Hãng phim truyện Việt Nam: Ngày ấy xa rồi!

25/09/2017 - 06:50

PNO - Hãy nhìn vào các hãng phim tư nhân. Không hãng nào tuyển chức danh đạo diễn như một nhân viên hưởng lương tháng.

Đã qua rồi cái thời mà nghệ sĩ cũng là công chức biên chế của những hãng phim nhà nước nói riêng và những cơ quan thực hiện các chương trình nghệ thuật nói chung. Hãy nhìn vào các hãng phim tư nhân. Không hãng nào tuyển chức danh đạo diễn như một nhân viên hưởng lương tháng. Mối quan hệ giữa hãng phim với đạo diễn là đối tác thuần túy, thù lao được thỏa thuận trên cơ sở đôi bên cùng hài lòng theo từng dự án cụ thể.

Hang phim truyen Viet Nam: Ngay ay xa roi!

Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh - bộ phim thành công về doanh thu, được khán giả tán thưởng là sản phẩm do một đạo diễn tự do (Victor Vũ) và các hãng phim tư nhân thực hiện theo đơn đặt hàng của Cục Điện ảnh

“Xưởng phim Gorky trân trọng giới thiệu bộ phim Mười bảy khoảnh khắc mùa Xuân” - lời giới thiệu hẳn nhiều người trong chúng ta vẫn còn nhớ. Bộ phim ấy đã lâu, nhưng cũng như bất kỳ dữ kiện nào được láy lại, ta sẽ dễ dàng hồi tưởng như nó vẫn đang ở đây, rất gần. 

Ta cũng từng nghe những lời giới thiệu tương tự, với tên phim khác. Tên hãng sản xuất có thể là Xưởng phim truyện 1, Hãng phim Giải phóng, Hãng phim truyện Việt Nam…

Cũng đã lâu rồi chúng ta không còn nghe giới thiệu phim mới như thế. Những xưởng phim Xô-viết cũ đã hoạt động theo mô hình khác từ hai thập niên rồi; còn các hãng phim quốc doanh Việt Nam thì gần như chỉ còn hoạt động cầm chừng, với những sản phẩm lướt qua rất nhanh, kể cả khi ta dành thời gian xem chúng.

Thị trường điện ảnh giờ đây gần như đã hoàn toàn thuộc về tư nhân và phim ngoại nhập. Những lời giới thiệu cũng khác, kiểu như: “Thiên Ngân/BHD trân trọng giới thiệu”, “Một bộ phim của đạo diễn ABC”… Nó chỉ rõ những chủ thể chính của sản phẩm điện ảnh đó: nhà đầu tư (nhà sản xuất) và tác giả của một tác phẩm (đạo diễn).

Hang phim truyen Viet Nam: Ngay ay xa roi!
VFS hiện hoang phế, xuống cấp trầm trọng

Trong bối cảnh thị trường điện ảnh đã chuyển động với tốc độ chóng mặt, cố gắng theo đuổi để bắt nhịp theo điện ảnh Tây phương mà Hollywood đang là hình mẫu để hướng tới, câu chuyện ở Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) ắt khiến những ai quan tâm đến phim Việt đều phải chạnh lòng.

Sự cảm thông chắc chắn rất lớn, khi khán giả chứng kiến những diễn viên, biên kịch, đạo diễn lên tiếng về cách cư xử của cổ đông mới (Vivaso) sau khi thâu tóm VFS. Lối hành xử ấy dĩ nhiên không thể chấp nhận, nhưng sau nó còn nhiều chuyện đáng nói hơn về một hiện tượng riêng mà chung của nghệ thuật nước nhà.

Hãy tạm gác những dấu hỏi quanh chuyện định giá VFS trước khi cổ phần hóa (VFS được định giá 50 tỷ đồng trong khi giá trị bất động sản được cho là lên tới cả chục triệu USD) - những dấu hỏi vô cùng dễ hiểu trong giai đoạn chúng ta đấu tranh quyết liệt với tham nhũng và lợi ích nhóm, để chỉ nói về mối quan hệ nghệ sĩ - hãng phim hôm nay. 

Khi đạo diễn - diễn viên Quốc Tuấn nói rằng chủ mới của VFS chỉ cam kết một năm làm hai phim dù VFS có đến tám đạo diễn, có lẽ chúng ta cũng cảm thấy có điều gì vô lý. Song cái vô lý ấy lại rất bình thường nếu ta soi chiếu lại các hãng phim quốc doanh nhiều thập niên qua. Chuyện đạo diễn xếp hàng chờ hai hay ba năm để được làm phim của hãng là việc bình thường.

Hang phim truyen Viet Nam: Ngay ay xa roi!
Những phim Việt đạt doanh thu tốt thời gian qua như Em chưa 18, Tấm Cám: Chuyện chưa kể, Cô gái đến từ hôm qua, Tèo em... đều của tư nhân

Ngày nay, tư nhân đã mạnh tay đầu tư vào điện ảnh. Đạo diễn hoàn toàn có thể mang kịch bản đến bắt tay với những hãng phim tư nhân nếu như cơ quan chủ quản (tức hãng phim nhà nước) bắt họ đợi chờ. Thế thì câu hỏi dành cho những nghệ sĩ của VFS hôm nay là “các anh có gì?” và nếu có, “nó có đủ hấp dẫn để nhà đầu tư rót cho anh hàng chục tỷ với kỳ vọng đó là hạng mục đầu tư xứng đáng?”.

Sự kêu ca của những diễn viên, nghệ sĩ, biên kịch, đạo diễn… của VFS giống như phản ứng cá nhân nhiều hơn, bởi nếu họ có sẵn tiền sản phẩm (kịch bản tốt) và năng lực, hãng phim mới phải là đối tượng cần “nịnh nọt” họ. Đời sống khó khăn không phải là nguyên nhân để đổ lỗi. Nghệ thuật là dấn thân. Nếu sợ nghèo thì đừng theo nghệ thuật!

Bao nhiêu tỷ đồng tiền thuế của nhân dân đã được Nhà nước rót cho các hãng phim quốc doanh để cuối cùng doanh thu chẳng hơn mấy con số 0! Trong khi đó, bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh mà Cục Điện ảnh đặt hàng các hãng tư nhân làm lại thắng lớn. Các đạo diễn quốc doanh, khi đó, đang làm gì?

Chúng ta có thể đã quen với hình ảnh đạo diễn Lê Hoàng ở các talkshow truyền hình. Suốt hai mươi năm nay, có phim nào Lê Hoàng làm cho Hãng phim Giải phóng có lợi nhuận cao? Những tác phẩm lừng danh của anh như Gái nhảy hay Nữ tướng cướp là phim làm cho tư nhân.

Hang phim truyen Viet Nam: Ngay ay xa roi!
Gái nhảy - phim thành công nhất của đạo diễn Lê Hoàng về doanh thu là phim anh làm cho tư nhân

Đã qua rồi cái thời điện ảnh mậu dịch, nên nghệ sĩ cũng phải quen với thời cuộc, để tiếp tục làm nghề. Còn chuyện tiêu cực trong việc cổ phần hóa VFS hãy giao lại cho các cơ quan thực thi pháp luật. Nếu “nhà đầu tư” tham gia vào VFS vì bất động sản thì cũng chẳng lạ. Là con buôn, mắt người ta chỉ nhìn thấy tiền! 

Ngày xưa,  có những đạo diễn ở các hãng quốc doanh, dù đã chuẩn bị sẵn kịch bản mà đợi hoài vẫn chưa đến lượt được làm phim, đành phải đi “kể phim bằng mồm” ở quán bia hơi hay trong các dịp trà dư tửu hậu chỉ để thỏa ức chế nghề nghiệp.

Tứ Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI