Di sản của ai, người nấy giữ!

09/05/2018 - 17:27

PNO - Chiều 7/5, nhạc sĩ Dương Thụ đã ghi tên mình vào danh sách “kẻ thù của boléro”, khiến cộng đồng yêu nhạc boléro phẫn nộ qua phát ngôn tôi rất buồn khi các ca sĩ ngày nay cứ chạy theo nhạc xưa, giờ là chạy theo boléro.

Vốn là một người nhiều chữ, lại đã ở tuổi “cổ lai hy”, nhạc sĩ Dương Thụ tỏ ra thận trọng khi đánh giá các dòng nhạc khác, liên tục cho rằng, ông không chê bai gì boléro, thậm chí còn khen ngợi những Thái Thanh, Lệ Thu, Tuấn Ngọc, Khánh Ly, Y Moan...   

Di san cua ai, nguoi nay giu!
Chê Tùng Dương, Hồng Nhung, Thanh Lam hát hỏng nhạc Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ Dương Thụ bảo các ca sĩ ấy hát nhạc của… ông mới hay - Ảnh: Hoà Nguyễn

Không ai phủ nhận tài năng của nhạc sĩ Trần Tiến, nhưng khi đặt Trần Tiến lên bàn cân với Phạm Duy và Trịnh Công Sơn rồi khẳng định họ ngang hàng nhau thì rõ ràng Dương Thụ đã hại bạn nhiều hơn. 

Một tác phẩm có thể ăn khách vào một thời điểm, nhưng giá trị của nó vẫn sẽ được xét đoán theo thời gian. Nhạc của Dương Thụ có là di sản, là văn hóa hay không thì phải xem nó có thuyết phục được khán giả và có được lưu giữ không.

Ông đã đẩy Trần Tiến vào vị trí bị công chúng so sánh, đo lường, đặc biệt là so với hai nhân vật đã được khán giả dựng thành tượng đài trong tân nhạc Việt Nam. Bằng chứng, sau phát biểu của Dương Thụ, vô số khán giả đã mang tác phẩm của ba vị ra đo cũng như đào xới lại thân thế, sự nghiệp của từng người. Rõ ràng, Dương Thụ đã không hề tế nhị và thiếu sự khiêm nhường cần thiết của một người nghệ sĩ trước đồng nghiệp (nhất là người đã khuất).

Nếu lịch sử Việt Nam từng ghi nhận một thi sĩ khinh thế ngạo vật như Chu thần Cao Bá Quát, tuyên bố mình nắm cả hai bồ chữ khắp thế gian thì nay Dương Thụ đẩy Nguyễn Cường thành mặt trời, xem mình như mặt trăng, buộc Nguyễn Cường là ngày, xem mình như đêm. Nhưng ngay sau khi đưa mình và bạn rời khỏi chúng sinh, Dương Thụ lại cho Nguyễn Cường lùi xuống một bậc bằng cách nhận xét nhạc của bạn ngày xưa giản dị, đúng nghĩa âm nhạc và hôm nay là kiểu trưng trổ kỹ thuật.

Cứ mỗi khi khen một ai đó là Dương Thụ lập tức kéo họ lại để ném xuống; hoặc khi chê một ai đó, ông lập tức đưa họ về tôn vinh mình. Chê Tùng Dương, Hồng Nhung, Thanh Lam hát nhạc Trịnh Công Sơn hỏng hết, Dương Thụ lập tức khen họ hát nhạc của các ông thì hay.

Kỳ thực, nếu ngắt từng đoạn phát biểu của Dương Thụ để phân tích, chúng ta sẽ gặp phải vô số vấn đề về âm nhạc học, nhạc sử… và sẽ đi đến vô số tranh cãi nếu không đặt để chúng vào một hệ quy chiếu cụ thể. Nhưng bất luận cách nào, nhạc sĩ Dương Thụ đã quên hai điều quan trọng: di sản âm nhạc và quyền thưởng thức của công chúng.

Từ góc độ cá nhân, Dương Thụ có xem mình như thần thánh, như mặt trăng, như đêm hay gì gì nữa cũng không sao. Nhưng một tác phẩm âm nhạc giá trị là tác phẩm chịu được thử thách của thời gian, được nuôi dưỡng trong lòng công chúng qua các thế hệ. Tác phẩm giá trị càng lớn sẽ càng được nuôi dưỡng lâu mà con số hàng trăm năm của Mozart, Vivaldi, Chopin… hay cả ngàn năm như những bản dân ca, dân nhạc là minh chứng.

Di san cua ai, nguoi nay giu!
NS Dương Thụ

Thật lạ (nhưng cũng thật quen trong làng văn nghệ hiện nay), cứ mỗi khi ai đó có một sản phẩm, chương trình ra mắt, họ lại lôi những người khác vào để nâng, để hạ (lắm khi chẳng liên quan gì đến sản phẩm), miễn sao gây được chú ý. Sự thật, đó là điều hoàn toàn không cần thiết và rất phi nghệ thuật.

Dương Thụ có khán giả riêng của mình. Điều đó là chắc chắn. Tùng Dương, Quốc Trung, Lê Minh Sơn… cũng vậy. Giữa thời truyền thông và marketing như hiện nay, dù Dương Thụ có nói gì, chê bai hay khen ai thì khán giả vẫn là người quyết định việc trả tiền mua vé xem/nghe thứ mình muốn. Fan của Tùng Dương vẫn sẽ ủng hộ anh và khán giả yêu thích boléro vẫn sẽ mở ti vi, xem những chương trình ca nhạc họ yêu thích, hoặc mua đĩa Lệ Quyên, Quang Lê, hay lùng nghe Đan Nguyên hát Đắp mộ cuộc tình.

Dương Thụ, trong các điều kiện của mình, có thừa khả năng để giữ gìn những di sản mà ông cho là hay của các cụ, thậm chí của chính ông. Các tín đồ nhạc rock sẽ giữ gìn di sản của The Beatles, The Rolling Stones… các nghệ sĩ và công chúng nhánh âm nhạc dân tộc sẽ giữ những câu hò, điệu lý và đương nhiên công chúng của boléro sẽ giữ dòng nhạc của họ, bất chấp ý chí và nguyện vọng của Dương Thụ hay của bất kỳ ai khác.

Việc cho rằng, các nghệ sĩ chọn hát boléro chỉ vì tiền là một sự quy chụp, xúc phạm nặng nề mà lẽ ra một nhạc sĩ như Dương Thụ không nên phạm phải. Điều đó càng khiến công chúng có lý do để tin rằng, ông đang ấm ức trước sự thành công của người khác và bức bối vì mình không đạt được những điều như vậy - hiệu ứng khán giả, hiệu ứng truyền thông, sự tôn vinh của đám đông - điều ông từng có và có vẻ đang dần mất. 

Thật ngạc nhiên, ở tuổi thất thập, nhạc sĩ Dương Thụ lại có thể ảo tưởng và cuồng vọng đến thế về bản thân mình cũng như tụng ca quá mức về bạn bè mình - những người trong “team” của ông.

 Phạm Thành Nhân 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI