Hai phía câm lặng của chuyện ấu dâm

20/03/2017 - 19:30

PNO - Trong những ngày dư luận ở Việt Nam sôi sục về vấn nạn ấu dâm, có hai tác phẩm điện ảnh được nhiều người nhắc tới như hai hồi chuông cảnh tỉnh khác nhau,

Trong những ngày dư luận ở Việt Nam sôi sục về vấn nạn ấu dâm, có hai tác phẩm điện ảnh được nhiều người nhắc tới như hai hồi chuông cảnh tỉnh khác nhau, đó là Hope (Hy vọng) và The hunt (Cuộc săn đuổi). 

Hai phia cam lang cua chuyen au dam
Cha cùng con trai trong The hunt

Ra đời từ năm 2013, cho đến nay Hope vẫn là một trong những bộ phim tâm lý được đánh giá cao nhất, có sức lan tỏa mạnh và có khả năng ăn sâu vào trí nhớ khán giả nhất của điện ảnh Hàn Quốc. Chạm đến đề tài vẫn luôn được coi là “nhạy cảm” và khó thể hiện là nạn ấu dâm, nhưng Hope có cách tái hiện vụ án tấn công tình dục trẻ em theo cách tinh tế, giàu cảm xúc. Phim không đi sâu vào diễn biến vụ việc, vạch mặt kẻ phạm tội hay lên án hệ thống pháp lý lỏng lẻo, mà tập trung vào những góc khuất phía sau mà cô bé nạn nhân và gia đình phải chịu đựng sau biến cố. 

Trong một lần đi bộ từ nhà đến trường như bao lần khác, bi kịch bất ngờ xảy ra với cô bé tám tuổi So-won. Như đã rình rập từ trước, kẻ thủ ác bước ra từ góc khuất nào đó giữa cơn mưa lớn, hãm hại cô bé. Sau khi được đưa vào bệnh viện, bé So-won không tránh khỏi những cơn thất thần, hoảng loạn. Em cứ liên tục thốt lên trong vô thức: “Con đã làm gì sai?”, “Con sinh ra vì lẽ gì?”…

Vụ cưỡng hiếp khiến So-won phải phẫu thuật đặt hậu môn nhân tạo, suy sụp cả thể xác lẫn tinh thần. Kể cả sau khi đến trường trở lại, cô bé vẫn bị đeo đẳng cảm giác mặc cảm, lo sợ và sống trong trầm cảm. Ước mong đón chào đứa em trong bụng mẹ sắp chào đời nay nhường chỗ cho day dứt rằng “người con đã bẩn”. Nhưng nỗi đau đó không chỉ của So-won mà còn là nỗi đau của bố mẹ em. Không khí nặng nề bao trùm gia đình họ. 

Hai phia cam lang cua chuyen au dam
Hình ảnh khiến người xem nghẹn lòng trong Hope

Đây chính là cốt truyện chính được đạo diễn Lee Joon Ik hướng trọng tâm trong Hope. Chân dung, tình yêu thương và nỗi niềm của từng thành viên trong gia đình hoạn nạn dần được bộc lộ. Những khoảnh khắc cảm động nhất của bộ phim là về người cha Dong Hoon, vốn là công nhân ở một phân xưởng, tìm đủ cách gieo mầm niềm vui, sự lạc quan trở lại cho con gái. Sau những phút uất nghẹn vì căm hận kẻ thủ ác và sự bất công, khán giả trải qua những khoảnh khắc hài hước, hóm hỉnh xen lẫn niềm cảm phục trước tình yêu thương của các bậc làm cha làm mẹ. Nếu như người mẹ Mi Hee phải nuốt nỗi đau vào bên trong để dần nguôi ngoai thì người cha tìm cách hàn gắn những vết thương trong lòng con theo những cách rất bộc trực và độc đáo. 

Di chứng của nạn lạm dụng tình dục trẻ em khó có thể biến mất hoàn toàn và Hope không hề né tránh điều đó, nhưng bộ phim hướng góc nhìn về phía khác của những ngày đen tối, đó là tình yêu thương trong gia đình và niềm hy vọng được dần nhen nhóm. Những ngày sáng trời vẫn phải tới và chính những tình tiết cảm động, những cách bộc lộ tình cảm ấm áp của các nhân vật trong phim khiến Hope được nhớ. Ra mắt vào năm 2013, bộ phim được làm dựa trên vụ ấu dâm xảy ra năm 2008 tại Hàn Quốc đã trở thành hiện tượng điện ảnh sau đó và được vinh danh trong hàng loạt giải thưởng điện ảnh lớn. 

Không khai thác trực diện chuyện ấu dâm, nhưng một bộ phim tuyệt hay khác là The hunt của đạo diễn người Đan Mạch Thomas Vinterberg đã chạm đến đề tài này để xới lên nhiều suy ngẫm trong khán giả. Ở nhiều xã hội, chuyện tấn công tình dục trẻ em được coi là trọng tội. Với người dân ở một ngôi làng nhỏ của Đan Mạch cũng vậy. Khi bé gái Klara kể với cô hiệu trưởng rằng thầy giáo Lucas có hành động không đúng với mình và những đứa trẻ khác thì từ đó Lucas đã trở thành tội đồ.

Hai phia cam lang cua chuyen au dam
 

Tuy nhiên, câu chuyện thực sự lại không phải như vậy. Đó chỉ là hành động bột phát từ cơn hờn giận vô cớ của Klara và cô bé tự tưởng tượng ra một sự việc kinh khủng để trút tội lỗi lên đầu người mà bé đang giận. Sự việc sau đó được đẩy đi quá xa khi Lucas bị kết tội ấu dâm, bị khinh bỉ, xa lánh, mất việc và mất bạn. Không thể giải thích với những người không muốn nghe anh, Lucas bị cô lập, phải để con trai tạm sống xa mình. Người thầy trông trẻ hiền lành khi xưa giờ đây như một con thú lạc loài. Đến cả khi đã dần được minh oan thì những vết nhơ mà con người này đã phải gánh chịu dường như vẫn khó có thể được gột rửa. 

Cũng như Hope, sau khi ra mắt, The hunt đã trở thành tác phẩm điện ảnh nổi bật nhất của Đan Mạch ở thời điểm đó, mang về hàng loạt giải thưởng, trong đó có đề cử Oscar cho Phim nước ngoài xuất sắc nhất mùa giải 2014. Phim gây ám ảnh cho người xem qua mỗi tình tiết và qua diễn xuất tinh tế của nam diễn viên Mad Mikkelsen.

Nếu như Hope là tiếng nói căm phẫn trước nạn ấu dâm, cùng với đó là những tổn thương không dễ nguôi ngoai; thì The hunt rọi vào phía khác của câu chuyện này, đó là đôi khi cần cảnh giác trước trí tưởng tượng của con trẻ, đi kèm đó là thái độ tỉnh táo khi nhìn nhận, đánh giá mỗi sự việc, con người. Điểm gặp gỡ ở hai bộ phim rất đáng thưởng thức này là những cảm xúc trong trẻo về tình yêu thương, sự quan tâm và niềm hy vọng của con người. Nếu những điều đó được nhân lên thì cuộc sống sẽ bớt đi biết bao nỗi đau tinh thần và thể xác. 

Bùi Dũng 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI