Nhớ người một thuở vàng son
Giai đoạn từ giữa thập niên 50 tới giữa thập niên 70, cải lương gần như chiếm ngự đời sống văn hoá giải trí miền Nam. Những "kép", những "đào", nào "lẳng", nào "thương"... mỗi đêm kéo một lượng lớn khán giả Sài thành đến với rạp hát, nhộn nhịp như các cuộc hội hè mỗi mùa xuân.
Sau lớp đi trước như Út Trà Ôn, Thành Được, Hữu Phước... cải lương miền Nam ghi dấu ấn trong giới mộ điệu với một thế hệ "giọng ca vàng" tiếp nối: Minh Vương, Lệ Thuỷ, Thanh Kim Huệ, Châu Thanh, Phượng Hằng...
Họ, mỗi giọng ca là một dấu ấn riêng biệt mà chỉ cần vừa cất lên tiếng hát đầu tiên, khán giả đã nhận ra đó là ai. Khác với tân nhạc, "đất" của cải lương rộng lớn, đủ để mỗi người vẫn là đào chánh, kép chánh và đều có "vùng" cát cứ của riêng mình.
Thuở vàng son ấy, tiếng hát họ là đời sống tinh thần của giới mộ điệu.
Bài 1: NSƯT Phương Hồng Thuỷ: Cuối đời vẫn có người trầm ngâm một góc nghe mình ca
|
Kép “sơ cua” nổi tiếng
Có cha là một tài tử “nông dân” nổi tiếng ở xã Phước Chỉ, Trảng Bàng (Tây Ninh), từ nhỏ cậu bé Tuấn Kiệt (tên khai sinh của nghệ sĩ Châu Thanh) cũng từng làm cha mẹ nở mày nở mặt vì luôn nổi bật trong các chương trình văn nghệ tại địa phương nhờ giọng ca ngọt như mía lùi và tay guitar phím lõm điêu luyện.
|
Cặp đào-kép Châu Thanh - Phượng Hằng một thời |
15, 16 tuổi đã phải nghỉ học để đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình, nên dù có giọng ca ngọt ngào thì giấc mơ trở thành nghệ sĩ của Tuấn Kiệt vẫn ở đâu xa lắc trong tâm tưởng. Cho đến lần đoàn cải lương Sài Gòn 2 về Tây Ninh diễn, đến chơi với cậu là nhạc sĩ đờn sến của đoàn và được giới thiệu với NSND Diệp Lang, Tuấn Kiệt vẫn nghĩ nghề hát là một công việc tạm thời khi vừa xong mùa cấy lúa, theo chân đoàn hát một vòng, tới mùa cắt lúa sẽ lại về quê làm ruộng.
Chỉ có giọng ca trời phú mà như tờ giấy trắng với diễn xuất, ngày đó, ngoài việc đóng vai quân sĩ, Tuấn Kiệt được NS Diệp Lang giao nhiệm vụ ngồi trong cánh gà, theo dõi và học thuộc tất cả các vai kép, để có ai nghỉ đột xuất thì thay vai.
Được nhận vào đoàn cải lương Sài Gòn 2 với mức thù lao hai đồng rưỡi một suất diễn và được ăn cơm hội (cơm do đoàn hát nấu, phục vụ NS của đoàn) đã là một may mắn không nhỏ của chàng trai vốn chỉ quen với việc đồng áng Tuấn Kiệt.
Vậy nên, đến bây giờ, NS Châu Thanh mới “thú thiệt”: “Ngày ở nhà, tuổi thanh niên trai tráng, mỗi bữa tôi ăn 6, 7 chén cơm. Ăn cơm hội theo tiêu chuẩn chỉ được chừng 3 chén. Tiền lương mỗi suất diễn chỉ đủ mua thêm ổ bánh mì nên hồi đó tôi ở trong tình trạng đói triền miên”.
|
Nghệ sĩ Châu Thanh hiện tại |
Ai dè, chính chuyện “ốm đói” đó lại giúp anh lính mới Tuấn Kiệt làm nên chuyện. Trong một lần, kép Tuấn An đóng vai Trung trong tuồng Khách sạn hào hoa nghỉ đột xuất, Tuấn Kiệt được cho thế vai. Tới lớp diễn anh Trung gặp lại người yêu bội bạc năm xưa trong tay nhân tình mới, Tuấn Kiệt thể hiện thái độ giận dữ đến mức run người, loạng choạng, đi không vững.
Diễn xuất thần, Tuấn Kiệt được bầu gánh và đồng nghiệp khen ngợi, sau suất hát đó ông bầu tăng lương gấp đôi cho kép Tuấn Kiệt. “Thiệt ra lúc đó tôi không có gì xuất thần như mọi người nghĩ mà chỉ là… đói quá, phát run, loạng choạng đi không nổi mà thành ra hợp với tâm lý của nhân vật” – nghệ sĩ Châu Thanh “nói thiệt”.
Sau thành công bất ngờ nhờ thế vai, kép Tuấn Kiệt thường xuyên được thế vai khi các diễn viên trong đoàn kẹt đi show tỉnh hoặc đau bịnh đột xuất. Anh lần lượt thay thế cho nhiều kép khác nhau trong các tuồng: Khách sạn hào hoa, Tìm lại cuộc đời, Tiếng hò sông Hậu, Nếu em là hoàng đế, Nắng ấm ngoại ô… và trở thành anh kép “sơ cua” nổi tiếng ở đoàn Sài Gòn 2 lúc bấy giờ.
Clip Châu Thanh thể hiện làn hơi dài "vô đối" của mình:
Thay thế không biết bao nhiêu vai, nên dù được ông bầu của đoàn Hương Biển mời về với mức lương cao gấp 3 lần so với thời ở Sài Gòn 2 và đổi tên thành Bảo Châu, thì NS Châu Thanh vẫn không thoát khỏi vị trí kép “sơ cua”. Ở Hương Biển, anh lại được giao đóng thế vai kép ở nhiều tuồng cải lương: Giọt máu oan cừu, Sơn Tinh - Thủy Tinh, Bạch Viên - Tôn Các, Thạch Sanh - Lý Thông…
Mãi cho đến những năm cuối của thập niên 1980, tên tuổi của NS Châu Thanh mới thực sự tỏa sáng nhờ lối ca dài hơi đặc biệt. Khi ấy anh có thể ca liền một hơi dài đến hơn 100 chữ. Cùng với cô đào Phượng Hằng, cặp đào kép Châu Thanh – Phượng Hằng đã “làm mưa, làm gió”, một thời gây sốt phòng vé khi biểu diễn tuồng Vụ án Mã Ngưu ở TP.HCM và nhiều địa phương khác trong cả nước. Sau thành công của Vụ án Mã Ngưu, Châu Thanh – Phượng Hằng vẫn tiếp tục song hành với nhau ở nhiều tuồng khác như Tấm lòng của biển, Nữ kiệt sang sông, Giấc mộng trường sinh… trước khi mỗi người về một đoàn hát khác nhau sau năm 1991.
Rong ruổi ở rất nhiều đoàn cải lương nhưng có lẽ thời gian dừng chân ở đoàn Cao Nguyên là một trong những dấu ấn quan trọng của NS Châu Thanh cả về nghề nghiệp lẫn cuộc sống riêng tư. Ở đoàn Cao Nguyên, lần đầu tiên anh kép “sơ cua” được lên hàng kép chính bên cạnh cô đào Ngọc Huyền Châu – người trở thành bạn đời của NS Châu Thanh sau nhiều thăng trầm, thay đổi.
|
Lần xuất hiện của NS Châu Thanh gần đây nhất là trong chương trình Sao nối ngôi, để hỗ trợ cho con gái Châu Ngọc Tiên |
Mười năm tình cũ
Ngày đó, anh kép “sơ cua” chấp nhận về làm chồng cô đào Ngọc Huyền Châu vì nhiều lẽ. Lấy Ngọc Huyền Châu, anh sẽ có cơ hội trở thành kép chính. Lẽ khác, anh mong được đổi đời và có tiền giúp đỡ gia đình bởi Ngọc Huyền Châu là cô con gái cưng của một gia đình giàu có. Ngày đó kép Tuấn Kiệt 23 tuổi còn Ngọc Huyền Châu chỉ mới 19.
Cuộc sống không như là mơ. Vợ chồng trẻ suốt ngày lục đục cãi cọ vì cái tôi của ai cũng lớn. Vợ vốn là tiểu thơ được gia đình cưng chiều nên càng xa lạ với chàng trai vốn lớn lên từ miệt ruộng vườn, gia đình đông con, cuộc sống thiếu thốn. Họ chia tay nhau sau 5 năm chung sống, khi cô con gái Ngọc Linh chỉ mới hơn một tuổi.
Gánh hát Cao Nguyên như một bước đệm để anh kép Châu Thanh vững vàng bước đi trên con đường nghệ thuật. Rời đoàn Cao Nguyên, Châu Thanh về đoàn Trung Hiếu và ngất ngây với hạnh phúc của sự nổi tiếng. Châu Thanh nói ông không còn nhớ đã có bao nhiêu người phụ nữ ngỏ lời yêu mình để rồi cuối cùng ông chỉ gật đầu “ưng bụng” kết hôn với một Việt kiều.
Ca cảnh Không bao giờ quên anh của Châu Thanh - Cẩm Tiên:
Cuộc hôn nhân chóng vánh, cải lương gặp nhiều khó khăn, tiệm chụp hình anh mở riêng sau khi học nghề với NS Thanh Điền cũng không duy trì được bao lâu. Họa vô đơn chí, tai ương liên tục đến với nghệ sĩ Châu Thanh. Trong nỗi cô đơn đến cùng cực khi bị bệnh nặng, đã có lúc NS Châu Thanh nghĩ đến việc tìm đến nương náu ở cửa chùa sau khi lành bệnh.
Những lời yêu đương chỉ còn trong dĩ vãng, nguời vợ Việt kiều chỉ mới đây thôi cũng bỏ rơi ông. Khi không còn chút tia hy vọng về hạnh phúc và niềm vui trong quãng đời còn lại thì… vợ cũ dắt con gái vào thăm ông.
“Chưa bao giờ tôi cảm nhận được giá trị thiêng liêng của hạnh phúc gia đình như khi đó. Quay cuồng với ánh hào quang, với những lời yêu của những người chỉ yêu thương anh kép Châu Thanh qua những vai diễn trên sân khấu… tôi chưa bao giờ nhận diện được hết sự thiêng liêng của gia đình. Nhưng khi đó tôi không dám hy vọng bởi tất cả đã lùi rất xa. Đã gần 10 chúng tôi đường ai nấy đi…” - NS Châu Thanh xúc động nhớ lại.
Một tia hy vọng le lói khi NS Châu Thanh được con gái “rủ” về nhà nhân ngày sinh nhật lần thứ 10. Ông bắt đầu lên kế hoạch “tán tỉnh” vợ cũ. Hẹn hò, mời vợ cũ đi uống cà phê, NS Châu Thanh mừng đến mức suýt reo lên trong điện thoại khi vợ nhận lời. Gặp vợ cũ, sau vài câu thăm hỏi, biết vợ vẫn “độc thân”, ông “đi nước cờ” đầu tiên thể thử tình yêu của vợ. Nói mình đang bệnh nặng, cần tiền chữa bệnh, NS Châu Thanh hỏi mượn vợ một cây vàng. Cũng giống như lần gọi điện thoại hẹn hò, vợ cũ lẹ làng đồng ý.
|
NS Châu Thanh, Ngọc Huyền Châu và con gái Châu Ngọc Tiên |
Xong bước một, NS Châu Thanh dấn tiếp bước hai, khoảng nửa tháng sau khi muợn vàng, ông gọi điện hỏi mượn tiếp bốn cây vàng nữa và… vợ cũ lại gật đầu. Ngày tới chỗ hẹn nhận vàng, không để vợ cũ kịp nói lên tiếng, NS Châu Thanh tấn công luôn: “Em có chịu làm vợ của anh một lần nữa hông?”.
Đám cưới lần 2 được tổ chức 1 năm sau đó của NS Châu Thanh và Ngọc Huyền Châu khiến không ít đồng nghiệp, bạn bè ngạc nhiên. Cô bé Ngọc Linh lần lượt có thêm một cô em gái và một cậu em trai để thôi không còn cảm thấy cô đơn, tủi thân so với bạn bè.
“Mãi tới khi đó, tôi mới biết, rất nhiều năm, bé Ngọc Linh rất ít khi tiêu xài số tiền ba mẹ cho để tiêu vặt. Con để dành trong heo đất, để mỗi khi được người lớn dắt đi chùa lại đem theo, bỏ vào thùng phước sương và gửi theo lời cầu nguyện xin cho ba mẹ quay về với nhau”, NS Châu Thanh tâm sự.
20 năm tái hôn với vợ cũ, NS Châu Thanh nói đó là quãng thời gian hạnh phúc nhất của mình. Vợ chồng luôn song hành bên nhau, vợ ông luôn ủng hộ những ước mơ và khát vọng được làm nghề của ông. Có lần bà đã bán gấp một căn hộ chung cư với giá rất thấp để chồng được làm điều mình muốn khi nhà tài trợ ngưng tiếp vốn cho một dự án cải luơng mà NS Châu Thanh rất tâm huyết.
Có một điều không ai có thể lý giải, từng bệnh rất nặng, từng nghĩ đến tình huống xấu nhất nhưng từ ngày về với gia đình, ông lại khỏe lên và lại có thể tiếp tục với những chuyến lưu diễn ở khắp nơi. “Đi loanh quanh kiếm tìm, cuối cùng mới thấy không ai tốt bằng vợ mình, không đâu hạnh phúc bằng gia đình mình”, đó là điều được NS Châu Thanh nhắc lại rất nhiều lần khi nói về tổ ấm yêu thương.
Nguyễn Nguyên