Hội đồng thẩm định ca nhạc ế việc

30/03/2018 - 07:21

PNO - Với việc đánh mất vị trí, vai trò bị 'nhẹ', nhạt đi, có người đề xuất nên dẹp Hội đồng thẩm định âm nhạc để chấm dứt tình trạng tồn tại cầm chừng, 'ế' việc như hiện nay.

Từ nhiều năm nay, Hội đồng nghệ thuật (HĐNT) hay Hội đồng thẩm định là phần không thể thiếu trong hoạt động văn nghệ. Tất cả các bộ phim, chương trình ca nhạc, tác phẩm sân khấu… chỉ được cấp phép sau khi đã được duyệt thông qua.

Gọi là HĐNT, nhưng hội đồng này không chỉ góp ý về nghệ thuật mà còn chịu trách nhiệm cả về tư tưởng, chủ đề, bảo đảm những tác phẩm được cấp phép không có những sai lệch về quan điểm chính trị hoặc vi phạm thuần phong mỹ tục, đặc biệt - như trong trường hợp Điệp vụ Biển Đỏ - là nội dung vi phạm chủ quyền quốc gia. Thế nhưng, qua thực tế hoạt động của các HĐNT các cấp, câu hỏi nghiêm túc cần được đặt ra là: có nên dẹp bỏ các hội đồng này?

Khi chất lượng các vở diễn sân khấu tụt dốc không phanh, nhiều ý kiến cho rằng, HĐNT không thể vô can. Sự dễ dãi trong duyệt vở, cấp phép đã cho ra đời hàng loạt tác phẩm kém chất lượng, bị khán giả phản ứng vì phản cảm, dung tục. Trong lĩnh vực ca nhạc, vai trò của HĐNT nay chỉ như người đối soát xem có giống với cái được cấp phép không, phục trang nghệ sĩ có quá lố không… Gần như ở lĩnh vực nào, HĐNT cũng đầy sai sót và không thiếu những sai sót “chết người”.

Vài năm trở lại đây, thị trường ca nhạc tại TP.HCM bão hòa và tồn tại cầm chừng ở các phòng trà, các ca sĩ kéo nhau “Bắc tiến”. Kết quả: Hội đồng thẩm định ca nhạc của Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM rơi vào tình trạng “ế ẩm”. 

Công việc chính của hội đồng hiện nặng về phần thẩm định ca khúc có đi ngược lại lợi ích dân tộc, có vi phạm chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước Việt Nam, thời trang biểu diễn có phù hợp thuần phong mỹ tục. Còn lại, dù giai điệu có vay mượn, ca từ có nhạt nhẽo, thậm chí phản cảm cũng ít được quan tâm.

Hoi dong tham dinh ca nhac e viec

Ca sĩ Thanh Tuyền và Chế Linh trên sân khấu chương trình Con đường xưa em đi

Một thành viên từng ngồi ghế hội đồng thừa nhận: “Đúng là có những ca khúc chẳng vi phạm gì nhưng lời lẽ ngô nghê, đôi lúc chẳng hiểu nổi, nhưng vì đang là xu hướng, được các bạn trẻ thích, nên vẫn "bút phê" cho qua”.

Trong câu chuyện cấp phép biểu diễn trên sân khấu lớn, nhiều bầu sô, các đơn vị tổ chức sự kiện đã rất chuyên nghiệp, chủ động từ khâu chuẩn bị giấy tờ, nắm rõ quy trình, thời hạn để hồ sơ được duyệt nhanh. Tất nhiên, cũng có những chương trình cố tình “lách luật” thì “dẫu có mười cái hội đồng cũng… chịu”.

Xu hướng thị trường ca nhạc làm cho vai trò của hội đồng ca nhạc địa phương, cụ thể là TP.HCM càng ngày càng mờ nhạt, thậm chí lạc hậu. Bên cạnh đó, các Nghị định số 79/2012/NĐ-CP quy định về biểu diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu, lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu, cũng như Nghị định số 15/2016/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 79/2012/NĐ-CP - được xem là kim chỉ nam của hội đồng này - lại chưa bắt kịp xu hướng phát triển của ca nhạc Việt Nam hiện nay.

Với việc đánh mất vị trí, vai trò bị “nhẹ”, nhạt đi, có người đề xuất nên dẹp Hội đồng thẩm định âm nhạc để chấm dứt tình trạng tồn tại cầm chừng, “ế” việc như hiện nay. 

Du Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI