiti bắt mắt, giúp những bức tường trở nên sáng sủa, sống động hơn. 

Rong choi cung nhung… 'buc tuong'
Một con hẻm ở Bình Lợi (Bình Thạnh, TP.HCM)

Từ câu chuyện của graffiti có thể thấy, khi ý thức kiến tạo cái đẹp và sự trân trọng đến từ hai phía – NS và người tiếp nhận, nghệ thuật đường phố nói riêng và nghệ thuật đương đại nói chung mới có cơ hội nảy nở, từ đó dần hình thành những điểm đến mới của du khách bốn phương. 

 Bùi Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI