Những tác phẩm gắn liền với sự nghiệp của Thanh Lan

22/06/2017 - 20:10

PNO - Thanh Lan là một trong những tài năng hiếm hoi thành công ở cả 3 lĩnh vực: âm nhạc, phim ảnh và sân khấu. Nhiều tác phẩm của bà đã trở nên bất hủ trong lòng khán giả.

Vào 29/7 tới đây, nữ ca sĩ Thanh Lan sẽ trở về Việt Nam biểu diễn, tại khách sạn Equatorial (Q5, TP.HCM) sau 25 năm ra nước ngoài định cư. Đêm nhạc này có còn có sự tham gia của ca sĩ Tuấn Ngọc và Elvis Phương. Cuộc tái ngộ này đang được khán giả mong chờ bởi sau một phần tư đời người, họ mới có dịp được nhìn, được ngắm và được nghe Thanh Lan hát bằng da bằng thịt.

Thanh Lan sinh ra tại Nghệ An nhưng lớn lên ở Sài Gòn. Từ năm 9 tuổi, nữ ca sĩ đã theo học dương cầm với các sơ ở trường Saint Paul, sau đó được vợ nhạc sĩ Thẩm Oánh và nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi hướng dẫn. Từ khi còn học phổ thông, Thanh Lan đã bắt đầu hát trên đài phát thanh và tham gia trong ban nhạc sinh viên Hải Âu của nhạc sĩ Lê Hựu Hà.

Nhung tac pham gan lien voi su nghiep cua Thanh Lan
Thanh Lan sẽ về nước biểu diễn sau 25 năm đi định cư ở Mỹ

Sau đó, Thanh Lan tiếp tục xuất hiện trong ban nhạc học sinh sinh viên với tên gọi Nguồn sống. Không chỉ theo đuổi dòng nhạc trẻ, Thanh Lan còn hát cả dân ca và nhạc tiền chiến. Cô từng theo học các lớp dân ca và đàn tranh thuộc Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn. Với nền tảng học thức khá vững kèm theo kinh nghiệm đi hát trước đó, Thanh Lan nhanh chóng trở thành một ngôi sao sang của bầu trời nghệ thuật Việt Nam khi chỉ mới là sinh viên năm nhất. Thành công của Thanh Lan khiến nhiều người phải nể phục.

Đặc biệt, Thanh Lan là một trong những tài năng hiếm hoi thành công trên cả 3 lĩnh vực: âm nhạc, điện ảnh và sân khấu. Bà còn biết làm thơ và nuôi dưỡng đam mê với công việc này.

Nói về âm nhạc, Thanh Lan nổi danh với nhiều ca khúc tiếng Pháp. Trước năm 1975, Thanh Lan từng có chuyến đi lưu diễn tại Nhật với hai nhạc sĩ Ngọc Chánh và Phạm Duy vào năm 1973. Ca khúc Tuổi biết buồn với giọng hát của Thanh Lan giúp bà tiến vào chung kết Đại hội Âm nhạc Quốc tế Yamaha tại Tokyo.

Thành tích của giọng ca 25 tuổi ở một sân chơi âm nhạc tầm cỡ khiến nhiều người phải thán phục trước tài năng của Thanh Lan. Hai bài hát được thu âm tại xứ sở hoa anh đào Ai no hio KesanaideTuổi mộng mơ (được dịch sang tiếng Nhật là Yume o Miruno) của Phạm Duy đã trở thành một dấu ấn khó quên trong những năm tháng tuổi trẻ của Thanh Lan.

Nhung tac pham gan lien voi su nghiep cua Thanh Lan
Thanh Lan nổi tiếng với những ca khúc tiếng Pháp, đặc biệt là dòng nhạc trẻ

Sự nghiệp của Thanh Lan trở nên nổi tiếng hơn nữa sau năm 1975 với nhiều ca khúc như: Cô đi nuôi dạy trẻ, Đi qua vùng cỏ non, Phượng hồng, Em đi chùa Hương, Khi xưa ta bé (Bang bang), Trở về mái nhà xưa (Come back to Sorrento), Búp bê không tình yêu, Giàn thiên lý đã xa... Cô tham gia hát nhiều nơi như: đoàn Kim cương, đoàn Bông hồng, đoàn Hương miền nam... Thanh Lan trở thành một trong những biểu tượng của dòng nhạc trẻ tại Sài Gòn thời bấy giờ.

Sau khi ra nước ngoài định cư vào năm 1993, Thanh Lan vẫn đi hát đều đặn, ra CD, DVD. Giọng hát của bà với khán giả tại Việt Nam trở thành những hoài niệm đẹp trong quá khứ.

Sau âm nhạc, tên tuổi của Thanh Lan tiếp tục xuất hiện trên màn ảnh. Trong sự nghiệp điện ảnh, Thanh Lan chỉ diễn hơn 25 vai nhưng thành công thì vang dội. Trong số đó, không thể không nhắc đến vai Thùy Dung trong Ván bài lật ngửa, vai Diệu Hương trong Bài hát đâu chỉ là nốt nhạc…  Với phim Ván bài lật ngửa, ấn tượng của Thanh Lan để lại trong lòng đạo diễn Lê Hoàng Hoa vô cùng sâu đậm, để rồi nữ ca sĩ tiếp tục được giao vai Thuỳ Dung trong năm 1985, 1986, 1987.

Nhung tac pham gan lien voi su nghiep cua Thanh Lan
Hình ảnh của Thanh Lan trên màn ảnh

Sau Thuỳ Dung, Thanh Lan lại được khán giả nhắc đến rất nhiều trong năm 1987 với vai Diệu Hương trong phim Bài hát đâu chỉ là nốt nhạc. Tác phẩm của đạo diễn Nguyễn Xuân Thành khi trình chiếu nhân dịp Tết Nguyên đán năm đó đã “ăn khách” đứng thứ hai sau phim Cao áp và nước lũ - tập 7 của Ván bài lật ngửa. Đây cũng là bộ phim Việt Nam đạt doanh thu cao thứ ba sau Cao áp và nước lũ - tập 7 của Ván bài lật ngửa, Trả lại tên cho em - tập 4 của phim Biệt động Sài Gòn. Qua phim Bài hát đâu chỉ là nốt nhạc, Thanh Lan lại được công chúng quan tâm không chỉ qua sự nghiệp âm nhạc, diễn xuất mà còn bởi mối tình với nam diễn viên chính Đơn Dương.

Sau đó, Thanh Lan tiếp tục sự nghiệp phim ảnh “lên như diều gặp gió” với các dự án: Ngoại ô của đạo diễn Lê Văn Duy, vai Thục Nhàn trong tập 1 bộ phim Đằng sau một số phận do đạo diễn Lê Hoàng Hoa thực hiện năm 1989. Thanh Lan cũng đã lồng tiếng giọng Huế cho vai Nguyệt (diễn viên Minh Châu đóng) trong phim Cô gái trên sông của đạo diễn Đặng Nhật Minh.

Chỉ đóng khoảng 25 phim nhưng Thanh Lan có đến 16 vai chính, một thành tích hiếm ai có được. Ngoài những bộ phim bên trên, sự nghiệp của Thanh Lan còn phải kể đến những tác phẩm điện ảnh sau: Tiếng hát học trò (1970), Yêu (1971), Lệ đá (1971), Ngọc Lan (1972), Gánh hàng hoa (1972), Trên đỉnh mùa đông (1972), Xin đừng bỏ em (1973), Xóm tôi (1973), Mộng Thường (1973), Hai chị em (1988)…                       

Điện ảnh mang đến thành công cho Thanh Lan nhưng cũng là nơi nữ nghệ sĩ để lại những nốt trầm. Theo đó, Thanh Lan từng từ chối ba phim: Chuyện tình của biển (1989), Tên phim dành cho khán giả (1992), Qua mùa giông bão - tập 3 của phim Nước mắt học trò (1993). Đặc biệt, cuối năm 1993, Thanh Lan lên kế hoạch làm bộ phim điện ảnh đầu tay mang tên Đan Thanh do cô viết kịch bản và làm đạo diễn. Thanh Lan dự định đóng chung với Nguyễn Chánh Tín và Lê Cung Bắc. Nhưng cuối cùng, tác phẩm này vẫn còn nguyên trên giấy. 

Nhung tac pham gan lien voi su nghiep cua Thanh Lan
Thanh Lan mãi là những miền kí ức đẹp của khán giả Việt Nam

Ngoài ra, trong thời gian đóng phim Tình khúc thứ mười, Thanh Lan vướng không ít điều tiếng khi bộ phim này được cho là đồi truỵ chính hiệu. Bản thân Thanh Lan sớm nhận ra mưu đồ của nhóm làm phim nên quyết định bỏ ngang. Tuy nhiên, cho đến hiện tại, chẳng ai hiểu vì sao đạo diễn như Lưu Bạch Đàn lại giới thiệu Thanh Lan đóng phim như thế, đặc biệt khi bị chính Thanh Lan chất vấn ông chối bỏ hoàn toàn trách nhiệm. Bộ phim tai tiếng này sau đó cũng rơi vào quên lãng.

Ở sân khấu, Thanh Lan có thành tích khiêm tốn hơn nhưng vẫn đủ để khán giả ấn tượng. Nữ nghệ sĩ từng đóng vai trong một vở kịch ngắn trình diễn trên sân khấu đoàn ca nhạc điện ảnh Sài Gòn, tham gia thu âm băng cassette chương trình hài kịch Đội lốt Việt kiều. Năm 1991, Thanh Lan từ chối không tham gia vở kịch Tình nghệ sĩ do đạo diễn Hồng Phúc dàn dựng. Sang Mỹ, Thanh Lan tham gia nhiều vở kịch trên sân khấu tại bang California như: Lá sầu riêng, Lôi vũ, Lồng đèn đỏ, Đoạn tuyệt, Sân khấu về khuya, Phù dung tự... Ngoài diễn xuất, Thanh Lan còn viết các vở kịch vui như: Công tử Bạc Liêu, Chuyện vui ngày xuân…        

Thuỵ Khuê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI