Đạo diễn Connie Field: ‘Thảm kịch Mỹ Lai là bước ngoặt thay đổi quan điểm sống cuộc đời tôi’

20/03/2018 - 08:10

PNO - Không chỉ riêng đạo diễn phim tài liệu 'The Whistle Blower of My Lai', giới trẻ Mỹ ở những năm 1960 cũng chịu ảnh hưởng lớn từ vụ thảm sát gây chấn động thế giới mà quân đội Hoa Kỳ đã thực hiện với người dân Sơn Mỹ.

Tại buổi giao lưu cùng khán giả vào tối 19/3 trong khuôn khổ chương trình Văn hóa Hòa bình do Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM phát động, đạo diễn Connie Field đã cởi mở chia sẻ nhiều suy nghĩ cũng như cảm xúc của bà trong quá trình thực hiện phim tài liệu The Whistle Blower of My Lai, khi bộ phim lần đầu được trình chiếu tại Việt Nam nhân kỷ niệm 50 năm ngày diễn ra thảm kịch Mỹ Lai (16/3/1968 – 16/3/2018).

Dao dien Connie Field: ‘Tham kich My Lai la buoc ngoat thay doi quan diem song cuoc doi toi’

Đạo diễn Connie Field tại buổi giao lưu cùng khán giả Việt Nam

The Whistle Blower of My Lai không phải là dự án đầu tiên mà Connie Field thực hiện. Trước đó, nữ đạo diễn người Mỹ từng có rất nhiều dự án khác, trong đó có các bộ phim về nạn chống phân biệt chủng tộc diễn ra ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên, khi nhắc đến sự kiện thảm sát Mỹ Lai gây chấn động dư luận thế giới những năm cuối thập niên 60, đạo diễn Connie Field lại có nhiều cảm xúc đặc biệt hơn cả.

“Sự kiện thảm sát Mỹ Lai đã diễn ra vào tháng 3/1968 nhưng đến tháng 11/1969 nó mới được công chúng biết đến thông qua một số bài báo. Có thể nói, thảm sát Mỹ Lai đã thay đổi quan điểm về cuộc sống của giới trẻ Mỹ tại thời điểm đó và là bước ngoặt khiến nhiều người tham gia vào phong trào phản chiến, trong đó có tôi. Tôi cũng từng có 7 năm tham gia phong trào phản chiến tại Mỹ. Với những người như tôi thì sự kiện này như một nền tảng để từ đó hình thành nên con người của họ cũng như sự hiểu biết về chính trị đối với chính phủ Mỹ”, Connie Field nói.

Dao dien Connie Field: ‘Tham kich My Lai la buoc ngoat thay doi quan diem song cuoc doi toi’

Hình ảnh về thảm sát Mỹ Lai xảy ra vào năm 1968

Bộ phim tài liệu The Whistle Blower of My Lai là những thước phim ghi lại quá trình thực hiện vở opera của tứ tấu Kronos, với nội dung kể về những bi kịch của chiến tranh dưới góc nhìn của Chuẩn úy Hugh Thompson - người đã bị xem là một kẻ phản bội khi quyết định ngăn cản và lên tiếng tố cáo tội ác mà quân đội Hoa Kỳ đã gây ra với người dân Mỹ Lai.

Bộ phim là tiếng vọng đầy cảm xúc với những người đã sống qua những năm 1960 và là một trải nghiệm sâu sắc với thế hệ trẻ, đặc biệt là những người đã lớn lên trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam và biết về thảm kịch đó như bốn nghệ sĩ - David Harrington của tứ tấu Kronos, nhà soạn nhạc Jonathan Berger, nhà văn Harriet Scott Chessman và ca sĩ Rinde Eckert-on. Đó cũng là lý do khiến họ đã cùng viết và thực hiện nên vở opera trên.

Clip một số hình ảnh trong phim tài liệu The Whistle Blower of My Lai:

 
 

Đạo diễn Connie Field là một đạo diễn phim tài liệu nổi tiếng, đồng thời là thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học & Nghệ thuật Điện ảnh. Trong sự nghiệp của mình, Connie Field từng đạt được nhiều giải thưởng lớn như: giải thưởng John Grierson Award cho nhà làm phim tài liệu xã hội xuất sắc nhất; giải Primetime Emmy; giải Nomurae của Học viện Anh; Phim hay nhất & Phim tài liệu xuất sắc nhất từ giới phê bình và nhiều giải thưởng khác. Bà Connie Field cũng từng được đề cử giải Oscar cho hạng mục Phim tư liệu hay nhất.

Clip đạo diễn Connie Field chia sẻ tại buổi giao lưu:

 
 

Nói về cơ duyên thực hiện The Whistle Blower of My Lai, nữ đạo diễn người Mỹ bày tỏ: “Tôi muốn khai phá cái cách một sự kiện lịch sử được nhìn thông qua tác phẩm nghệ thuật hơn là góc nhìn văn bản, tài liệu. Đây không phải lần đầu tiên tôi làm một tác phẩm theo khuynh hướng như vậy. Trước đó từng một vở kịch, tác phẩm sân khấu khác mang tên Al Helm: Martin Luther King ở Palestine, nói về một dàn hợp xướng của người Mỹ gốc Phi châu lưu diễn Palestine”.

Dao dien Connie Field: ‘Tham kich My Lai la buoc ngoat thay doi quan diem song cuoc doi toi’
 
Dao dien Connie Field: ‘Tham kich My Lai la buoc ngoat thay doi quan diem song cuoc doi toi’

Chuẩn úy Hugh Thompson thời trẻ

Cũng theo bà, ở Mỹ đã có nhiều bộ phim tài liệu về đề tài tương tự được thực hiện. Tuy nhiên, cách mà Connie Field bị tác động bởi sự kiện lịch sử Mỹ Lai khác với việc Jonathan Berger- nhà soạn nhạc bộ phim The Whistle Blower of My Lai - từng trải qua vì từ năm 1967, bà đã tham gia phong trào phản chiến.

“Khác với nhà soạn nhạc bộ phim The Whistle Blower of My Lai là khi sự việc ở Mỹ Lai xảy ra rồi thì ông mới bắt đầu bị ảnh hưởng và thay đổi hoàn toàn quan điểm về cuộc sống, còn tôi thì không bị sốc như Jonathan Berger. Vì tôi từng tham gia phản chiến, chống chiến tranh nên tôi biết việc thảm sát Sơn Mỹ không chỉ xảy ra một lần mà từng có rất nhiều thảm sát, điều này khá ít người biết như tôi”, Connie Field bộc bạch.

Clip Chuẩn úy Hugh Thompson trở lại Mỹ Lai trong phim tài liệu: 

 

Khép lại buổi giao lưu, nữ đạo diễn Connie Field bày tỏ mong muốn đưa bộ phim tài liệu về thảm sát Mỹ Lai, có thời lượng gần 2 giờ đồng hồ đến nhiều nơi hơn nữa tại Việt Nam cũng như thế giới để khán giả trẻ ngày nay hiểu hơn về sự kiện lịch sử đau xót này. 

"Tôi hy vọng bộ phim này sẽ được trình chiếu ở nhiều nơi như trường học và các địa điểm văn hóa cộng đồng. Ngoài ra, tôi cũng sẽ mang bộ phim tham dự các Liên hoan phim quốc tế với mong muốn sẽ không còn nơi nào trên thế giới phải gánh chịu những đau thương như người dân Mỹ Lai từng trải qua", Connie Field chia sẻ. 

Thảm sát Mỹ Lai hay thảm sát Sơn Mỹ là một tội ác chiến tranh của lục quân Hoa Kỳ gây ra trong thời gian chiến tranh Việt Nam. Trong tiếng Anh, vụ thảm sát này có tên My Lai Massacre, Son My Massacre hoặc Pinkville, trong đó Pinkville là tên địa danh của quân đội Hoa Kỳ đặt cho khu vực Mỹ Lai.

Vào ngày 16/3/1968 tại khu vực thôn Mỹ Lai thuộc làng Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, lục quân Hoa Kỳ đã thảm sát hàng loạt 504 dân thường không có vũ khí, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Trước khi bị sát hại, nhiều người trong số các nạn nhân còn bị cưỡng bức, quấy rối, tra tấn, đánh đập hoặc cắt xẻo các bộ phận trên cơ thể. Sự kiện thảm khốc này đã gây sốc cho dư luận Mỹ, Việt Nam và thế giới, hâm nóng phong trào phản chiến và là một trong các nguyên nhân dẫn tới sự triệt thoái của quân đội Hoa Kỳ khỏi Việt Nam năm 1972.

Thanh Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI