Nhượng quyền sản phẩm văn hóa ở Việt Nam: Cần có một bàn tay vĩ mô

04/06/2018 - 09:04

PNO - "Vàng ròng" của chúng ta đang chạy vào túi của những thương hiệu khổng lồ quốc tế qua con đường nhượng quyền.

Bà Nguyễn Thị Thúy Nghi, Phụ trách thị trường của Pacific Licensing Studio tại Việt Nam:

Từng là giám đốc điều hành YAN LIVE Entertainment và là người mang ba mùa lễ hội âm nhạc YAN Beatfest đến Việt Nam, hiện phụ trách thị trường của Pacific Licensing Studio - một công ty chuyên quản lý thương hiệu nhượng quyền, chi nhánh tại Việt Nam, bà Thúy Nghi khao khát Việt Nam có một sản phẩm mang tính quốc tế.

* Phóng viên: Sản phẩm thế nào là mang tính quốc tế, thưa bà?

Nhuong quyen san pham van hoa o Viet Nam: Can co mot ban tay vi mo

- Bà Nguyễn Thị Thúy Nghi: Sản phẩm để nhượng quyền thường thỏa mãn hai giá trị luôn song hành: giá trị văn hóa đại chúng và giá trị thương mại. Ở nước ngoài, khi công bố một sản phẩm, người ta thường tính toán luôn sản phẩm đó ra thị trường thì các sản phẩm bán kèm của nó là cái gì. Bán được sản phẩm không phải là mục đích cuối cùng mà luôn gắn với một chiến dịch bài bản, dài hơi, có thông điệp rõ ràng. Việt Nam muốn nhượng quyền, cũng phải đi theo con đường đó. Song hiện tại, chúng ta đang thiếu rất nhiều thứ để có thể đụng tới vấn đề này.

* Ví dụ như…?

- Trung Quốc có gấu Panda. Nhật Bản có Doraemon, Hello Kitty, Pokemon, Conan… Ta thiếu một biểu tượng như thế. Ở một số nước vẫn có bán cơm tấm của Việt Nam, nhưng tính đại chúng của nó không có. Ai cũng biết chiếc áo dài Việt Nam, nhưng ta lại không biết đẩy nó thành biểu tượng hái ra tiền. Sở dĩ Doraemon có thể ra thế giới, vì nó là câu chuyện dài về tình bạn, ước mơ, khát vọng... Bên cạnh giáo dục, nó đầy tính văn hóa. Chúng ta thiếu những biểu tượng có khả năng lan tỏa như vậy. 

* Chúng ta chẳng có tác phẩm nào có thể nhượng quyền? Phim Cô Ba Sài Gòn thì sao?

- Cách làm PR và chất lượng nội dung phim không ăn nhập với nhau. Các hình ảnh đại diện cho giá trị văn hóa - truyền thống chưa được đẩy lên thành thông điệp, biểu tượng để nhượng quyền.

Hay như phim Em chưa 18, tóc cột hai chùm của cô bé Linh Đan (Kaity Nguyễn đóng) là một hình ảnh rất dễ thương; thế nhưng, lại chưa tạo thành hiệu ứng để các cô gái dưới 18, xem xong phim, để kiểu tóc như vậy. Biên kịch chưa biết giữ hình ảnh đó một cách nhất quán, thông điệp về hình ảnh bị bỏ ngỏ.

Sản phẩm của chúng ta chưa có những “điểm sáng then chốt”, chưa có biểu tượng có sức lan tỏa. Ngay cả trang phục của nhân vật, chúng ta cũng chưa biết cách tạo thành một điều gì đó mà người ta nhìn vào là nhớ, để rồi lan tỏa khắp nơi.

Hẳn mọi người còn nhớ cô gái Han Ji Eun do Song Hye Kyo thủ vai trong phim Ngôi nhà hạnh phúc của Hàn Quốc? Mái tóc xoăn nhẹ, buộc lệch hoặc buộc hai bên và kiểu “mix” áo khoác lửng kèm váy hoặc chân váy trở thành trào lưu của cả Hàn Quốc và châu Á. Ta chưa làm được vậy.

* Vấn đề nằm ở đâu?

- Khiếm khuyết kỹ thuật có thể khắc phục, nhưng chúng ta không có con người, cụ thể là những cái đầu biên kịch, người làm hình ảnh - nghệ thuật cho phim và cái đầu làm kinh tế. Làm văn hóa - nghệ thuật mà có tư duy kinh tế, cụ thể ở đây là tư duy về thị hiếu thị trường, về nhu cầu và có sự hỗ trợ của Nhà nước, sản phẩm đó sẽ tạo ra được cú hích trong nước, khi đi ra ngoài, cũng sẽ nhận được hiệu ứng tốt.

* Bà vừa nhắc tới sự hỗ trợ của Nhà nước? 

- Văn hóa - nghệ thuật có nhiều lĩnh vực. Quan trọng là Việt Nam phù hợp với lĩnh vực nào, cái gì mạnh nhất để đi ra thế giới. Chính phủ phải có cái nhìn vĩ mô, hoạch định lại điều đó. Hàn Quốc chọn ca nhạc và điện ảnh để mang ra ngoài, rồi kéo theo thời trang và công nghiệp giải trí. Việt Nam chiếu bao nhiêu phim Trung Quốc ở rạp, nhưng phim của mình lại không thể sang rạp họ. Rất nhiều phim Hàn chiếu ở Việt Nam, nhưng phim Việt bao giờ mới sang Hàn được? Có thể tác phẩm của mình không phủ được 100% các rạp của họ, nhưng một suất/1-2 tuần chẳng lẽ khó?

Để sản phẩm của nước bạn vào được nước mình, họ có bàn tay vĩ mô hỗ trợ. Mình thì sao? Những nhà làm phim trong nước bơ vơ, làm xong tự thân vận động, tự đi bán, không ai hỗ trợ. Bao nhiêu phim của ta được Hội Điện ảnh hỗ trợ tham gia liên hoan phim bên ngoài? Thị trường chúng ta rất lớn, nhưng sự rời rạc và đơn côi trong tất cả các ngành nghề nghệ thuật ở nước mình rõ ràng là một điểm trừ. 

Du Nguyên (ghi)

Chuyên gia nhượng quyền Nguyễn Phi Vân: “Nếu có kiến thức nền, sẽ có một thế hệ biết kinh doanh văn hóa”

* Phóng viên: Chúng ta hay nhắc tới KFC, Doraemon, Spider man… với sức ảnh hưởng trên toàn thế giới. Liệu chúng ta có thể được như thế không?

- Bà Nguyễn Phi Vân: Để có thể nhượng quyền phim ảnh, cốt truyện và nhân vật cần phải được xây dựng ngay từ đầu. Ví dụ, cần có kết thúc mở để có thể khai thác ở những phim tiếp theo, như cách của loạt phim siêu anh hùng của Marvel, 8 phần phim Star Wars, 25 phim về điệp viên 007… 

Bên cạnh nhượng quyền nội dung phim, các nhân vật cũng có thể được nhượng quyền cho các ngành nghề khác như giáo dục, hàng tiêu dùng, chương trình giải trí… Có khi, doanh thu nhượng quyền nhân vật để làm đồ chơi còn cao hơn doanh thu phim. 

Ví dụ, loạt nhân vật trong phim Avengers đạt doanh thu 150 triệu USD, Spiderman đạt 155 triệu USD, các nhân vật trong Câu chuyện đồ chơi đạt 2,4 tỷ USD, Frozen lên tới 5,3 tỷ USD. Phim truyền hình, sách, game show, show truyền hình thực tế… đều có thể nhượng quyền.

Nhuong quyen san pham van hoa o Viet Nam: Can co mot ban tay vi mo

* Ở Việt Nam, nhượng quyền sau tác phẩm chưa được quan tâm nhiều. Vì sao? 

- Nhượng quyền là một hình thức kinh doanh rất mới tại Việt Nam. Trong cuốn, Nhượng quyền khởi nghiệp - Con đường ngắn để bước ra thế giới”, tôi có viết rất kỹ về cách sử dụng hình thức này. Dù lợi ích của ngành rất lớn, việc chúng ta thiếu kiến thức là cản trở lớn nhất để khai thác hình thức này một cách hệ thống, bài bản và lâu dài.

* Liệu Việt Nam có tiềm năng để tiến tới nhượng quyền trong nghệ thuật không?

- Với những điều kiện để nhượng quyền phim và nhân vật như trên, bất cứ phim nào, tại bất kỳ quốc gia nào, đều có thể áp dụng. Tuy nhiên, điều này cần được tính toán từ đầu. Phim phải thành công về tài chính, tạo sức hút lớn với khán giả để có cơ sở cho các phần tiếp theo. Nhân vật cần có tính cách rõ ràng, được yêu thích để dễ dàng nhượng quyền cho các ngành nghề khác.

* Để đi tới nhượng quyền, phải rõ ràng về hình ảnh thương hiệu. Song, ở Việt Nam hiện nay, chuyện vi phạm bản quyền vẫn tràn lan?

- Sở hữu trí tuệ luôn là vấn đề khó cho tác giả tại Việt Nam. Đặc biệt, luật của ta có một số khái niệm và điều khoản chưa tương đồng với luật về sở hữu trí tuệ thế giới. Tuy nhiên, tôi cho rằng, tất cả đều có giải pháp. Tác giả Việt vẫn có thể đăng ký bảo hộ tác phẩm của mình theo luật quốc tế nếu có chiến lược phát triển rõ ràng ngay từ đầu.

* So với nhượng quyền trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống… chẳng hạn, nhượng quyền trong nghệ thuật có những khác biệt gì?

- Nhượng quyền có một số đặc điểm có thể áp dụng chung cho tất cả các ngành, như: phí sử dụng thương hiệu ban đầu, phí khai thác thương hiệu, thời gian cho phép khai thác... Tuy nhiên, nhượng quyền trong nghệ thuật linh hoạt hơn rất nhiều về thời gian khai thác và hình thức thu phí. Ví dụ, Disney có thể cấp phép cho bạn sử dụng nhân vật Spiderman để in trên ba-lô trẻ em. Thời gian cấp phép có thể chỉ một năm và có ràng buộc doanh thu rõ ràng trong một năm đó.

* Nhượng quyền ra nước ngoài vẫn còn là một câu chuyện rất xa. Thế nhượng quyền nội địa thì sao?

- Ngành văn hóa cần được chú trọng như một trong những ngành kinh doanh bài bản, nếu chúng ta muốn khai thác đủ và đúng. Người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa cần được cung cấp kiến thức có hệ thống về kinh doanh, ngoài kiến thức nghề. Làm gì cũng vậy, chúng ta cần phải học từ nền tảng, học từ trải nghiệm và cách thức của thế giới, rồi áp dụng ngược lại cho Việt Nam. Nếu có thể bắt đầu từ kiến thức nền tại các trường cao đẳng, đại học đang dạy về văn hóa, Việt Nam rồi sẽ có một thế hệ hiểu đúng, biết cách khai thác và kinh doanh văn hóa có chiến lược hơn, dù là nội địa hay thế giới.

* Cảm ơn bà. 

Cốc Vũ (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI