Nghịch lý nhuận bút, thù lao sân khấu

11/06/2018 - 11:30

PNO - Sau ba năm thực hiện, việc chi trả thù lao, nhuận bút cho tác giả, đạo diễn sân khấu theo Nghị định 21/2015/NĐ-CP cho thấy nhiều nghịch lý, nhất là khi sân khấu đang gặp nhiều khó khăn, kinh phí đầu tư cho tác phẩm bị cắt giảm.

Những con số… ước mơ

Theo khung nhuận bút, thù lao của tác giả sân khấu dao động từ hơn 15 triệu đến gần 190 triệu đồng/tác phẩm; đạo diễn sân khấu từ 10,4 triệu đến 126 triệu đồng/tác phẩm (tùy theo thời lượng và xếp loại tác giả, đạo diễn). 

Những tác giả, đạo diễn chưa từng làm việc với các đơn vị nghệ thuật công lập chắc chắn sẽ phải giật mình với những con số ngoài mức tưởng tượng này. Căn cứ theo khung, một tác giả, đạo diễn vừa ra trường hoặc vừa có tiểu phẩm đầu tay khoảng 20 phút được dàn dựng đã có thể nhận mức thù lao trên 10 triệu đồng. 

Nghich ly nhuan but, thu lao san khau

Một tác phẩm sân khấu là công trình của cả tập thể, mọi thành phần sáng tạo cần được nhìn nhận công bằng và hợp lý

Hiện nay, rất hiếm khi các đơn vị nghệ thuật dựng tiểu phẩm hài hoặc những vở ngắn mà hầu hết các vở diễn đều có thời lượng trên dưới 120 phút. Nếu tính ở mức thấp nhất trong khung nhuận bút, thù lao thì chỉ riêng phần tác giả, đạo diễn đã “ngốn” trên 130 triệu đồng, chưa kể thù lao cho các thành phần sáng tạo khác: họa sĩ thiết kế, âm nhạc, thiết kế ánh sáng, âm thanh… 

Ở khu vực phía Nam, kinh phí phổ biến để dàn dựng một tác phẩm sân khấu dao động từ 200-300 triệu đồng (trừ một số chương trình đặc biệt có thể lên đến 700 triệu - 1 tỷ đồng), việc chi trả thù lao, nhuận bút theo Nghị định 21 là bài toán khó. 

Cách làm phổ biến của một số đơn vị nghệ thuật địa phương hiện nay là thỏa thuận với tác giả, đạo diễn dựa trên nguồn kinh phí của đơn vị. Tuy nhiên với cách làm này, nếu không có những mối quan hệ đặc biệt với những tác giả, đạo diễn ít nhiều đã “có name” thì đa phần các đơn vị chỉ có thể phối hợp được với những tác giả, đạo diễn chưa có tên tuổi, hoặc chọn dàn dựng lại những kịch bản cũ. 

Với uy tín là nhà hát cải lương duy nhất khu vực miền Nam, Nhà hát Trần Hữu Trang có nhiều lợi thế trong việc thỏa thuận thù lao, nhuận bút với các tác giả, đạo diễn tên tuổi. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Hồng - Phó giám đốc nhà hát, mọi sự thỏa thuận đều phải dựa trên khung quy định ở Nghị định 21. Do vậy, phần lớn kinh phí được cấp dành để chi trả cho tác giả, đạo diễn, số còn lại gói ghém chi cho các thành phần sáng tạo khác. Không ít vở diễn phải tận dụng phục trang, cảnh trí… cũ, chấp nhận sự chắp vá vì không còn đủ kinh phí. 

Nghich ly nhuan but, thu lao san khau
Một vở diễn ở Nhà hát Trần Hữu Trang

Cả trưởng đoàn cải lương Long An và đoàn văn công Đồng Tháp đều thừa nhận rất khó để đáp ứng được khung thù lao của Nghị định 21. 

Tự cởi trói vẫn vướng hệ lụy

Khung nhuận bút, thù lao ở Nghị định 21 có lúc tưởng sẽ là sự đổi mới, khuyến khích sự sáng tạo của các thành phần sáng tạo nghệ thuật, để sân khấu có thêm nhiều tác phẩm hay. Nhưng thực tế lại là sự bó buộc khiến các đơn vị nghệ thuật càng khó khăn hơn ngay từ khâu tìm kịch bản. 

Nhiều đơn vị nghệ thuật đành chấp nhận sử dụng những tác phẩm được chào hàng, dù tác phẩm đó chưa phù hợp với điều kiện của đơn vị về nhiều mặt, kể cả thực lực của diễn viên. Cũng có trường hợp có đơn vị nghệ thuật có thể thỏa thuận được với tác giả, đạo diễn, nhưng phải chấp nhận suy nghĩ “tiền nào của nấy”. Kịch bản chưa thực sự ưng ý, đạo diễn giao quyền cho trợ lý, thỉnh thoảng chỉ ghé ngang ngó qua vở diễn và dành một số buổi để chỉnh sửa trước khi ra mắt, đơn vị vẫn phải nhắm mắt làm ngơ vì vài lần nhắc khéo, tác giả, đạo diễn trả lời họ đã nhận lời chỉ vì tình nghĩa. 

Ngay cả việc xếp hạng tác giả, đạo diễn để tính khung nhuận bút, thù lao cũng là việc cần bàn. Đạo diễn Hoàng Duẩn từng bức xúc đặt câu hỏi tiêu chí nào để xác định thứ bậc của đạo diễn, khi giám đốc nhà hát luôn tự xếp mình ở thứ bậc cao nhất để nhận thù lao đạo diễn cả trăm triệu một vở diễn.

Một nghịch lý khác của nghị định đó là sự chênh lệch quá lớn giữa nghệ sĩ và tác giả, đạo diễn. Vở diễn có thời lượng trên 105 phút, mức nhuận bút cao nhất của tác giả là 189,5 triệu đồng, đạo diễn là 126 triệu đồng thì diễn viên chính chỉ hưởng thù lao luyện tập (theo Quyết định 14/2015/QĐ-TTg) là 80.000 đồng/buổi và tiền bồi dưỡng đêm diễn là 200.000 đồng/suất.

Nghich ly nhuan but, thu lao san khau
Theo khung nhuận bút này, thù lao cho diễn viên quá thấp 

Sự chênh lệch mà ngay cả đạo diễn, NSƯT Trần Minh Ngọc cũng cảm thấy áy náy: “Cách tính thù lao như hiện nay nhìn ở góc độ diễn viên thì chưa công bằng”. Ở hầu hết các đơn vị công lập, toàn bộ kinh phí, sau khi chi trả tiền tác giả, đạo diễn và các thành phần sáng tạo khác, số còn lại mới tính đến bồi dưỡng tập luyện cho diễn viên. 

Thiết nghĩ, khi các đơn vị nghệ thuật đang đặt ra cho mình những cách giải quyết khác, không theo nghị định thì cần xem xét lại tính hợp lý, thay vì để các đơn vị tự xoay xở theo khả năng và điều kiện của từng địa phương. 

Thảo Vân 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI