'Những giấc mơ lóng lánh' ở nhà hát kịch

19/05/2018 - 15:57

PNO - Có lúc khán giả ngỡ mình không phải đang xem diễn kịch mà đang ở một góc phố thân quen của Sài Gòn, đang ngắm nhìn, lắng nghe những cung bậc cảm xúc khác biệt để yêu hơn thành phố nơi mình đang sống.

Cảm giác rất lạ khi bước chân vào khán phòng Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ. Những hàng ghế khán giả xếp theo hình tam giác. Ở ba góc tam giác là ba không gian của nghệ sĩ biểu diễn. Hẳn nhiều khán giả bước vào đây sẽ bật cười thích thú với cái góc nhỏ, nơi có quán cóc bé xíu nằm nương cạnh cái cột điện dán chằng chịt những tờ giấy quảng cáo.

'Nhung giac mo long lanh' o nha hat kich

Có lúc khán giả ngỡ mình không phải đang xem diễn kịch mà đang ở một góc phố thân quen của Sài Gòn, đang ngắm nhìn, lắng nghe những cung bậc cảm xúc khác biệt để yêu hơn thành phố nơi mình đang sống.

Góc phố ở Những giấc mơ lóng lánh (tác giả: Tùng Phi, đạo diễn: Thái Kim Tùng) không có nhà lầu, xe hơi, chỉ có những cư dân đa phần tứ xứ, chật vật mưu sinh nhưng sống với nhau trọn nghĩa, vẹn tình. Rạp hát Kim Hải đã đóng cửa từ lâu. Ông Sáu, người từng là “dân phe vé” giờ mượn tạm khoảng sân trước rạp, đặt chiếc ghế tựa mở “tiệm” cắt tóc, ráy tai kiếm sống. Chỉ có ông Sáu biết cô thợ may đang sống đối diện rạp hát từng là diễn viên Dạ Thu nổi tiếng của rạp Kim Hải...

Ba góc sinh hoạt với chưa tới mười nhân vật nhưng Những giấc mơ lóng lánh đầy ắp không khí và cả những câu chuyện thời sự của Sài Gòn hôm nay. Từ chuyện sống ảo của một bộ phận người trẻ, nạn cho vay nặng lãi đến nỗi buồn của những nhà hát nổi tiếng một thời giờ chỉ còn là những phế tích hoặc đã trở thành những tòa cao ốc, trung tâm thương mại. Ở đó cũng có cả những hào quang giả tạo của đời sống showbiz, quan niệm làm nghề dễ dãi của một bộ phận diễn viên trẻ…

Quá nhiều vấn đề, sự kiện kịch được bày biện trong một vở diễn nhưng điều thú vị ở cách kết nối tất cả những sự kiện, diễn biến kịch, để dẫu phải chuyên chở rất nhiều thứ nhưng mạch kịch không bị rối, không bị loãng.  

Có lẽ đã mười năm mới quay trở lại với sân khấu nhưng NSƯT Công Ninh vẫn giữ nguyên phong độ. Một nhân vật có ngoại hình khắc khổ nhưng lối diễn tỉnh rụi của ông Sáu - Công Ninh luôn khiến người xem phải bật cười thích thú. Có một cái duyên rất lạ ở NSƯT Công Ninh, anh không diễn hài, không thoại những câu mang yếu tố hài hước nhưng đôi khi chỉ cần một ánh nhìn “ngơ ngác” hay nhìn cái tướng đi lom khom của anh, người xem đã phải bật cười và nhớ hoài.

'Nhung giac mo long lanh' o nha hat kich
 

Quốc Thịnh cũng có một vai diễn khá hay. Anh chàng An Hội, quê ở Hội An nhưng nói rặt giọng Huế rất duyên. Một lần nữa Quốc Thịnh chứng minh anh có một khả năng diễn hài rất riêng, không “đụng hàng” với bất kỳ ai.

Những giấc mơ lóng lánh không chỉ là câu chuyện của những cư dân Sài Gòn mà còn lấp lánh cả ước mơ, khát khao của những người từng gắn bó với Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ: “Chỉ khi được hòa mình vào những nhân vật, dưới ánh đèn lung linh của sân khấu, nơi đó mới chính là của họ”. 

Vở diễn còn có sự tham gia của các diễn viên: NSƯT Tuyết Thu, NSƯT Mỹ Uyên, Trung Dũng, Võ Tấn Phát, Kim Nhã... 

Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI