Diễn viên Gia Bảo - 'Ăn cắp' thành thói

28/07/2017 - 06:48

PNO - Tra lại trên hành trình “nghệ thuật” của Bảo, người ta còn nhìn thấy những vụ trộm cắp đáng xấu hổ khác mà sự phẫn nộ của NSƯT Thành Lộc chỉ là giọt nước tràn ly.

Câu chuyện “cảm tác” một lớp diễn trong vở Tía ơi, má dìa! thành tiểu phẩm Mình ơi - Lý son sắt của diễn viên Gia Bảo ở cuộc thi Sao nối ngôi, khiến anh phải xin lỗi vẫn chưa lắng. Tra lại trên hành trình “nghệ thuật” của Bảo, người ta còn nhìn thấy những vụ trộm cắp đáng xấu hổ khác mà sự phẫn nộ của NSƯT Thành Lộc chỉ là giọt nước tràn ly.

Khi còn là “ông bầu” của sân khấu kịch Family, Gia Bảo đã dàn dựng lại vở Lò heo quay của tác giả Trần Văn Hưng và tự ý đổi tên thành Xóm nghèo bá đạo mà không hề đếm xỉa gì đến tác giả. 

Dien vien Gia Bao -  'An cap' thanh thoi

Đổi cả tên kịch bản nhưng Xóm nghèo bá đạo chỉ được Gia Bảo (trái) gọi điện xin phép tác giả sau khi vở diễn đã phúc khảo

Lò heo quay là tác phẩm từng gây tiếng vang ở nhà hát Hòa Bình hơn 20 năm trước, sau đó tiếp tục thành công trên sân khấu kịch Sài Gòn. Tác giả Trần Văn Hưng chỉ biết kịch bản của mình được tái dựng thông qua báo chí và một số người quen khi vở diễn đã hoàn tất khâu phúc khảo và công diễn.

Chỉ khi nhiều người làm nghề bức xúc lên tiếng và Hội Sân khấu TP.HCM gọi điện nhắc nhở thì Gia Bảo mới liên lạc với tác giả để “giải trình” và xin lỗi. Lý do Bảo đưa ra là việc xin phép tác giả đã được anh giao cho một nhân viên thực hiện và nhân viên này… quên (?!).

Trước Lò heo quay, tác giả Trần Văn Hưng cũng ngơ ngác khi nghe bạn bè cho biết một trích đoạn trong vở Sui gia đại chiến của ông được phát sóng trong chương trình Hội ngộ danh hài. Tiết mục có sự tham gia của NSƯT Bảo Quốc, Hồng Nga, Gia Bảo và Như Huỳnh. Tuy kịch bản này từng được NSƯT Bảo Quốc xin phép để “bầu sô” Gia Bảo dàn dựng, biểu diễn trên sân khấu từ năm 2009; việc mang trích đoạn của vở lên truyền hình là chuyện hoàn toàn khác - cả về luật pháp lẫn về cách ứng xử giữa người làm nghề.

Dien vien Gia Bao -  'An cap' thanh thoi

Bức xúc với việc “ăn cắp” sáng tạo nghệ thuật của người khác một, thì thái độ và cách hành xử của Gia Bảo sau đó càng khiến những người quan tâm phẫn nộ hơn. Sau khi Sao nối ngôi phát sóng và sự việc vỡ lở, fanpage chương trình chỉ có một dòng thông tin được cập nhật: “Tiết mục được cảm tác từ kịch bản Tía ơi, má dìa!”.

Chính sự “cảm tác” này buộc NSƯT Thành Lộc phải lên tiếng và mãi đến bây giờ Gia Bảo mới chính thức nhận sai phạm, xin lỗi NSƯT Thành Lộc cùng ê-kíp thực hiện Tía ơi, má dìa!; trong khi đoạn clip xin lỗi Gia Bảo tự ghi hình trước đó chỉ loanh quanh “rằng thì mà là…”.

Ngoài chuyện ăn cắp chất xám của người khác, Gia Bảo còn khiến giới làm nghề ngán ngẩm trong cách hành xử với diễn viên, nhân viên tham gia các chương trình Chút tình gửi lại nhân gian, Tài danh đất Việt; với cả đồng nghiệp thuộc hàng tiền bối hay những than phiền về giờ giấc tập luyện.

Tác giả Trần Văn Hưng băn khoăn: “Thỉnh thoảng tôi vẫn nhận được những cuộc điện thoại xin được sử dụng một trích đoạn trong kịch bản nào đó của tôi từ những diễn viên mà thú thật tôi cũng chưa biết là ai. Với chúng tôi, tiền bản quyền không quan trọng bằng cách ứng xử để cho thấy sự tôn trọng dành cho những người đi trước của thế hệ diễn viên trẻ. Lẽ nào được sinh ra và lớn lên trong một dòng tộc lớn, vốn nổi tiếng bởi cách làm việc nghiêm túc, có tôn ti trật tự như đại gia đình Thanh Minh - Thanh Nga mà Gia Bảo lại không hiểu điều đó?”.

Dien vien Gia Bao -  'An cap' thanh thoi
Gia Bảo trong Mình ơi - Lý son sắt

Băn khoăn của tác giả Trần Văn Hưng cũng là nỗi xót xa pha chút bẽ bàng cho gia sản bà bầu Thơ, người tôn thờ kỷ cương sân khấu với kẻ “nối ngôi” - thế hệ thứ tư - Gia Bảo, bất chấp, phế bỏ đạo lý làm nghề. Nếu chỉ là diễn viên, sự việc có thể khả dĩ bỏ qua; nhưng ở đây Gia Bảo đã tiếp nối bà cố để trở thành một nhà tổ chức biểu diễn chuyên nghiệp. Việc không tôn trọng quyền tác giả, từ trong suy nghĩ đến hành vi, lặp lại nhiều lần là biểu hiện của một nhân cách làm nghề bị khiếm khuyết.

Thái độ quanh co, bao biện (trước khi hối lỗi thật sự) càng cho thấy, ngay cả sự trung thực với bản thân, Gia Bảo còn thiếu huống gì là thành thật với người khác. Sân khấu là nơi nghệ sĩ dùng cái thực (tài năng và đạo đức) để diễn tả cái ảo; trở về đời thường, họ lại phải sống đời thực bằng cái thật, không thể giả thật - thật giả với đồng nghiệp, với công chúng, với chính bản thân mình.

Không bao giờ là quá trễ để Gia Bảo thay đổi chính mình và tìm lại sự thương yêu của đồng nghiệp, khán giả. Nếu vẫn muốn đi theo nghiệp tổ, vẫn muốn được xứng đáng làm người nối ngôi dòng tộc Thanh Minh - Thanh Nga thì tốt nhất Gia Bảo phải nằm lòng những bài học căn bản của đạo đức làm nghề, đừng trở thành kẻ nối giáo cho những thói tật kém cỏi, xấu xí. 

Theo NSƯT Thành Lộc, có quá nhiều thứ ở  giống y như  - từ kịch bản gốc đến những sáng tạo riêng của diễn viên trên sàn diễn.

Chi tiết lúc Tư Chơn định sờ tay lên má của người vợ tưởng tượng thì bừng tỉnh, trở về thực tại bởi tiếng sét là sáng tạo được Thành Lộc đề nghị với đạo diễn trong lúc luyện tập để có thêm chi tiết trong diễn xuất. Chi tiết Tư Chơn tự tát vào mặt mình vì đã lỡ lời với vong hồn của vợ cũng là sáng tạo của NSƯT Thành Lộc trên sàn tập. Ngay cả tên tiết mục: Liên khúc Mình ơi - Lý son sắt cũng bị NSƯT Thành Lộc gọi là một sự “trùng hợp ngẫu nhiên đến khó tin” vì cả hai ca khúc đó đều là ca khúc chính được xử lý cho vở Tía ơi, má dìa!

 

Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn

Gia Bảo từng xin phép sử dụng trích đoạn của  để thi gameshow, nhưng lần nào chúng tôi cũng kiên quyết từ chối. Trong vụ thì không ai xin phép cả, dù  giống đến 80% một lớp diễn của NSƯT Thành Lộc - giống từ những câu thoại là sáng tạo riêng của Thành Lộc đến cách xử lý âm thanh, âm nhạc, thậm chí luôn cả phần sáng tác của nhạc sĩ Cao Minh Thu.

 

Diễn viên Gia Bảo

Tôi biết mình rất sai vì đã không xin phép khi sử dụng chất liệu của Tía ơi, má dìa! làm tiết mục Mình ơi - Lý son sắt và quá chủ quan nên mọi việc đi quá xa. Đây là bài học đắt giá mà tôi sẽ phải ghi nhớ suốt đời để không bao giờ còn va vấp lần thứ hai. Ngay sau khi bị phản ứng, tôi đã gởi lời xin lỗi đến NSƯT Thành Lộc và ê-kíp tác giả, đạo diễn cùng khán giả.

Sau sự cố đó, tôi cũng ngưng tiết mục Bí mật vườn Lệ Chi, dù đã được NSƯT Thành Lộc đồng ý cho sử dụng; việc tập luyện cũng đã đi được hơn nửa đường và tất cả những ý tưởng cho nhân vật - từ hóa trang, tạo hình đến chất liệu âm nhạc… đều gần như hoàn tất.

Tôi là con cháu một dòng tộc lớn của cải lương nhưng trong cuộc sống lẫn cuộc đời làm nghề có những lúc tôi vẫn phải một mình bươn chải, tự học hỏi, tự tìm lối đi… Có những lúc tôi chông chênh không biết mình đúng hay sai. Chỉ đến khi va vấp, tôi mới nhận ra đó là lỗi lầm lớn, rất nghiêm trọng mà một khi đã làm nghề thì người nghệ sĩ không được phép sai phạm.

Tôi chỉ mong được sự tha thứ của các cô chú, anh chị, bạn bè trong nghề và khán giả. Xin cho tôi cơ hội và thời gian.

Thảo Vân ghi

Quân Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI