Nghịch lý buồn của những người 'kể chuyện' sử: Đam mê tái hiện tiền nhân

04/04/2018 - 15:10

PNO - Cuộc trò chuyện của phóng viên Báo Phụ Nữ và Dũng Phan - tác giả cuốn 'Sử Việt - 12 khúc tráng ca' gây sốt thời gian qua, xin cung cấp một góc nhìn khác, từ chính những người trẻ.

Nghịch lý buồn của những người 'kể chuyện' sử

 Trước những cơn sóng tuyên truyền, tô vẽ lịch sử ẩn trong các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật từ các nước ập vào Việt Nam, chúng ta vẫn tiếp tục loay hoay, thậm chí bất lực. Những bộ phim đề tài lịch sử được Nhà nước đặt hàng, đầu tư thưa thớt khán giả. Tác phẩm từ các trại sáng tác văn học chỉ loanh quanh trong một nhóm nhỏ. Tác phẩm sân khấu phần nhiều chỉ để tham dự liên hoan, hội diễn kiếm huy chương.

Trong bối cảnh u buồn ấy, rất may, vẫn còn có những người trẻ tình nguyện đưa sử Việt đến với công chúng bằng nhiều cách khác nhau, dẫu trăm bề khó khăn và gần như chẳng được người lớn trợ lực.

Bài 1: Cuộc 'dạo chơi' nhọc nhằn

Trong lúc rất nhiều người lo ngại về điểm sử bết bát của học sinh trong các kỳ thi, tỷ lệ thí sinh chọn khối C èo uột, lạ thay vẫn còn nhiều bạn trẻ yêu sử, tìm đọc sử, thậm chí viết sách sử. Những cuốn tiểu thuyết lịch sử của các tác giả trẻ thu hút một lượng lớn độc giả, xếp vào hàng bestseller, dù còn nhiều điểm sai về sử liệu. Nhưng khác nhiều người lớn, các tác giả trẻ đã dũng cảm thừa nhận sai lầm, sửa sai, để tiếp tục sống với đam mê, để viết sử theo một cách hoàn toàn khác.

Hãy để người trẻ được khám phá

* Lúc Sử Việt - 12 khúc tráng ca bị phê bình sai sử liệu, Dũng Phan có thấy… sợ hãi hay áp lực?

- Bất cứ ai, khi đã chọn viết sách sử thì phải sẵn sàng nhận những luồng dư luận trái chiều. Nếu không vì tự tin và cả liều mạng, tôi đã không dám viết Sử Việt - 12 khúc tráng ca. Những tranh luận về cách tôi tiếp cận lịch sử, cách viết đã xảy ra trong nội bộ anh em bạn bè, trước khi sách ra mắt. Thậm chí, vì quyển sách này, tôi đã trả giá bằng việc mất đi một số mối quan hệ thân thiết.

Khi sách bị phê bình, tôi hoang mang, mệt mỏi. Nhưng quan điểm của tôi là: có làm tất có sai. Những chỉ dẫn của mọi người sẽ giúp mình hoàn thiện. Tôi nhận lỗi, sửa sai trong đợt tái bản. Sử Việt - 12 khúc tráng ca là niềm tự hào của tôi ở tuổi 30.

Nghich ly buon cua nhung nguoi 'ke chuyen' su: Dam me tai hien tien nhan

Dũng Phan được đông đảo bạn đọc trẻ yêu thích, mến mộ với tác phẩm Sử Việt - 12 khúc tráng ca

* Anh sẽ viết tiếp sách sử chứ?

- Chắc chắn sẽ tiếp tục, nhưng không vội. Tôi là kỹ sư xây dựng, ngày mất tám tiếng cho công việc chuyên môn. Để viết sách, tôi phải tranh thủ ban đêm, có khi viết đến ba, bốn giờ sáng. Quyển sách tiếp theo, tôi sẽ viết về những người phụ nữ có tầm ảnh hưởng lớn như công chúa Huyền Trân, Tuyên phi Đặng Thị Huệ, nữ tướng Bùi Thị Xuân…

“Người trẻ đã bội thực với sách giáo khoa, nên xin hãy làm khác. Nếu lịch sử lại tiếp tục được viết theo kiểu biên niên, khô khan, không có tính đột phá, hấp dẫn thì làm sao có thể khiến người ta yêu thích, say mê"

* Điều gì đưa anh đến với việc viết sử?

- Vào cuối năm 2015, khi tôi đến Tràng An (tỉnh Ninh Bình). Trước đó, tôi đã đến cố đô Hoa Lư, thắp hương ở lăng vua Đinh Bộ Lĩnh. Tôi không có ý định đi thăm vua Lê Hoàn. Khi tôi chuẩn bị về, có một chú xe ôm ngồi ở đó, hỏi: “Con có muốn đi thăm vua Lê Hoàn không?”. Tôi giật mình. 

Lăng vua nằm sau chân núi, không gian tịch mịch, hoang vu lắm. Lần khác ở Huế, tôi chỉ định đi thăm lăng Khải Định, Tự Đức… nhưng đi thế nào lại lạc đến lăng vua Gia Long. Bạn gái tôi bảo “chắc vua muốn anh đến thăm ông”. Tôi phải thừa nhận rằng, luôn có tiền nhân bên cạnh, dẫn dắt tôi.

* Anh tin độc giả trẻ sẽ thích những câu chuyện anh kể?

- Facebook của tôi có riêng một album chủ đề Chạm vào lịch sử. Đó là những bài tôi viết về các di tích, nhân vật lịch sử ở nhiều điểm du lịch trong nước. Bạn trẻ rất thích du lịch, nhưng phần lớn chỉ chụp ảnh, check-in mà không để tâm tìm hiểu lịch sử. Nước mình, nơi nào cũng có những câu chuyện, cũng in dấu bước chân tiền nhân. Nhiều bạn, sau khi đọc các bài của tôi chia sẻ rằng, khi họ đến thăm những nơi tôi đề cập, ngoài ăn uống, chụp ảnh, họ đã đi thắp hương cho tiền nhân.

Người trẻ rất quan tâm, yêu thích lịch sử. Quan trọng là cách chúng ta kể cho họ. Hãy để người trẻ được khám phá, tìm hiểu những góc khuất của lịch sử, để họ đặt câu hỏi, phản biện… Hãy kể cho họ những câu chuyện thay vì chỉ là sự kiện, thống kê số liệu… Chúng ta đã quá sai suốt hàng chục năm - từ việc dạy sử trong nhà trường, đến những cuốn sách khô khan.

Nghich ly buon cua nhung nguoi 'ke chuyen' su: Dam me tai hien tien nhan

Viết bằng "trái tim nóng và cái đầu lạnh"

* Có vẻ anh quá tự tin khi tuyên bố sách của mình rồi sẽ phủ khắp các nhà sách?

- Tôi tự tin chứ, trên cơ sở phản hồi từ những người theo dõi trang cá nhân của tôi. Tôi viết sách kể chuyện lịch sử chứ không thống kê. Tôi từng rất tiếc khi đọc bản thảo của một người trẻ về các tượng đài ở TP.HCM. Đề tài rất hay, nhưng cách viết lại theo lối mòn - như nhiều tựa sách lịch sử hiện nay.

Hậu thế có quyền, có tư cách, nghĩa vụ nhìn vào quá khứ, nhận định về tiền nhân. Những người hoàn toàn có tội thì không nói, còn những người có công lẫn tội thì ta phải xem lại. Sợi chỉ đỏ suốt chiều dài lịch sử là những ai, những gì đã tạo nên dân tộc này?

Chúng ta đã từng sai lầm khi nhìn nhận về vua Gia Long hay Hồ Quý Ly. Càng sai khi thương cảm Mỵ Châu - một tội đồ - như nàng công chúa ngây thơ trong sáng, chỉ vì “trái tim lầm chỗ để trên đầu/ nỏ thần vô ý trao tay giặc”. Người viết sử, phải viết bằng trái tim nóng và cái đầu lạnh. Nóng để viết có cảm xúc và lạnh để tỉnh táo phân tích đúng sai. 

Bùi Tiểu Quyên (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI