Khi Grab, Uber của nhạc số tiến vào Việt Nam

17/03/2018 - 13:44

PNO - Sau Apple Music, việc Spotify ra mắt hôm 13/3 tại TP.HCM có thể khiến thói quen nghe nhạc và thị trường nhạc số Việt Nam dịch chuyển.

Trên diễn đàn công nghệ Tinhte.vn, câu chuyện trải nghiệm các dịch vụ nhạc số nội và ngoại thu hút sự thảo luận khá sôi nổi. Một thành viên đặt câu hỏi: Spotify có khác gì SoundCloud? 

Kéo theo đó là nhiều phản hồi: SoundCloud chủ yếu là không gian dành cho nhạc indie, nhưng kho nhạc bản quyền đại chúng thì không thể bằng Apple Music hay Spotify. “Nhạc trên SoundCloud là nhạc tự tải lên không có quản lý nghệ sĩ, ca sĩ, ai cũng có thể up lên được, không xác định rạch ròi là nhạc lậu hay không”, một thành viên diễn giải. 

Khi Grab, Uber cua nhac so tien vao Viet Nam

Hình ảnh được Spotify loan báo khi đến Việt Nam

So sánh giữa Apple Music và Spotify, thành viên khác cho rằng: “Spotify hơn nhiều mặt nhưng Apple Music còn có iCloud Music Library, có thể nghe những bài nhạc hiếm không có trên mạng thông thường”. Một số ý kiến cho rằng, Spotify hay Apple Music cung cấp trải nghiệm nghe nhạc tiện dụng, đa dạng, nhưng nếu muốn tìm kho nhạc Việt phong phú thì các dịch vụ nhạc số nội địa có ưu thế hơn. 

Như thế, thị trường nhạc số trong nước sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt nhưng công bằng hơn. Khi lần lượt các hãng cung cấp nhạc số, streaming (trực tuyến) “đổ bộ” vào Việt Nam thì đối tượng hưởng lợi trước mắt là người nghe nhạc. Là kho nhạc số lớn nhất thế giới, Spotify hiện có 35 triệu bản nhạc có bản quyền. Con số của Apple Music tương đương.

Khi công bố cung cấp dịch vụ tại Việt Nam ở thời điểm gần hai năm trước, Apple Music “xả cửa” cho người dùng thử nghiệm dịch vụ trong 3 tháng đầu, sau đó phí thuê bao hằng tháng cho gói cá nhân là 2,99 USD. Đến Spotify, công chúng được quyền nghe nhạc thỏa thích trong vòng 30 ngày đầu tiên đối với gói Premium (sau sẽ tính phí 59.000 đồng/ tháng). 

Như vậy, người dùng trong nước đang có dịp trải nghiệm nghe nhạc khác nhau trên nhiều nền tảng khác nhau. Điều này tương ứng với việc có thể so sánh, đánh giá về dịch vụ nhạc số nội và ngoại. Đều hoạt động theo mô hình “kinh tế chia sẻ” (sharing economy), các nhà cung cấp trong và ngoài nước cùng làm một việc căn bản nhất là xây dựng hạ tầng, để các nhà sản xuất âm nhạc, hãng đại diện, nhạc sĩ, ca sĩ… hợp tác đưa nhạc của mình lên các nền tảng riêng.

Điều này phần nào giống mô hình vận tải của Uber, Grab. Không bên nào sở hữu xe hay nhạc, nhưng họ đều là những “ông trùm” về dịch vụ vận tải hay nghe nhạc. Kéo theo đây, những hãng xe hay nhà cung cấp nhạc số trong nước chắc chắn sẽ không khỏi đau đầu để tìm kế sách cạnh tranh, đồng thời buộc phải thay đổi. 

Một trong những vấn đề đinh tai nhức óc nhất ở nền âm nhạc Việt Nam suốt nhiều năm qua là chuyện bản quyền. Không chỉ mang đến trải nghiệm âm nhạc mới, các hãng nhạc số nước ngoài rõ ràng có thể tác động đến chuyện tuân thủ bản quyền âm nhạc ở Việt Nam. Khi chuyện “xài chùa” còn quá phổ biến thì các nghệ sĩ, nhà sản xuất trong nước khó có thể tung hết trí lực cho hoạt động âm nhạc, đời sống nghe - nhìn sẽ được phủ lấp bởi những sản phẩm âm nhạc làng nhàng, đa số được tải lên miễn phí.  

Khi Apple Music hay Spotify chưa chính thức đặt chân vào Việt Nam, nhiều nghệ sĩ, ca sĩ trong nước đã tự thân vận động bằng nhiều cách để đưa sản phẩm của mình lên “chợ nhạc”, như nhạc sĩ Đỗ Bảo, Quốc Bảo, ca sĩ Mỹ Tâm, Trần Thu Hà… Hay mới đây, nhạc sĩ Ngô Hồng Quang cũng loan báo về album Nam nhi của anh đã có mặt trên iTunes, Spotify…

Từng rất cương quyết với vấn đề bản quyền âm nhạc, hồi ra album , sau khi đưa nhạc lên iTunes, nhạc sĩ Đỗ Bảo tiết lộ: “Kết quả tương đối khả quan, số tiền bán nhạc thu về đủ giúp tôi mua được một cây đàn, không thua gì bán đĩa vật lý”. Thông thường, mức ăn chia với người giữ bản quyền hưởng 70-80% và đơn vị cung cấp dịch vụ nhận 20-30% trên tổng doanh thu.

Như vậy, cửa nhạc số đã mở, ai coi đây như “gió lành” hay “gió độc” là tùy vào quyền lợi, mục đích của mỗi người. 

Bùi Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI