Mơ hồ triển lãm cơ thể người thật

06/07/2018 - 18:07

PNO - Đằng sau những mẫu cơ thể thật đang triển lãm ở Nhà văn hóa Thanh Niên (TP.HCM) là gì, chính những người bắt tay với đối tác nước ngoài nhập khẩu về Việt Nam cũng mơ hồ.

Những mô hình trùm vải chờ kiểm duyệt lại

Trong số hơn 131 mẫu cơ thể thật (đã được nhựa hóa) đang trưng bày, có 4/11 mẫu toàn cơ thể bị trùm vải che lại (ở các chủ đề hệ thần kinh, hệ hô hấp, hệ sinh dục) gắn biển “đang được kiểm duyệt lại”. Ở không gian triển lãm hệ sinh dục, tại một số vị trí trống, có biển kiểm duyệt, nhưng chẳng thấy mẫu vật.

Mo ho trien lam co the nguoi that
Một mẫu vật trùm vải, chờ kiểm duyệt lại Ảnh: Thành Lâm

Vì sao không xin cấp phép tất cả rồi mới tiến hành trưng bày? Kiểm duyệt lại là thế nào? Các nhân viên hướng dẫn tại triển lãm cũng trả lời chung chung và thiếu thống nhất. Lúc thì “những mẫu vật này đang trong quá trình kiểm duyệt lại thôi, chứ cũng không có vấn đề gì. Nếu có vấn đề thì đã cất trong kho rồi”. Hài hước nhất là “mẫu vật chưa được hoàn thiện, đang chờ một số bộ phận cơ thể còn thiếu để trưng bày" (?!).

Bà Nguyễn Hồng Hạnh - người phụ trách truyền thông của triển lãm - cho biết, một số mẫu vật chưa được Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM duyệt, đang trong quá trình xin kiểm duyệt lại, nên phải trùm kín. Hỏi về lý do không đưa mẫu vật vào kho mà vẫn để trong không gian triển lãm, bà Hạnh thông tin: phải để trong môi trường này thì mới bảo quản tốt được. Vậy những vị trí trống với biển chờ kiểm duyệt thì những mô hình cơ quan, cơ thể đó đang ở đâu?

Trong khi đó, ai cũng biết, thị trường buôn bán các tiêu bản cơ thể người thật rất sôi động trên thế giới; số lượng người hiến xác lại có hạn, nguồn gốc của các mẫu vật được trưng bày tại Việt Nam có hợp pháp hay không cũng trở thành một dấu hỏi lớn. Các nhân viên hướng dẫn tỏ ra mơ hồ hoặc nói đại khái “từ phía Hàn Quốc” hoặc “thông tin này được bảo mật, không thể công bố”.

Những câu hỏi treo lơ lửng

Được giới thiệu như một triển lãm thành công nhất và đáng kinh ngạc nhất trong lịch sử khi thu hút tới hơn 40 triệu người trên 60 thành phố khắp thế giới tham quan, triển lãm Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người cũng thu hút đông đảo người xem Việt Nam. Triển lãm mở với tất cả công chúng, riêng trẻ em, phải có phụ huynh đi kèm, giá vé 200.000 đồng/người. Theo thống kê sơ bộ, số lượng các bé đến tham quan khá nhiều, tập trung vào cuối tuần. Có đoàn học sinh tới 30 em.

Mo ho trien lam co the nguoi that
Mẫu vật phụ nữ bị cắt dọc nửa thân người bị lên án - Ảnh: Thành Lâm

Dù được truyền thông là một triển lãm sức khỏe cộng đồng, góp phần nâng cao nhận thức và xây dựng lối sống lành mạnh cho người dân qua việc so sánh trực quan về cơ thể người giữa lối sống tốt và không tốt, triển lãm vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Đa số cho rằng, việc trưng bày những thi thể bị mổ xẻ, bóc tách để lộ cơ xương, đặc biệt là các bào thai và cặp thi thể mẹ con trong tình trạng mở khoang bụng và tử cung của người mẹ là vi phạm đạo đức, phản cảm với văn hóa truyền thống Việt Nam.

Trong khi đó, nguồn gốc của những thi thể này ra sao, việc nhựa hóa thi thể đã được người hiến xác đồng ý trước đó chưa…  vẫn là câu hỏi “không lời đáp”. Có vẻ, ở triển lãm này, chỉ có một thứ thật nhất, trực quan nhất là cơ thể người thật đã bị phanh ra rồi ướp nhựa, mang đi triển lãm khắp nơi. Còn lại mọi thứ đều mơ hồ, mông lung.

Tất nhiên, trực quan sinh động luôn mang lại hiệu quả thị giác mạnh. Nhưng khi liên quan tới thi thể thì phải cẩn trọng, để tránh những phản ứng tiêu cực. 

Đậu Dung

Bác sĩ phẫu thuật thần kinh Nguyễn Tường Vũ:
“Bây giờ, mô hình hóa được tất cả mọi thứ”

Ban tổ chức triển lãm nói đây là triển lãm giáo dục sức khỏe, kết hợp kỹ thuật y học hiện đại và công nghệ truyền thông đa phương tiện, nhằm mang đến những trải nghiệm ấn tượng, chân thật và đáng kinh ngạc nhất về cấu trúc sinh học của cơ thể người. Nếu giáo dục thì mình có thể dùng mô hình được mà. Giờ người ta mô hình hóa được tất cả mọi thứ.

Trưng bày xác người thật, đúng là rất trực quan, sinh động, nhưng coi chừng gây phản cảm cho người hiến và cả thân nhân của họ nếu không xin phép hoặc làm ảnh hưởng tới gia đình họ; không loại trừ trường hợp việc triển lãm đi ngược với ý định ban đầu của họ là hiến cho nghiên cứu khoa học. Nếu lấy đó làm sự khác biệt và cho rằng như thế mới ấn tượng, tôi nghĩ là không hợp lý, vì mình có nhiều phương thức, phương pháp khác để giáo dục và truyền thông.

Nhà nghiên cứu, giám tuyển nghệ thuật Nguyễn Như Huy:
“Cần được giám tuyển kỹ lưỡng”

Trên thế giới, triển lãm cơ thể người thật được nhựa hóa như thế này được xếp vào triển lãm nghệ thuật và đã vấp phải nhiều tranh luận. Ngay tại Đức - quê hương của bác sĩ Gunther Von Hagens - người phát minh ra cách bảo tồn tử thi này, triển lãm buộc phải hạ xuống nhiều lần.

Một triển lãm như thế thật sự rất khó để tổ chức và nó liên quan tới rất nhiều thứ. Có lẽ, vì không có giám tuyển, nên khi về tới Việt Nam, triển lãm này mới được xếp vào triển lãm sức khỏe cộng đồng.

Cái chết từng là một chủ đề quan trọng của hội họa thế giới, đặc biệt vào thời Trung Cổ. Tuy nhiên thuở đó, sự chết (thể hiện qua dạng tranh vānĭtās) xuất hiện như một nhắc nhở ngầm cho con người chứ không hiện lên theo nghĩa đen trên khung vải. Các bức tranh theo đề tài vānĭtās luôn vẽ các đồ vật thể hiện sự mỏng manh, hư vô và phù du của đời sống - những đồ vật nhắc nhở chúng ta rằng, ta sẽ chết và tất cả những gì ta có chỉ là thoáng chốc, hư vô, phù phiếm và bất tất. Xuất hiện trong các bức tranh vānĭtās luôn là hình ảnh ngọn nến tàn, ly thủy tinh, hoa quả thối rữa và đặc biệt là những chiếc đầu lâu.

Đề tài về sự chết cũng được nhiều nghệ sĩ tiếp cận ở thời hiện đại, đặc biệt là loạt tác phẩm chụp trong nhà xác của Serrano - The Morgue - các xác chết trong các khung hình ám ảnh. Rất nhiều tranh luận đã nổ ra quanh loạt tác phẩm này. Trong loạt tác phẩm Death Seminar B hay Reading for one female corpse của nghệ sĩ Thái Lan Araya Rasdjarmrearnsook, bà đã ngồi bên một hay nhiều xác chết và giảng dạy hay đọc sách cho chúng.

Chủ đề cái chết hay xác chết đã xuất hiện rộng khắp trong nghệ thuật từ cổ tới kim, từ Tây sang Đông. Song bởi tính nhạy cảm của nó, chủ đề này luôn gây tranh luận và để lại trong lòng người xem các tư duy phản ứng hay cảm xúc sâu xa. Vấn đề là, sự xuất hiện của chúng phải được đưa vào một văn cảnh nghệ thuật và phải được giám tuyển cẩn thận, kỹ lưỡng. Nếu thiếu sự giám tuyển kỹ lưỡng và cẩn trọng, thiếu sự đảm bảo về các vấn đề luật pháp cũng như môi trường, e rằng triển lãm khó đạt tới mục tiêu hay hiệu ứng mà nó mong muốn - mở ra một cuộc đối thoại sâu sắc và giàu có với công chúng.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI