Giật mình với cách giành huy chương Bạc của vở 'Dưới ánh đèn'

26/04/2018 - 19:27

PNO - Trong buổi tổng kết trao giải Liên hoan Sân khấu kịch nói chuyên nghiệp 2018, vở "Dưới ánh đèn" của Câu lạc bộ Sân khấu Thử nghiệm Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam lọt vào danh sách 6 vở đoạt giải Bạc khiến nhiều người choáng váng!

Ngay từ cách đặt vấn đề, Dưới ánh đèn đã không ổn. Người cha cấm con làm nghệ thuật vì với ông đó là cái nghề bạc bẽo. Thời trai trẻ, ông là một nghệ sĩ hát bội. Trong một suất hát, nhận được tin cha mất nhưng ông vẫn bị ép ra sân khấu diễn những cảnh hài để chọc khán giả cười.     

Không thể diễn hài khi trong lòng quá buồn đau, ông bị khán giả la ó, đồng nghiệp tẩy chay, bầu gánh chửi rủa… Căm ghét mọi thứ liên quan đến nghề hát, ông cương quyết ngăn cản Bảo Long, con trai ông theo nghiệp cầm ca. 

Giat minh voi cach gianh huy chuong Bac cua vo 'Duoi anh den'

Dưới ánh đèn được trao huy chương bạc gây nhiều thất vọng

Câu chuyện nghe cứ lấn cấn. Anh kép Tư Bền làm nhiều độc giả rơi nước mắt không còn là chuỵện trên trang giấy. Ngoài đời, có không ít nghệ sĩ trải qua thời khắc hệt anh kép Tư Bền. Nghệ sĩ hài Minh Nhí nhận được tin cha mất ngay trước suất diễn, nhưng anh vẫn phải ra sân khấu diễn những lớp hài, vẫn phải làm cho khán giả cười. Hết suất diễn, không kịp tẩy trang, anh vội vàng bắt xe về Đồng Tháp chịu tang cha.     

NSƯT Hữu Châu, cuộc đời anh còn hơn cả kép Tư  Bền. Lần thứ nhất anh nhận được tin ba mất đột ngột ngay trước giờ diễn. Lần thứ hai, lễ hoả táng em trai anh vào buổi trưa, buổi tối anh vẫn phải bước ra sân khấu.

Ngỡ rằng vở diễn đặt mệnh đề đảo ngược, Bảo Long sẽ chứng minh cho cha hiểu sự ấm áp của tình nghệ sĩ, nhưng không phải vậy. Con đường của Bảo Long cũng cay đắng không kém. Từ một ca sĩ nổi tiếng, anh bị “đối thủ” câu kết với bầu show đưa từ sàn diễn lớn vào hát quán bar và cả hát đám ma!

Trên mạch chuyện đó còn có không ít những điều bất hợp lý khác. Phải về nhà gấp để chịu tang bà nội, nhưng Bảo Long ra sân bay, hãng hàng không báo chuyến bay sẽ khởi hành trễ. Thì ra sự khởi hành trễ đó là cái cớ để cô người yêu kịp gặp Bảo Long ở sân bay nói chuyện đời, chuyện nghề. 

Chưa hết, máy bay “phải” khởi hành trễ để ca sĩ đối thủ và bầu show kịp gặp Bảo Long, ép anh ký hợp đồng hát đám ma vì tiền cọc đã nhận trước để cho anh mượn mua xe, mua vé máy bay về chịu tang bà nội. Khi mà ngay cả tiền mua vé máy bay về quê Bảo Long cũng phải vay mượn thì xe của Bảo Long mua là xe gì?

Giat minh voi cach gianh huy chuong Bac cua vo 'Duoi anh den'

Ca sĩ Long Nhật gào khóc, bò lết trên sân khấu chỉ làm khán giả bật cười.

Chuyến bay theo thông báo tại sân bay sẽ khởi hành lúc 18g, nhưng khán giả lại thấy Bảo Long vừa về đến nhà đã khóc lóc, nói với cha rằng anh phải đi ngay mà không thể vào nhìn mặt bà nội lần cuối... Khán giả như bị đánh đố với những tình huống kịch. 

Đỉnh điểm là thông tin “công an vừa triệt phá một đường dây mại dâm xuyên quốc gia có liên quan đến ca sĩ nổi tiếng Bảo Long”. Ngỡ Bảo Long trở thành “tú bà”, chuyên cung cấp “gái gọi” cho các đại gia, đâu dè, chỉ vì bị “chuốc” chất kích thích và cùng lúc có quan hệ thân mật với bốn cô gái mà Bảo Long bị hàm oan là dính dáng vào đường dây mại dâm xuyên quốc gia.

Trong khi đó, diễn xuất của ca sĩ Long Nhật trong vai Bảo Long thì... khỏi phải bàn. Anh hồn nhiên thoại lời, đi đứng, thể hiện cảm xúc một cách tự nhiên chủ nghĩa, theo bản năng. Cảnh đau khổ anh gào khóc, bò lê khiến người xem vừa buồn cười, vừa bực mình vì sự ồn ào quá mức và quá lâu trên sân khấu.

Trang trí sân khấu đơn điệu (hay vì thử nghiệm nên phải thế?), diễn viên đi tới đi lui thoại lời, không hành động sân khấu. Có những lúc màn đối thoại giữa các diễn viên trên sân khấu ngỡ như lớp tấu hài.

Ấy thế mà vở vẫn được trao giải Bạc, ca sĩ Long Nhật trong vai Bảo Long cũng “rinh” huy chương Bạc.

Nghệ thuật vốn cảm tính, có thể với người này nó dở tệ, nhưng với người khác lại thú vị. Nhưng điều đó không có nghĩa nghệ thuật không có những nguyên tắc chung. Sự cảm nhận về nghệ thuật của mỗi người là khác nhau nhưng tính logic, sự hợp lý trong các tình huống kịch là điều không thể thiếu ở một kịch bản, vở diễn sân khấu.

Giải Bạc của Dưới ánh đèn còn đặt ra nỗi âu lo lớn hơn. Đó là cách đánh giá giá trị nghệ thuật của một tác phẩm ở một liên hoan sân khấu chuyên nghiệp. Khi nhiều người còn nặng lòng với sân khấu đang khẩn nài những người làm nghề đừng tầm thường hoá sân khấu, đừng làm mất chút niềm tin ít ỏi còn lại của khán giả dành cho sân khấu... thì e rằng việc trao giải Bạc cho vở diễn Dưới ánh đèn đã gây tác dụng ngược.

Nguyễn Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI