Không còn là những hình ảnh đẹp đẽ về một thế giới tự nhiên bình ổn, nghệ thuật sinh thái nhìn tự nhiên như một kiệt tác nhưng lại là thứ mong manh, dễ bị tổn thương như chính cuộc sống của chúng ta. Là phong trào nghệ thuật phát triển trên thế giới, nhưng mới chỉ manh nha ở Việt Nam trong vài năm trở lại đây, nghệ thuật sinh thái sử dụng nghệ thuật như một phương tiện để thúc đẩy mối quan hệ hài hòa giữa con người và tự nhiên
|
“Bạn an toàn cho đến năm 2024”
Thế giới đang đối mặt với nhiều vấn đề: môi trường ô nhiễm, biến đổi khí hậu, người vô gia cư, nạn phân biệt chủng tộc, ám ảnh với phẫu thuật thẩm mỹ, ma túy… Jeff Hong - một họa sĩ nổi tiếng ở New York - đã “mượn” những nhân vật hoạt hình nổi tiếng của hãng Walt Disney để gửi gắm thông điệp của mình, đồng thời làm “phá sản” hoàn toàn phương châm “mọi giấc mơ đều trở thành sự thật” mà đế chế này gầy dựng suốt thời gian qua.
|
Mượn hai nhân vật hoạt hình nổi tiếng của Disney, Jeff Hong đưa ra tuyên bố mạnh mẽ về sinh thái |
Jeff Hong đã xây dựng nên một thế giới khác - nơi mà những nhân vật nổi tiếng của Disney phải chiến đấu với tình trạng ảm đạm của thế giới hiện đại: nàng tiên cá Ariel nổi lên từ một vùng biển đầy những vết dầu loang, Hoa Mộc Lan phải đeo mặt nạ khi đi dạo trên những con đường đầy ô nhiễm của Trung Quốc hiện đại… Thông qua những hình ảnh gây tranh cãi này, Jeff Hong đưa ra những tuyên bố sinh thái và xã hội táo bạo, đồng thời nhấn mạnh: nếu chúng ta không bảo vệ hành tinh này, những câu chuyện cổ tích chắc chắn sẽ không kết thúc có hậu.
Calder Kamin (Texas, Hoa Kỳ) được biết đến như một nghệ sĩ thị giác - người thực hiện nhiều tác phẩm điêu khắc từ túi nhựa. Nói về vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa, cô đặt câu hỏi: “Con người tác động, biến đổi thế giới tự nhiên để làm cho cuộc sống hiện nay của chúng ta tốt đẹp hơn, nhưng cuối cùng chỉ để lại một mớ hỗn độn cho thế hệ kế tiếp”. Trong khi đó, ở một chương trình solo mang tên Bạn an toàn cho đến năm 2024, nhà văn Úc David Finnigan cho rằng, chúng ta đang sống trong một thời kỳ kỳ lạ nhất trong lịch sử trái đất. Con người đang xây dựng thành phố, lấp sông, khai thác nhiên liệu hóa thạch và làm biến đổi bộ mặt của trái đất.
Không phải kiểu ăn xổi, a dua mà người ta thường nói khi nhắc đến chữ “phong trào”, cho tới nay, nghệ thuật sinh thái vẫn phát triển mạnh mẽ. Các nghệ sĩ đang đối phó với những sự phức tạp của một hệ sinh thái đã vượt ra khỏi những “cử chỉ thẩm mỹ rỗng tuếch thông thường”. Không chỉ gói gọn trong điêu khắc, phim ảnh, văn học, hội họa, nghệ thuật thị giác, âm nhạc… nghệ sĩ sinh thái có thể liên kết nhiều thể loại, để kể câu chuyện của mình; đồng thời có sự hợp tác liên ngành, gồm các nhà khoa học, nhà quy hoạch, nhà môi trường, giáo dục
|
Nghệ thuật sinh thái xuất hiện từ những năm 1960, 1970 của thế kỷ trước và hiện là một trong những nội dung quan trọng của nghệ thuật đương đại. Những nghệ sĩ sinh thái dành sự quan tâm tới các vấn đề, sự kiện môi trường tại địa phương mình lẫn trên phạm vi toàn cầu. Các nghệ sĩ theo đuổi nghệ thuật sinh thái thường đồng thời là những nhà hoạt động vì môi trường. Với tình trạng biến đổi khí hậu và ô nhiễm “phủ” đầy khắp nơi, thông qua nghệ thuật, các nghệ sĩ sinh thái phê phán nền văn hóa tiêu dùng, đấu tranh cho sự thay đổi. So với tính một chiều của nghệ thuật truyền thống, phong trào nghệ thuật này chú trọng vào việc kích thích đối thoại, nhằm tạo ra sợi dây liên kết cộng đồng và tự nhiên.
|
Một tác phẩm trong triển lãm rác thải nhựa Hãy cứu biển |
Tại Việt Nam vài năm qua, nghệ thuật sinh thái đã manh nha qua một số dự án, triển lãm, đề tài của một vài nghệ sĩ (cả nghệ sĩ người Việt và nghệ sĩ quốc tế); song nhìn chung, dấu ấn của phong trào này vẫn còn mờ nhạt, chưa tạo được tác động mạnh mẽ lên công chúng để thúc đẩy hành động.
Năm 2017, Những can thiệp nối dài - dự án nghệ thuật sắp đặt của nghệ sĩ Lê Phi Long, với tác phẩm Tương lai ẩn khuất và Dị bản xâm lăng, đã được thực hiện tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi và ở TP.HCM, nhằm nâng cao nhận thức của con người về mối nguy hại ô nhiễm môi trường từ rác thải. Cuối năm 2018, nghệ sĩ thị giác Ly Hoàng Ly dựng Cây ký ức - Cây hy vọng, một tác phẩm công cộng, ngay vị trí gốc cây cuối cùng thuộc hàng cây cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng (Q.1, TP.HCM). Ly Hoàng Ly cũng là nghệ sĩ đương đại duy nhất của Việt Nam tham gia lễ hội Art + Climate = Change 2019, diễn ra từ ngày 12/4 tới 1/6 tại Úc, bên cạnh 20 nghệ sĩ quốc tế khác.
Đầu năm nay, nghệ sĩ nổi tiếng quốc tế Von Wong đã chọn TP.HCM làm nơi tổ chức triển lãm Rẽ sóng biển nhựa, tác phẩm được thực hiện từ 160.000 ống hút nhựa được thu gom từ khắp nơi trên đất nước Việt Nam. Von Wong vốn nổi tiếng với các tác phẩm siêu thực xoay quanh thảm họa môi trường. Những tác phẩm của anh là tổng hòa của những nỗ lực sắp đặt, thiết kế, nhiếp ảnh… để kể ra câu chuyện khiến người xem bàng hoàng và chia sẻ.
|
Triển lãm Rồng rắn lên vừa khép lại sau gần hai tháng trưng bày tại TP.HCM |
Mới đây, sau khi chu du qua nhiều không gian nghệ thuật danh tiếng như nhà hát Esplanade (Singapore), triển lãm Body/Play/Politics tại Bảo tàng nghệ thuật Yokohama (Nhật Bản) và Liên hoan nghệ thuật Asia Pacific Triennial 8 tại Queensland Art Gallery I Gallery of Modern Art (Úc)... nghệ sĩ đương đại Trần Nguyễn Ưu Đàm đã mang triển lãm Rồng rắn lên về TP.HCM, với khuôn mặt trọn vẹn nhất. Tác phẩm được sắp đặt lớn, với những chiếc xe máy và hệ thống ống pô liên tục thổi căng những “con rắn” được khâu từ các túi nhựa dùng một lần.
Cảm hứng đến trong những lần Ưu Đàm dừng đèn đỏ, dường như bị ngộp vì khí thải từ động cơ xe máy. Trong ẩn dụ của Ưu Đàm, những dòng khí thải này gợi ra cảnh con người đang chật vật đấu tranh với những chế phẩm của một nền công nghiệp đang tàn phá và làm mất cân bằng hệ sinh thái tự nhiên.
Không chỉ là chốn nương náu của cái tôi và truyền tải cái đẹp, nghệ thuật giờ đây còn là một phương tiện để nghệ sĩ gửi gắm thông điệp tới cộng đồng và tác động đến xã hội. Vận động theo dòng chảy của đời sống xã hội, nghệ sĩ sinh thái không giới hạn mình trong những ước lệ, lối mòn về đề tài, thủ pháp… như những thế hệ đi trước. Họ thực hành nghệ thuật, họ nhập cuộc theo hướng mở, mang đến một mỹ cảm khác trong nghệ thuật, gần gũi và cũng đầy tính đương đại.
|
Một góc triển lãm Rẽ sóng biển nhựa của nghệ sĩ quốc tế Von Wong |
Nghệ sĩ đương đại Nguyễn Trần Ưu Đàm: “Ta đang sống trong một thế giới điên rồ”
Thay vì chiến tranh bom đạn, hiện nay, cả thế giới đang trong một cuộc chiến mới: chiến tranh kinh tế. Đôi lúc, tôi cảm thấy, hình như ta đang sống trong một thế giới điên rồ. Các quốc gia lao vào cuộc chiến đó và nơi nào cũng đặt ra yêu cầu tăng trưởng, phát triển, mà không có cách gì tạm dừng lại, để lắng nghe hơi thở của mình, của khí quyển, của những gì xung quanh. Tôi không nghi ngờ gì về việc trái đất có thể “nổ tung” bất cứ lúc nào.
|
Đậu Dung