Chút tiếc nuối ở Biennale mỹ thuật trẻ 2017

22/04/2017 - 11:04

PNO - Trước ngày khai mạc chính thức Biennale mỹ thuật trẻ 2017 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM 20/4, họa sĩ Huỳnh Văn Mười tiếc nuối bày tỏ: “Lẽ ra chúng tôi có thể làm hơn thế".

Điều gì đã khiến vị Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM phải thừa nhận sự thật đó, còn có ý “nhờ báo chí kêu giùm với lãnh đạo TP” trước Biennale mỹ thuật trẻ 2017, để mỹ thuật TP.HCM có thể phát triển tốt hơn?

Mỹ thuật hiện đại đã không còn bó gọn trong phạm vi hội họa hay điêu khắc mà mở rộng sang nghệ thuật xếp đặt (installation art), nghệ thuật trình diễn (performance art), thậm chí body art, video art, visual art… Để đáp ứng cho những phương thức thể hiện đó, không gian trình diễn phải đủ rộng và đủ các phương tiện âm thanh, ánh sáng, màn hình… Thế nhưng, ngay tại một bảo tàng như Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, những yêu cầu này đều thiếu. 
 

Chut tiec nuoi o Biennale my thuat tre 2017

Nữ sinh viên Hồ Thị Ngọc Anh (áo đen) bên tác phẩm giải nhì của mình - Ảnh: P.T.N.
 

Một ví dụ chứng minh là tác phẩm Chim bồ câu có thể mở cánh để mọi người bước vào bên trong, phải nằm khép nép một góc phòng triển lãm. Theo ông Mười, nếu không gian rộng hơn thì khả năng sáng tạo của nghệ sĩ sẽ không bị gò bó như thế, Chim bồ câu có thể sải cánh kiêu hãnh, được chiếu sáng hoặc kết hợp với âm nhạc để đạt hiệu quả thể hiện cao nhất. 

Tương tự, hai tác phẩm video art tại triển lãm lẽ ra phải được chiếu song hành trên hai màn hình đối xứng thì chỉ có thể chiếu lần lượt trên một màn hình và không có âm thanh. Tác phẩm sắp đặt - Phố - giải nhì, phải trưng bày trên sàn bảo tàng và được chiếu sáng nhờ… ánh sáng trời từ cửa sổ. 

Ngay cả tác phẩm đoạt giải nhất - Những đôi mắt phù sa, của nhóm sinh viên ĐH Hoa Sen (Nguyễn Phương Quyên, Trần Thị Sương, Nguyễn Ngọc Giang Thanh), dù được ưu ái dành riêng một phòng cũng không đủ âm thanh cần thiết. Nếu âm nhạc đờn ca tài tử được phát lên đúng như ý đồ của nhóm tác giả, ấn tượng về những đôi mắt phù sa - những đôi mắt của các loài sinh vật sống trong dòng Mê Kông chắc chắn sẽ gây ấn tượng mạnh hơn rất nhiều.

Nhưng vì sao Bảo tàng Mỹ thuật không thể đáp ứng không gian hiện đại ấy cho các nghệ sĩ? Họa sĩ Hứa Thanh Bình - Phó GĐ Bảo tàng cho biết, do bảo tàng đã được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật nên mọi chuyện chỉnh sửa đều vướng, có muốn hỗ trợ nghệ sĩ nhiều hơn cũng đành thúc thủ. Họa sĩ Huỳnh Văn Mười và bà Nguyễn Thế Thanh, Phó BTC, cùng kể câu chuyện ở Singapore, về cách nước bạn đầu tư cho mỹ thuật, đặc biệt là mỹ thuật trẻ. 
 

Chut tiec nuoi o Biennale my thuat tre 2017
 


“Ngay cả việc giao lưu với thế giới ta cũng không đủ tiền mang tác phẩm đi, mời bạn đến thì không đủ điều kiện để họ thể hiện tác phẩm. Vậy thì giao lưu thế nào?”, ông Mười than. Hậu quả đã thấy ngay trước mắt: so với các kỳ biennale trước, số lượng tác phẩm sắp đặt, video art, trình diễn… tham dự năm nay ít hơn hẳn. 

Ngày 8/9/2016, quyết định phê duyệt chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam được Chính phủ ban hành với mục tiêu đến năm 2020 các ngành mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm phải đạt doanh thu 80 triệu USD và đến năm 2030 đạt 125 triệu USD. Nhưng, muốn làm gì thì cũng phải có cơ sở. Khi Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM còn chưa có một nơi tập luyện, biểu diễn cho tử tế; khi các họa sĩ chưa có nơi triển lãm đủ chuyên nghiệp và hiện đại thì mong gì chuyện xa xôi!

Dù sao thì bất chấp khó khăn, Biennale mỹ thuật trẻ TP.HCM 2017 vẫn thu hút một lượng lớn họa sĩ tham gia với nhiều tác phẩm chất lượng, phong phú về nội dung và đa dạng trong cách thể hiện. Triển lãm cũng đã được mời ra Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng để phục vụ công chúng sau khi kết thúc vào ngày 1/5 tại TP.HCM.
 

Biennale mỹ thuật trẻ TP.HCM lần 4-2017 khai mạc sáng 20/4 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, kết thúc ngày 1/5. Triển lãm trưng bày 145 tác phẩm mỹ thuật hội họa truyền thống bên cạnh những tác phẩm sắp đặt, dùng chất liệu sắt hàn, khắc gỗ… 

Hầu hết tác phẩm phản ánh đời sống thực tế, từ vấn nạn con người chúi mũi vào công nghệ đến những âu lo về môi trường, đời sống đô thị tương phản với các vùng quê. Trong ngày bế mạc, BTC sẽ trao một giải nhất, hai giải nhì, ba giải ba và năm giải khuyến khích với tổng giá trị 120 triệu đồng cho các tập thể, cá nhân có tác phẩm xuất sắc.

Phạm Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI