Nghịch lý buồn của những người 'kể chuyện' sử: Cuộc 'dạo chơi' nhọc nhằn

02/04/2018 - 07:29

PNO - Trong khi hằng năm Nhà nước chi hàng núi tiền để làm ra những sản phẩm chẳng mấy ai biết đến, những bộ phim lịch sử do những người trẻ không chuyên thực hiện lại tạo được hiệu ứng số đông. Đó là nghịch lý đáng suy ngẫm.

 Nghịch lý buồn của những người 'kể chuyện' sử

 Trước những cơn sóng tuyên truyền, tô vẽ lịch sử ẩn trong các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật từ các nước ập vào Việt Nam, chúng ta vẫn tiếp tục loay hoay, thậm chí bất lực. Những bộ phim đề tài lịch sử được Nhà nước đặt hàng, đầu tư thưa thớt khán giả. Tác phẩm từ các trại sáng tác văn học chỉ loanh quanh trong một nhóm nhỏ. Tác phẩm sân khấu phần nhiều chỉ để tham dự liên hoan, hội diễn kiếm huy chương.

Trong bối cảnh u buồn ấy, rất may, vẫn còn có những người trẻ tình nguyện đưa sử Việt đến với công chúng bằng nhiều cách khác nhau, dẫu trăm bề khó khăn và gần như chẳng được người lớn trợ lực.

Trong khi dòng phim chính thống về đề tài lịch sử tồn tại èo uột - phim Nhà nước làm ra vừa ít vừa quảng bá kém, còn tư nhân gần như không ai chịu đầu tư thì một dòng chảy ngầm những phim lịch sử do nhiều nhóm bạn trẻ thực hiện lại thu hút được công chúng.

Nghich ly buon cua nhung nguoi 'ke chuyen' su: Cuoc 'dao choi' nhoc nhan

Với thể loại diễn họa lịch sử, Tử chiến thành Đa Bang - Hồi 1: Giấy có cử động và tạo hình nhân vật mang tính ước lệ, bối cảnh cũng chỉ một màu xám tro

Nhìn quá khứ bằng đôi mắt trẻ

Những ngày đầu tháng Tư này, nhóm Đuốc Mồi (gồm khoảng 30 bạn trẻ thế hệ 8X, 9X, đứng đầu là Trần Minh Tuấn - vốn là một kỹ sư điện) đang ráo riết hoàn tất tập phim “bên lề” - Nhà Trần ngoại truyện - của xê-ri phim Tử chiến thành Đa Bang. Xê-ri phim này đã ra mắt Hồi 1: Giấy vào ngày 31/12/2017. Sau Nhà Trần ngoại truyện, Đuốc Mồi sẽ làm tiếp Hồi 2: Sắt, được đầu tư kỹ hơn về trang phục, hoa văn, họa tiết...

Những con số

Phim Đại chiến Bạch Đằng - đề án tốt nghiệp của sáu sinh viên khoa Mỹ thuật công nghiệp, Trường đại học Hồng Bàng ra mắt năm 2012 thu hút 69.000 lượt truy cập sau hơn một tuần đăng tải trên YouTube.

Phim Con rồng cháu tiên, ra mắt vào đầu tháng 11/2017, đạt năm triệu lượt xem chỉ sau ba ngày công chiếu trên YouTube. Hiện số lượt người xem phim đạt trên 8,7 triệu.

Phim Hùng ca sử Việt, tập Trần Quốc Tuấn: 125.560 lượt xem; Tử chiến thành Đa Bang - Hồi 1: Giấy đạt 109.641 lượt xem trên YouTube.

Tử chiến thành Đa Bang là tác phẩm thuộc Việt sử kiêu hùng - dự án phim dã sử diễn họa đầu tiên của Việt Nam, nội dung kể về cuộc chiến bi tráng hơn 600 năm trước giữa vua tôi nước ta, dưới thời nhà Hồ, chống giặc Minh. Dù nhiều người còn khá bỡ ngỡ với hình thức kể chuyện mới lạ này, phần lớn khán giả tỏ ra thích thú với phong cách đồ họa tinh giản, sắc cạnh.

Giải thích về việc chọn một trận thua để tái hiện, trưởng nhóm Trần Minh Tuấn nói: “Chúng tôi chọn tái hiện một trận thua để ta nhìn vào thất bại, học hỏi, để có thể thành công trong tương lai. Hơn nữa, đây là trận chiến mang tính quyết định”. Dù nét vẽ còn chưa hoàn hảo, việc phim đề cập các tình tiết liên quan đến thời nhà Hồ - vốn ít được nhắc đến trong sách giáo khoa - đã thu hút sự tò mò của người xem.

Thể hiện quan điểm mới nhưng vẫn đậm hồn Việt là bộ phim hoạt hình Con rồng cháu tiên do RedCat Motion thực hiện. Tạm gác việc đây là phim được tư nhân đặt hàng với chi phí đến hai tỷ đồng nên có điều kiện làm tốt nhiều thứ, điều lớn nhất ở Con rồng cháu tiên là tư duy làm phim gần gũi, hiện đại của những người trẻ.

Trên nền câu chuyện quen thuộc, đạo diễn 9x Leo Đinh đã cách điệu hóa hình tượng trăm trứng đẻ trăm con, thêm vào các tuyến nhân vật phụ, thêm thắt những chi tiết mới như chuyện Lạc Long Quân sau khi tiêu diệt Ngư Tinh thì xác Ngư Tinh biến thành tôm cá, mang lại nguồn sống cho con người; hay Lạc Long Quân hóa rồng đánh bại Ngư Tinh và giải cứu Âu Cơ, từ đó tạo thành một cộng đồng văn minh biết thích nghi với thiên nhiên, canh tác hoa màu, săn bắn…

Nghich ly buon cua nhung nguoi 'ke chuyen' su: Cuoc 'dao choi' nhoc nhan
Con rồng cháu tiên được làm với tư duy gần gũi, dễ đến với giới trẻ

Nhìn lịch sử theo hướng khác với số đông là cách làm của nhóm bạn trẻ  Kỷ Thế Vinh (đạo diễn, kiêm dựng phim, diễn họa), họa sĩ Diệp Xương Vỹ, Lê Vũ Quang. Tập phim Trần Quốc Tuấn táo bạo ở cách dùng những câu chữ hiện đại. Sắp tới, tập phim về Thái úy Lý Thường Kiệt sẽ kể về ông từ thời trẻ đến lúc qua đời và lý do ông trở thành thái giám.

Lối đi không trải hoa hồng 

Dân thâm niên trong nghề, làm phim lịch sử còn khó, huống chi giới trẻ, lại không phải là dân chuyên sử, làm phim. Theo Trần Minh Tuấn: “Các dự án phim lịch sử có độ rủi ro cao vì dễ đụng chạm vấn đề nhạy cảm, nên không nhà đầu tư nào dám hợp tác. Khó khăn nữa là nhân sự. Nhóm Đuốc Mồi chỉ có tám bạn làm việc toàn thời gian, hơn 20 bạn làm công việc khác - rảnh mới tham gia, vì họ cũng không được hỗ trợ tiền bạc gì ngoài chuyện bao cơm nước”.

Tập phim đầu tiên của Tử chiến thành Đa Bang mất đến hai tháng rưỡi, với ê-kíp hơn 20 người, mới hoàn thành. Để có thể tiếp tục, các nhóm phải trông chờ vào sự hăng hái, tình nguyện của những người tham gia, như chuyên gia lồng tiếng Đạt Phi - người khởi xướng dự án Hùng ca sử ViệtViệt sử kiêu hùng - đảm nhận lồng tiếng miễn phí cả hai dự án. Công ty Đại Việt Cổ Phong và EpicMusicVn hỗ trợ sưu tầm tài liệu và âm nhạc.

Ngoài ra, với Việt sử kiêu hùng, nhóm Đuốc Mồi còn gây quỹ cộng đồng để làm phim. Đến nay, dù dự án đã thu được gần 200 triệu đồng, con số chẳng thấm vào đâu so với kinh phí dự kiến để hoàn tất ba tập phim Tử chiến thành Đa Bang. “Giá thị trường hiện nay cho một phút phim hoạt hình khoảng 40 triệu đồng. Ba tập Tử chiến thành Đa Bang tốn 600 triệu đồng” - Trần Minh Tuấn cho biết. Vì lẽ đó, lịch phát hành của Tử chiến thành Đa Bang phải đến 3 tháng/tập. Tốc độ ra mắt phim mới của Hùng ca sử Việt nhanh hơn: trung bình 1 tập/tháng.

Tập phim đầu tiên của dự án Việt sử kiêu hùng - Võ Tánh:

 

Khó khăn về tiền hay nhân lực vẫn chưa bằng cái khó về sáng tạo, chọn câu chuyện, góc nhìn và thu thập tư liệu để hoàn thành. Biên kịch Phạm Vĩnh Lộc tâm sự: “Khó nhất là làm cho hấp dẫn mà không đi lệch quá xa khỏi chính sử. Khi viết, tôi phải đặt bản thân vào vị trí khán giả, để hình dung mong muốn của họ, để đôi khi thêm vào chút kịch tính mà chính sử bỏ lửng. Ví dụ ở tập Thái úy Lý Thường Kiệt, đoạn Lý Thường Kiệt giết Trương Thủ Tiết ở Côn Lôn, tôi phát triển thành một màn ác đấu trong tuyết trắng”.

Trong khi hằng năm Nhà nước chi hàng núi tiền để làm ra những sản phẩm chẳng mấy ai biết đến, những bộ phim lịch sử do những người trẻ không chuyên thực hiện lại tạo được hiệu ứng số đông. Đó quả là nghịch lý đáng suy ngẫm.  

Biên kịch Phạm Vĩnh Lộc: Kể chuyện lịch sử, không phải giảng dạy lịch sử

Sự kiện chỉ có một, nhưng lịch sử vẫn luôn được cập nhật theo thời gian, dựa vào các phát hiện mới. Không ai dám chắc mình đúng 100% khi nói về những sự kiện trong quá khứ. Tôi chỉ kể chuyện lịch sử, không phải giảng dạy lịch sử. Tổ tiên ta cũng là con người, mà con người thì có đúng có sai. Ta nên đánh giá họ ở thời điểm lịch sử đó thay vì dùng góc nhìn hiện đại để kết luận. Cần có cái nhìn cởi mở hơn với tiền nhân.

Mục đích chính của tôi khi làm phim là làm cầu nối cho thế hệ trẻ, gây được sự hứng thú ban đầu, trước khi họ tìm đọc chính sử. Lịch sử nước Nam ta là một mỏ vàng để khai thác chứ không phải gánh nặng. Tuổi trẻ hãy cứ thử sức, dấn thân, trải nghiệm, cống hiến và tôi luôn tin sẽ có các đơn vị sẵn sàng tài trợ để truyền lửa cho giới trẻ.

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI