Họa sĩ KimB : “Hạnh phúc là được chia sẻ & cộng hưởng đam mê”

08/03/2014 - 02:00

PNO - PNCN - 5 năm trở lại đây, nữ họa sĩ KimB đã chính thức rời khỏi công việc “tay phải” là trình bày báo in cũng như giảm bớt công việc “tay trái” là thiết kế mỹ thuật sân khấu.

edf40wrjww2tblPage:Content

Chị chuyển sang dạy môn thiết kế báo chí ở Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, và giữ cương vị Giám đốc đào tạo của Trường dạy nghề quốc tế Arena Multimedia. Dẫu vậy, dịp Tết Giáp Ngọ, bàn tay tài hoa của chị cũng đã đem lại sự độc đáo cho cảnh trí trong hai vở kịch: nét dữ dội ở Gương mặt kẻ khác (Nhà hát Kịch 5B) và sự dịu dàng ở Sông dài (sân khấu Hoàng Thái Thanh).

Cuối năm 2013, KimB bất ngờ xuất hiện như người mẫu ảnh trong triển lãm KimB, Love & Light của nhà nhiếp ảnh Việt kiều Úc Gia Hải Nguyễn. Đầu năm 2014, chị dùng quán cà phê nhỏ của mình vừa khai trương trên đường Đặng Dung, Q.1 như một nơi giới thiệu sách, giao lưu gặp gỡ bạn bè và học trò với nhiều dự án mới.

Hoa si KimB : “Hanh phuc la duoc chia se & cong huong dam me”
Họa sĩ KimB

* Cuộc triển lãm KimB, Love & Light mà lần đầu tiên chị làm người mẫu chính đã diễn ra quá ngắn với thời gian chỉ có bốn ngày, nhiều người đã không kịp xem...

- Trước đây, tôi thật sự bất ngờ khi nhà nhiếp ảnh trẻ Gia Hải Nguyễn từ Úc về đề nghị chụp tôi và những bối cảnh sân khấu mà trong đó có sự liên kết giữa ánh sáng sân khấu và nghệ thuật nhiếp ảnh. Hầu hết là những vở cũ nhiều chục năm, các sân khấu không còn giữ, phải tái hiện bằng video clip. Chúng tôi làm việc với nhau suốt nhiều tháng để cho ra được 40 bức ảnh đen trắng tiêu biểu nhất cho sự nghiệp thiết kế sân khấu của tôi. Mỗi tấm là một câu chuyện, có vở đã có tuổi thọ đến 25 năm như vở Hai mươi phút của một thiên thần (CLB Sân khấu thể nghiệm 5B). Tôi dự định sẽ kiếm tài trợ để in thành một cuốn sách. 

* Chị vốn học về tranh lụa, vì sao lại bỏ lụa? Có khi nào chị có ý định quay về với sở học của mình?

- Thời học trường mỹ thuật, tôi chọn lụa vì thích vẽ màu nước, nhưng thú thật là sau khi tốt nghiệp, tôi không vẽ bức nào vì thời đó theo nghề lụa có nhiều khó khăn quá, tôi đành chọn nghề dạy vẽ cho thiếu nhi (Nhà Thiếu nhi tỉnh Lâm Đồng). 

* Phải chăng sự gặp gỡ với người chồng - họa sĩ Nhã Bình - trước đây, là cơ duyên để cô giáo dạy vẽ Kim Lan của xứ Đà Lạt sương mù ngày nào trở thành một KimB, nhà thiết kế báo và thiết kế sân khấu ngày nay?

- Điều đó chỉ đúng 50%. Đang dạy vẽ cho trẻ con, tôi bỗng dưng thích theo nghề thiết kế báo in và về Sài Gòn xin làm học trò của họa sĩ rất nổi tiếng về thiết kế bìa sách, báo lúc bấy giờ là Hoàng Ngọc Biên. Trước khi quen nhau, anh Nhã Bình chỉ làm thiết kế sân khấu, còn tôi chỉ làm báo. Gặp nhau rồi, chúng tôi truyền niềm đam mê cho nhau. Tôi theo anh làm sân khấu, còn anh theo tôi làm báo. Cả hai chúng tôi đều yêu thích công việc thiết kế mỹ thuật cho những vở mang tính thử nghiệm. Nhưng khi sân khấu dần thiếu vắng những tác phẩm như vậy, anh Nhã Bình thấy chán, chuyển hẳn sang nghề trình bày báo. Riêng tôi, một phần, nghĩ mình là người mới, cần làm nhiều để có cơ hội học hỏi, phần khác, cũng nể nang các đạo diễn là bạn bè nên tôi vẫn giữ song song hai “nghề”.

Hoa si KimB : “Hanh phuc la duoc chia se & cong huong dam me”
KimB là nữ HS thiết kế sân khấu duy nhất trong cả nước với số lượng trên 150 vở 

* Không qua trường lớp chính quy nhưng họa sĩ KimB cũng đã hai lần đoạt giải thưởng thiết kế sân khấu (ở TP.HCM năm 1989 và ở Hà Nội năm 2008). Theo chị, nhờ đâu có thành công này?

- Khi làm đến một trăm mấy chục vở, chắc chắn sẽ có vở đoạt giải. Nói cho vui thôi, với tôi, mỗi lần nhận thiết kế một vở như giải một bài toán khó, là một lần thách thức khả năng. Tôi làm sân khấu không phải để kiếm tiền, càng không coi đó là trò chơi, mà đặt hết tâm trí, công sức đầu tư cho ý tưởng. Chính ý tưởng mới đem lại giá trị cho tác phẩm. Giải thưởng nói lên rằng, những ý tưởng của tôi đã được nhìn nhận, đã có sự đồng thuận của người thưởng thức. Cho đến nay, mặc dù biết tiền từ sân khấu quá ít ỏi, không xứng với công sức bỏ ra, song mỗi lần cầm trên tay kịch bản hay, tôi vẫn rất hào hứng. 

* Bạn bè không ít lần nghe KimB đòi bỏ nghề, vậy mà đến nay, đã 25 năm, chị vẫn không rời được sân khấu, vì sao?

- Tôi đã định ngưng nhiều lần, thường những lúc chán là do khâu đầu tư không thỏa chí. Bản phối mình làm rất đẹp, rất có chiều sâu ý tưởng, đến khi ra sân khấu, mọi sự trở thành tối giản, có khi sơ sài. Nhưng trong lúc chán mà gặp một kịch bản hay, lại thêm bạn bè động viên, tôi lại lao vào làm. Sau này, từ sự trải nghiệm, tôi biết suy nghĩ kiểu khác, thấy có nhiều giải pháp, sân khấu không nhất thiết phải tốn nhiều tiền. Ít tiền thì mình làm theo kiểu ít tiền mà vẫn đạt yêu cầu. Qua đó, tôi thấy mình còn nhiều thứ chưa làm được nên khi thấy “mệt”, tôi nghỉ thời gian rồi lại làm tiếp. 

* Chị có nhận xét gì về thực tế thiết kế ở các sân khấu nước ta?

- Ở điện ảnh hoặc ở sân khấu ca nhạc, các thiết kế mỹ thuật theo khá sát xu hướng hiện đại của thế giới, đổi mới liên tục, song ở sân khấu kịch lại rất trì trệ. Hầu hết đều nghiêng về khuynh hướng tả thực, bởi khuynh hướng này dễ tạo niềm tin cho các diễn viên khi diễn. Thật ra, nếu làm cho tới, tả thực cũng rất hay, song vì lý do kinh phí, hầu hết đều không đạt được yêu cầu thiết kế. Thí dụ, hiện nay, tìm được một cái đèn đặc chủng sân khấu để chiếu cho một nhân vật trong lúc chung quanh tối om là điều không thể. Mặt khác, việc “chậm” của sân khấu cũng do ít có dịp giao lưu với thế giới. Riêng tôi, sự đam mê sáng tạo cho những vở thử nghiệm, nghiêng về tả ý, ước lệ lại càng ít có điều kiện để thể hiện. Trước đây, khi làm vở Hoa của biển (đạo diễn Trần Minh Ngọc) với thiết kế sân khấu bốn mặt, diễn viên diễn không nổi, đành phải bỏ, trở lại sàn diễn kiểu cũ. Hoặc như vở Trong hào quang bóng tối (đạo diễn Lý Khắc Lynh) với cảnh trí toàn bằng ánh sáng, mỗi đêm phải chi thêm 10 triệu đồng, nhà sản xuất chịu không nổi, đành phải ngưng diễn.

Hoa si KimB : “Hanh phuc la duoc chia se & cong huong dam me”
Họa sĩ - giảng viên KimB luôn tâm huyết với những dự án truyền đạt kiến thức cho sinh viên 

* Từ nay, chị dành bao nhiêu phần trăm cho công việc thiết kế sân khấu?

- Khoảng 40%, vì tôi còn công việc dạy học và nhiều dự án riêng để giữ “nồi cơm”. Dành cho niềm đam mê tay trái như vậy là quá đủ rồi.

* Nhưng chị cũng từng nhận vì chán cái đều đều của “nồi cơm” là công việc trình bày báo nên mới đến với sân khấu để thỏa sức sáng tạo, vậy mà bây giờ lại dồn tâm trí cho nó?

- Tôi có hai động lực để quay về với công việc thiết kế báo chí. Trước hết, tôi đặc biệt mang ơn họa sĩ Hoàng Ngọc Biên, người đã đưa tôi vào nghề thiết kế báo. Hồi đó, ông chỉ thu nạp bảy học viên, trong đó có tôi, dạy miễn phí và truyền hết bí kíp nghề nghiệp. Nay, tôi muốn tiếp tục tâm huyết của ông. Thứ hai, hiện tôi có khá đông học trò thân tình, họ tin cậy tôi. Tôi đã có đến 12 năm theo học ngành truyền thông với các chuyên gia nước ngoài, có quá nhiều cái hay mà ở VN không ai dạy. Tôi muốn truyền đạt hết những kiến thức đó cho thế hệ trẻ.

* Chị là một bà mẹ có đến bốn con (hai con đẻ, hai con nuôi). Chị làm thế nào để vừa trở thành một họa sĩ trình bày cần mẫn, một nữ thiết kế sân khấu duy nhất trong cả nước với số lượng (trên 150 vở) và chất lượng “tuyệt hảo”, vừa là một người vợ, người mẹ đảm đang (nuôi con lớn, dạy con ngoan)?

- Tôi thấy đâu có sao đâu! Hai vợ chồng tôi ngày ấy cùng làm, thu nhập đủ sống. Những lúc ông xã làm ở tòa soạn đến khuya mới xong việc, tôi hơi cực vì phải quán xuyến hết chuyện nhà song nhờ đứa lớn đưa đón, dẫn dắt đứa nhỏ, mọi việc rồi cũng qua. Các con nuôi tôi đều rất ngoan, sẵn sàng chia sẻ mọi việc với mẹ.

Hoa si KimB : “Hanh phuc la duoc chia se & cong huong dam me”
họa sĩ KimB hạnh phúc với gia đình yêu thương của chị

* Chị làm sao để vượt qua cú sốc khi ông xã đột ngột qua đời cách đây gần sáu năm?

- Tôi thấy quá hụt hẫng, nhưng sau đó, tôi nghĩ mình phải sống mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho các con, để tiếp nối công việc của chồng, lấy công việc để giải buồn. Chưa cúng tuần 49 ngày, được đạo diễn Ái Như “dỗ dành”, tôi đã vẽ xong bản phối cảnh vở Bàn tay của Trời (sân khấu 5B). Tiếp đó là vở 270gr, Trong hào quang bóng tối (đạo diễn Lý Khắc Lynh). Tất cả đều được đánh giá cao. Có người nói, có thể do quá buồn nên tôi làm có nhiều xúc cảm.

* Với KimB, hạnh phúc là gì?

- Hạnh phúc là được chia sẻ cũng như cộng hưởng những đam mê trăn trở trong sáng tạo với người mình yêu mà không cần điều kiện gì. Tôi may mắn có được cuộc sống vợ chồng tâm đầu ý hợp nên những khó khăn cực khổ không còn ý nghĩa gì hết. Tôi vừa có hạnh phúc lứa đôi, vừa có hạnh phúc với công việc. Chính sức mạnh tinh thần đó đã nâng bước tôi cho đến ngày nay.

* Quán cà phê có tên Nghêu Ngao mới mở của chị ở số 3 Đặng Dung (Q.1) hình như đang ôm ấp nhiều dự án hấp dẫn?

- Trước hết, đó là nơi tôi chọn để tổ chức những cuộc gặp gỡ của những người làm nghệ thuật, như giới thiệu sách, những bức tranh đẹp, cùng với học trò thực hiện những dự án về photo… Nhưng trước mắt, chúng tôi đang chuẩn bị ráo riết cho những đêm nhạc acoustic, giới thiệu nhạc tiền chiến VN và những tác phẩm bất hủ của thế giới

Cát Vũ (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI