'Lão nghệ sĩ' Thanh Tâm: Báu vật bị bỏ quên

21/03/2018 - 08:02

PNO - Hỏi bà, hơn 60 năm xướng ca, giờ đây, bà còn lại điều gì. 'Trước đây là tiếng hát, sau này vẫn là tiếng hát. Được hát, nghĩa là hạnh phúc' - bà cười buồn.

Trong chương trình Tiếng vọng cố đô vừa diễn ra tại TP.HCM, bên cạnh những “cây cao bóng cả” của sân khấu miền Bắc như NSND Xuân Hoạch, Thanh Hoài, Minh Gái, NSƯT Thúy Ngần… có một giọng ca “ư a” rất Huế cất lên, thu hút sự chú ý của khán giả. Đó là “lão nghệ sĩ” Thanh Tâm - nghệ nhân đích truyền của nhạc quan triều Nguyễn, là “báu vật sống” của ca Huế.

'Lao nghe si' Thanh Tam: Bau vat bi bo quen

Nghệ sĩ Thanh Tâm biểu diễn trong đêm Tiếng vọng cố đô

Nghiệp xướng ca

Nghệ sĩ Thanh Tâm là con nhà nòi - gia đình có ba đời làm nghệ thuật, bao gồm ông nội, cha, anh trai, chị dâu và bà. Cha bà là cụ Phan Hữu Lễ, một nghệ nhân tuồng trong ban nhạc cung đình Huế. Người anh của Thanh Tâm cũng là một giọng hát tuồng, từng được Từ Cung Hoàng thái hậu (thân mẫu vua Bảo Đại) khen thưởng.

Nhớ lại quá trình đến với ca Huế, bà kể, thời đó, chưa có trường lớp như bây giờ, nên những kiến thức bà có được chủ yếu qua truyền khẩu và tự nghiên cứu, đúc rút dần: “chỗ mô nhả chữ dài, chỗ mô nhả chữ ngắn”, làn hơi khi ca thế nào là đầy là mỏng. Để rồi, tiếng hát phát ra, thấy được cả cốt cách của người thể hiện.

Mới bảy tuổi, Thanh Tâm đã được ông nội (một kép độc thời vua Thành Thái) đưa đi khắp nơi xem ông biểu diễn. Năm 12 tuổi, bà đã vào cung và trở thành diễn viên của đoàn Ba Vũ - đoàn múa cung đình độc nhất của Huế. Năm 14 tuổi, bà đã hát ca Huế trên sóng Đài Phát thanh Huế và sau này là Đài Truyền hình Huế.

Trước khi đến với ca Huế, bà từng là diễn viên múa, tuồng và sắm các vai trong nhiều tích tuồng như: Phụng Nghi Đình, Tống Địch Thanh, Điêu Thuyền, Phạm Công - Cúc Hoa… Dù vậy, niềm đam mê cháy bỏng nhất đời bà chính là ca Huế. Theo chia sẻ của lão nghệ sĩ, để tiếp cận được ca Huế, cần có thời gian và đam mê. Thời gian một, đam mê phải mười.

So với những loại hình nghệ thuật khác, ca Huế có chiều sâu, độ thâm thúy của Huế, không lẫn vào bất cứ không gian văn hóa nào. Nghe một lần có thể không thích vì toàn “ư a ư a rất buồn ngủ”; nhưng nghe lần thứ hai, thứ ba, lại thích, đúng kiểu mưa Huế - mưa dầm thấm lâu. Nghệ sĩ Thanh Tâm cho rằng, không riêng người theo nghề, mà người nghe muốn nghe ra ca Huế cũng phải học. Học mới hiểu đó là khúc tâm tình của Huế, là lời tình gửi tới nước non.

'Lao nghe si' Thanh Tam: Bau vat bi bo quen
 

“Báu vật sống” không danh hiệu

Được xem là “báu vật sống”, tới nay, nghệ sĩ Thanh Tâm vẫn chưa được phong tặng bất cứ danh hiệu nào trong khi học trò của bà - hết thế hệ này tới thế hệ khác - đều đã thành nghệ sĩ ưu tú. Vẫn biết người nghệ sĩ, suốt một đời cống hiến không phải vì danh hiệu hay ước mong một ngày trở thành ông nọ bà kia, mà đích đến là công chúng. Nhưng nếu được ghi nhận, vẫn là một điều vui, nhất là với những người như nghệ sĩ Thanh Tâm.

Hỏi bà, hơn 60 năm xướng ca, giờ đây, bà còn lại điều gì. “Trước đây là tiếng hát, sau này vẫn là tiếng hát. Được hát, nghĩa là hạnh phúc” - bà cười buồn. Còn điều tiếc nuối nhất? Lão nghệ sĩ, đã 73 tuổi, nói: “Tiếc là mình không còn trẻ, để hát cho những người biết nghe”.

Hình dung cảnh người nghệ sĩ già, một mình bước đi lầm lũi và hát trong buổi chiều tà của sân khấu, của “Khúc tương tư héo hon/ Câu Nam bình da diết/ Son phấn xưa/… Nhớ ai” (Tương tư khúc), mới thấy sự cô độc của người ở lại, sót lại. Người nghệ sĩ khởi từ muôn năm cũ ấy làm sao chấp nhận nổi một câu ca méo mó, làm sao nghe cho nổi một câu hát được ngân lên mà chẳng đúng điệu, đúng tình. Nhưng biết làm sao được, thời thế, thế thời...

Năm 2015, ca Huế chính thức trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Rõ ràng đó là điều tốt, điều cần. Thế nhưng, ở một góc độ khác, điều đó cũng làm cho không gian và cách thực hành nguyên bản của ca Huế ít nhiều bị xáo trộn và biến chất khi ca Huế bị “du lịch hóa” và người người đổ xô đi học ca Huế chỉ để kiếm tiền.

“Khách xem ca Huế trên sông Hương chủ yếu là khách vãng lai và thường là giới trẻ. Họ thưởng thức ca Huế như một món mì ăn liền. Thực tế, những người biểu diễn ca Huế trên sông Hương hiện nay đều được đào tạo ở trường lớp, nhưng phần lớn không ai đạt tới trình độ như ngày xưa. Các em học hành kiểu thực dụng, chỉ muốn học cho nhanh để đi hát kiếm tiền. Các em không chú tâm học, mới học trớt lớt 1-2 bài cũng đi hành nghề. Số lượng học viên học ca Huế thì nhiều và ngày càng tăng nhưng số trưởng thành thì rất ít” - nghệ sĩ Thanh Tâm chia sẻ về thực trạng của ca Huế hiện nay.

'Lao nghe si' Thanh Tam: Bau vat bi bo quen
 

Buồn là vậy, nhưng buồn có thay đổi được gì đâu. “Tôi không làm chi được hết” - bà nói. Bà giống như một người loay hoay đi lại giữa các thời, ngó thương di sản của cha ông đang ngày càng tàn lụi mà bất lực. Để rồi, bao nhiêu tâm huyết, bao nhiêu tình yêu, bà trút hết vào một hơi. “Nước non nghìn dặm ra đi/ Cái tình chi/ Mượn màu son phấn/ Đền nợ Ô-Ly/ Đắng cay vì/ Đương độ xuân thì/… Độ xuân thì/ Cái lương duyên hay là nợ duyên gì” (Nước non nghìn dặm). 

 Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI