Chuyến xe ngựa về Bảy núi

16/01/2018 - 07:51

PNO - Cuốn sách mỏng, chưa đầy 200 trang, nhưng gói ghém nhiều phận đời day dứt. 'Chuyến xe ngựa về Bảy núi' (NXB Văn hóa Văn nghệ) có sức gợi ngay từ cái tựa.

Tập truyện được mở đầu bằng hành trình trở về của một phụ nữ Việt kiều. Trải qua bao biến động cuộc đời, bà về lại quê hương trên chiếc xe ngựa mà bồi hồi nhớ mối tình năm xưa - cũng vì người yêu làm nghề đánh xe ngựa mà tình đầu tan vỡ. Mấy mươi năm sau, bà lại ngồi ngay trên chuyến xe mà người xà ích chính là con trai của người xưa. Họ vẫn ở lại với quê hương, làng mạc, vẫn giữ cái nghề truyền thống từng bị gia đình bà rẻ rúng. Họ vẫn đẹp trong cái nghèo. Còn bà chỉ như một người lạ trên quê nhà.

Chuyen xe ngua ve Bay nui

Tác giả Trần Tùng Chinh kể chuyện bằng mạch văn tường thuật chậm rãi, ngôn từ đậm chất miền Tây Nam bộ. Nhắc chuyện xưa, chuyện nay của đời người, nhưng cũng là để nhắc nhớ một giá trị đã gìn giữ qua hàng thập niên của vùng đất An Giang.

Những câu chuyện rất ngắn, cả về dung lượng chữ lẫn thời gian; có khi chỉ gói ghém trong một trạng thái diễn đạt nội tâm của nhân vật. Nếu mỗi truyện nằm tách biệt, đó là những lát cắt rất mỏng của đời sống; nhưng khi xâu chuỗi lại thì đầy đặn như thể từng mảnh thân phận, tâm hồn được kết nối cùng nhau. Một đôi vợ chồng hạnh phúc, dù trong cái nghèo; một cô gái sắp đi lấy chồng Hàn mà không biết đời mình trôi về đâu; một cuộc chạy trốn tìm kiếm hạnh phúc mà vẫn bị quá khứ bám riết sau lưng và những tình yêu không bao giờ nói thành lời nhưng lại sắt son sâu thẳm…

Điều giúp tác phẩm ở lại trong lòng bạn đọc có lẽ là không gian của những câu chuyện. Đất An Giang hiện lên rõ nét với bao giá trị trầm tích của đất và người: những ngôi chùa, hàng cây thốt nốt, những điệu dân ca Khmer hay những huyền thoại từ vùng Bảy Núi…

Một trong những truyện huyền ảo kỳ bí nhất là Bạch Hoa Xà. Viết về nghề bắt rắn truyền đời, tác giả đã dùng yếu tố liêu trai để dẫn dắt người đọc. Những hang động, những loài rắn độc, thuật bắt rắn… được tái hiện sống động. Và rắn đã báo thù theo cách không ai có thể ngờ.

Trong cuộc thi Truyện ngắn đồng bằng sông Cửu Long năm 2011, Trần Tùng Chinh đã được trao giải nhất. Chuyến xe ngựa về Bảy Núi cũng vừa nhận được giải C của Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam 2017. Tác giả hiện đang là giảng viên Trường đại học An Giang, đã xuất bản nhiều tác phẩm: Mùa thu vàng mưa nắng, Bâng quơ trên núi, Phố hiền, Trại mùa xuân, Bên giếng nước

Diệp Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI