Dấu xưa: Nóng hổi thời sự

25/12/2016 - 06:40

PNO - Khéo léo đan xen các tình huống kịch, lời thoại, tuyến nhân vật tốt - xấu trong hàng ngũ lãnh đạo địa phương, Dấu xưa gần như không còn bóng dáng của kịch tuyên truyền mà rất gần gũi, đời thường.

Sân khấu khi là một góc ngôi nhà sàn trong khu vườn rợp bóng mát, lúc trở thành một miền quê với ụ rơm, con đường làng và cánh đồng… Tất cả đẹp như tranh. Trong không gian đó, câu chuyện về Bác Hồ được kể lại mộc mạc, gần gũi mà đầy tính thời sự, dù những gì diễn trên sân khấu đã xảy ra ngót nửa thế kỷ trước.

Từng rất thành công với vai diễn Bác Hồ trong vở cải lương Đêm trắng, một lần nữa, NSƯT Thanh Điền khiến khán giả bất ngờ ở Dấu xưa (TG Nguyễn Thanh Bình, ĐD Trần Minh Ngọc). Không chỉ đạt về tạo hình nhân vật nhờ “phù thủy hóa trang” Trịnh Xuân Chính, vai diễn còn được NSƯT Thanh Điền thể hiện giống Bác Hồ như tạc, từ thế đứng, dáng đi, đến động tác tay trong lúc nói chuyện…

Đây là yếu tố đầu tiên nhanh chóng cuốn hút ánh mắt khán giả hướng lên sân khấu chỉ sau ít phút vở diễn mở màn. Diễn xuất nhẹ nhàng, cộng thêm lợi thế về đài từ, NSƯT Thanh Điền khiến những câu chuyện giữa Bác với các anh lính trẻ trong đội cận vệ vốn đã được kể nhiều qua sách báo, tài liệu, trở nên sống động.

Dau xua: Nong hoi thoi su
Dấu xưa dung dị, gần gũi và đầy cảm xúc

Không có ranh giới giữa vị Chủ tịch nước và những người lính trẻ, chỉ còn cảm giác ấm áp như người một nhà, mà người cha, người ông lo lắng, chăm sóc cho các con, các cháu từ giấc ngủ đến chuyện gia đình riêng tư. Chỉ vậy thôi, nhưng những gì diễn ra trên sân khấu khiến người xem xốn xang cảm xúc yêu thương, xúc động xen lẫn tự hào.

Sức hút của Dấu xưa còn ở cách chọn lọc và lồng ghép những sự kiện, vấn đề thời sự của cuộc sống hôm nay vào vở diễn có bối cảnh những năm 1950-1960. Câu chuyện giải tỏa đền bù đất đai, bổ nhiệm cán bộ, công tác dân vận, bệnh thành tích của lãnh đạo địa phương… được đặt dưới góc nhìn châm biếm, hóm hỉnh, sâu sắc.

Chuyện cán bộ lãnh đạo quan liêu, sống xa rời quần chúng, chỉ biết nịnh trên, chèn dưới, khi có khó khăn đẩy dân ra đối mặt, còn mình tìm cách né tránh… đâu phải chỉ có vào những năm đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, mà vẫn hiện diện đâu đó trong đời sống hôm nay.

Người xem cười chua chát với hình ảnh chủ tịch huyện mải mê lên giọng chỉ đạo trống cờ, chuẩn bị đón tiếp lãnh đạo cấp trên ở sân ủy ban huyện, để rồi sau đó lóng nga lóng ngóng khi nhận ra lãnh đạo đang xắn quần lội ruộng làm thủy lợi với dân, còn mình sơ mi cà vạt, mù mờ với những gì đang diễn ra ngay trong chính huyện nhà.

Hành động nhân vật được tính toán hợp lý và sáng tạo như kiểu vừa đạp xe vừa kêu gọi nhân dân làm thủy lợi, nhưng không cần quan sát để biết dân đã và đang làm gì. Đó còn là vẻ hoảng hốt kêu quần chúng che chắn cho mình sau khi hống hách hạch hỏi cụ Lý… Tất cả giúp mạch kịch gãy gọn, không dông dài, vừa làm bật tính cách chủ tịch huyện tham lam, vô cảm, vô trách nhiệm, vừa mang đến tiếng cười châm biếm đủ để không ít người giật mình soi lại bản thân qua hình ảnh ông chủ tịch huyện Trần Trung Chánh Trực.

Khéo léo đan xen các tình huống kịch, lời thoại, tuyến nhân vật tốt - xấu trong hàng ngũ lãnh đạo địa phương, Dấu xưa gần như không còn bóng dáng của kịch tuyên truyền mà rất gần gũi, đời thường. Ở đó có những lời cảnh tỉnh, kiên quyết chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ lãnh đạo trong đời sống hiện nay; có cảm xúc bồi hồi trước hình ảnh thân thương của Bác Hồ và tình cảm của nhân dân dành cho Bác.

Vở diễn còn có sự tham gia của NSƯT Mỹ Uyên, Chánh Trực, Lê Vinh, Thái Kim Tùng, Cao Việt Hưng… Dấu xưa có các suất diễn phục vụ công nhân khu công nghiệp, sinh viên, học sinh trong thời gian tới.

Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI