Chuẩn mực nào khi cách tân truyền thống?

26/02/2018 - 08:21

PNO - Công chúng thấy hay, họ sẽ bảo vệ, sẽ tìm ra đủ mọi lý do để gọi nó là giá trị và giữ gìn giá trị đó. Ngược lại, nếu số đông đó thấy dở thì họ sẽ ném đá hoặc thờ ơ.

Hát bội được ứng dụng vào đồ chơi lego, vào tranh đương đại, vào phim hoạt hình hay dấu ấn của đời sống hiện đại như “selfie”, “like”, “thả tim”, hàng hiệu… xuất hiện trong tranh Đông Hồ… Tại sao không? Nói chuyện kết hợp truyền thống với đương đại cũng là nói tới việc thực thi văn hóa như thế nào ở thời buổi tiếp biến các giá trị như hôm nay.

Chuan muc nao khi cach tan truyen thong?
Một góc của dự án "Vẽ về hát bội"

Khi văn hóa được lưu truyền theo cách của người trẻ

Vừa qua, ở TP.HCM, đã diễn ra hai sự kiện liên quan đến việc kết hợp truyền thống với đương đại. Đó là dự án Vẽ về hát bội và dự án Đương đại hóa tranh Đông Hồ. Chủ nhân hai dự án này đều là những người trẻ, thậm chí rất trẻ - đa số đều thuộc lứa tuổi 9x.

Từ những chia sẻ đầy trăn trở của NSND Đinh Bằng Phi khi chứng kiến hát bội đang đứng trước sự đào thải nghiệt ngã của thời gian, một số bạn trẻ đã tìm cách phục dựng, sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật mới dựa trên nhiều chất liệu và hình thức khác nhau. Từ vài người, sau ba tháng, số lượng nghệ sĩ tham gia và góp sức vào dự án lên tới con số 40, chưa kể hơn 100 cộng tác viên.

Bên cạnh triển lãm tranh đương đại trên nhiều chất liệu như giấy, vải, gốm sứ; từ vẽ thủ công tới vẽ đồ họa trên máy tính, dự án còn có talkshow, trình diễn các tác phẩm hát bội kinh điển và nhiều hoạt động khác như workshop, lego tương tác, chiếu phim… Mong muốn của các bạn trẻ là góp một “tiếng nói nhỏ trong bức tranh văn hóa lớn” và đó thực sự là tiếng nói của người trẻ, dành cho người trẻ.

Dù đến nay dự án đã kết thúc, những thông tin về hát bội cũng như những dư âm về loại hình văn hóa này vẫn được các bạn trẻ chia sẻ và nhận được sự tương tác của nhiều người trên trang fanpage chính thức.

Công bố sau Vẽ về hát bội mấy ngày, dự án Đương đại hóa tranh Đông Hồ do các họa sĩ 9x thực hiện cũng nhận được sự quan tâm của nhiều người trong giới. Trên nền chất liệu cổ điển vốn có của tranh Đông Hồ, các họa sĩ đã diễn tả lại một phần đời sống hiện đại. Khoan bàn chuyện vẽ đẹp hay vẽ dở, khi đưa những yếu tố đương đại vào, đối tượng được thể hiện sẽ có cơ hội được trẻ hóa.

Hợp thời hay phá bĩnh?

Chúng ta đang đầy những sân khấu truyền thống vắng như chùa bà Đanh, những vở diễn nghệ sĩ đầu tư công sức và tâm huyết hàng tháng trời nhưng khi diễn, chỉ có lèo tèo vài khán giả. Chúng ta cũng không thiếu những loại hình đã từng vàng son một thuở, là tinh hoa của văn hóa dân tộc, nhưng trước cơn bão của công nghệ số, cũng trở thành những sản phẩm lỗi nhịp khi không thể cạnh tranh nổi hàng loạt hình thức nghe nhìn giải trí mới.

Để tồn tại đã khó, để phát triển càng khó hơn. Đổi mới trở thành yêu cầu bức thiết. Đương đại kết hợp truyền thống, vì vậy, không phải là điều gì đó quá mới mẻ. Thế nhưng, mỗi khi có một dự án được công bố, vẫn có những tranh cãi nảy lửa về việc hợp thời hay là phá hoại khi kết hợp hai yếu tố truyền thống và hiện đại với nhau.

Một phía bảo thủ, đòi giữ lại mọi tiêu chí cũ. Bên còn lại mong muốn cách tân, nhằm tạo ra những giá trị mới. Nhưng kết hợp như thế nào để cái hồn vía, cái chất của truyền thống vẫn được bảo tồn mà vẫn phù hợp với đương đại, đó lại là câu chuyện cần nhiều bàn thảo, trên tinh thần cầu thị chứ không phải bỉ bai nhau. 

Vài năm trở lại đây, có khá nhiều chương trình, dự án nghệ thuật đi theo hướng thể nghiệm - kết hợp truyền thống và hiện đại. Đây được xem là xu hướng hợp thời và tất yếu nhằm tiệm cận đối tượng công chúng mới, khi mà sân khấu truyền thống đang càng ngày càng vắng khách, có nguy cơ biến mất.

Chuan muc nao khi cach tan truyen thong?
GS Trần Ngọc Thêm

GS Trần Ngọc Thêm, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh: Công chúng sẽ quyết định đó có phải là giá trị hay không

Phóng viên: Gần đây, khá nhiều dự án kết hợp truyền thống và hiện đại đã vấp phải những ý kiến trái chiều. Quan điểm của giáo sư thế nào?

GS Trần Ngọc Thêm: Có những kết hợp có lý hơn và cũng có những kết hợp không có lý, tùy trường hợp cụ thể, không thể nói chung được. Bởi lẽ, những giá trị trong quá khứ không bao giờ đứng yên. Nó phục vụ cho đời sống đương đại.

Tuy nhiên, khi ta nói tới quá khứ, nghĩa là nó đã có sự hoàn chỉnh nhất định; cho nên, mình cải tiến, làm mới, đương đại hóa ở một mức độ nào đó thì người ta chấp nhận được và đến một mức độ nào đó thì không chấp nhận được. Kết quả cuối cùng vẫn là nó cho người ta cảm giác gì. Đa số người dùng, người thụ hưởng sẽ đánh giá.

“Thích làm gì thì làm. Đương đại hóa gì thì cứ đương đại hóa, không cần phải tuân thủ nguyên tắc nào cả. Quan trọng là sự kết hợp đó như thế nào và có phù hợp với sở thích, mong muốn của cộng đồng vào thời điểm đó hay không”, GS Trần Ngọc Thêm

Chẳng hạn, chiếc áo dài tứ thân truyền thống, khi tiếp cận phương Tây, được cải tiến thành áo dài tân thời. Chiếc áo dài tân thời này vẫn giữ được một số nét kín đáo cơ bản của truyền thống, lại phù hợp với đương đại lúc bấy giờ là Tây hóa, đó là người phụ nữ phải phô ra cái đẹp, do vậy, nó bóp phần eo lại. Vừa giữ được hồn truyền thống, vừa phù hợp với tâm lý chung của xã hội lúc bấy giờ, đặc biệt là thị dân; vì vậy, chiếc áo dài đó được ủng hộ.

Càng ngày, xu hướng ấy càng mạnh lên. Càng ngày người ta thấy chiếc áo dài tân thời đó đẹp hơn. Khi nó đẹp hơn, đương nhiên nó cũng trở thành truyền thống. Như chúng ta đã biết, chỉ chưa đầy một thế kỷ mà người ta có cảm giác như nó đã có lâu lắm rồi. Và nó là của Việt Nam, chứ không phải của quốc gia nào khác.

Hay như tranh Đông Hồ. Nó là một thực thể văn hóa, một giá trị hệ thống văn hóa. Để nguyên toàn bộ trong bối cảnh đó thì người ta thấy nó đẹp. Làm khác đi ở một mức độ nào đó, phù hợp với tâm lý chung của xã hội bây giờ, người ta sẽ chấp nhận.

Ví dụ, thêm yếu tố “selfie” vào, một bộ phận bạn trẻ sẽ thích nhưng sẽ có một bộ phận khác phản đối. Bộ phận phản đối đó cộng với những người lớn tuổi - đối tượng thụ hưởng văn hóa trước đây, sẽ thành đám đông và số đông đó sẽ là yếu tố quyết định. Có thể, đến một thời điểm, đối tượng tiếp nhận, phân bố quan điểm trong xã hội khác đi, có khi người ta lại chấp nhận. Đẹp hay xấu là ở sự tiếp nhận của công chúng nói chung. Nghệ thuật sinh ra để phục vụ công chúng, không phải ư?

* Nghĩa là, công chúng sẽ là yếu tố quyết định?

- Đúng vậy. Công chúng thấy hay, họ sẽ bảo vệ, sẽ tìm ra đủ mọi lý do để gọi nó là giá trị và giữ gìn giá trị đó. Ngược lại, nếu số đông đó thấy dở thì họ sẽ ném đá hoặc thờ ơ.

Ở đây không có chuyện đúng sai, vì nhiều lúc, cái đúng đưa ra vào thời điểm không thích hợp thì vẫn bị coi là sai. Đó là chuyện bình thường. Bao giờ, người ta cũng tiếp nhận theo góc nhìn của mình, phục vụ cho chính mình.

Truyện Kiều sẽ được đọc theo những cách khác nhau qua từng thời đại. Tranh Đông Hồ hay những loại hình khác cũng thế.

Hay ví dụ như fastfood (thức ăn nhanh). Ở nước ngoài, nó là một cái gì đó rất tầm thường - tranh thủ ăn để đi làm, chẳng ai xem nó là một điều hay ho; nhưng khi du nhập vào Việt Nam, nó lại trở thành một cái gì đó “sang chảnh”. Tôi nói luôn có chuyện tiếp nhận và đọc lại theo cách của mình là vì vậy. Câu chuyện kết hợp truyền thống với hiện đại hay đương đại cũng thế thôi.

* Vậy công chúng không quan tâm tới những giá trị từng được xem là cốt lõi của văn hóa dân tộc nữa cũng là điều bình thường?

- Biết làm sao khác được khi công chúng không xem những giá trị đó là giá trị của họ nữa. Ví dụ, cuộc sống ngày xưa chậm rãi, tĩnh lặng, nên những loại hình nghệ thuật như tuồng, chèo… phản ảnh đúng tinh thần đó. Chúng man mác buồn và thiên về tình cảm.

Cuộc sống công nghiệp hóa, đô thị hóa ồn ào, nhộn nhạo nên những loại hình đó không còn thích hợp với số đông. Chỉ có một bộ phận lớn tuổi ở vùng nông thôn là thấy hợp, chứ thanh niên đô thị thấy xa lạ. Vì vậy, số lượng công chúng của những loại hình đó ngày càng ít. Đến lúc nào đó, có thể, nó chỉ còn trong bảo tàng. Văn hóa là như thế. Cái gì không còn thích hợp thì sẽ không được công chúng đón nhận và sử dụng.

* Là người nghiên cứu văn hóa, chứng kiến sự suy tàn của không ít loại hình truyền thống, ông thấy thế nào?

- Tôi thấy bình thường. Tất cả những điều đó đều hợp với quy luật phát triển của văn hóa nói riêng và xã hội nói chung. Người làm nghiên cứu không thể sống bằng tình cảm vì nghiên cứu là khoa học.

* Vậy muốn tồn tại, truyền thống phải vận động, thay đổi để phù hợp?

- Đúng thế. Ở Úc, tất cả những cái thuộc về truyền thống, như văn hóa thổ dân chẳng hạn, người ta phân bố ở một khu vực và đó là văn hóa bán ra tiền. Những người thổ dân ở khu vực đó nhận lương cao để chỉ làm một việc: ngày xưa sống sao thì trong khu vực đó cứ sống như vậy. Hết giờ làm, họ ăn mặc như những người hiện đại và về nhà, hưởng thụ như những người đương đại.

Chuan muc nao khi cach tan truyen thong?
PGS-TS Trang Thanh Hiền

PGS-TS Trang Thanh Hiền, Đại học Mỹ thuật Việt Nam: Cái mới được chấp nhận và sống được, mới được xem là giá trị

Phóng viên: Trong quá trình tiếp biến văn hóa, nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống đang được đương đại hóa để phù hợp với đối tượng công chúng mới, đặc biệt là các bạn trẻ. Đương đại hóa có phải là một nhu cầu?

PGS-TS Trang Thanh Hiền: Đó là một nhu cầu cần thiết. Đương đại hóa để phục vụ thị trường. Vừa rồi, tôi có vào Huế thăm tranh làng Sình, thấy có nghệ nhân còn in khắc cả nhân vật thủy thủ mặt trăng. Tôi hỏi tại làm sao làm vậy, ông ấy bảo: “Tại người Tây thích, trẻ con thích”. Đó là thị hiếu. Có cầu ắt có cung. Những loại hình nghệ thuật khác cũng vậy.

* Nhiều người lo ngại điều đó sẽ làm biến chất các loại hình truyền thống?

- Tranh Đông Hồ, ngoài các mẫu cổ xưa thì cũng có những mẫu mới qua các thời kỳ. Ví dụ tranh thời Pháp, tranh thời kháng chiến, tranh thời xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc… Những mẫu này thường ít, ghi lại một dấu mốc, hoặc thời sự thời kỳ đó và cũng chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn. Giờ có thêm bộ tranh mới do các bạn trẻ 9x vẽ.

Có người lo ngại cái chất của tranh Đông Hồ sẽ mất đi, nhưng tôi cho rằng, cái gì thuộc về giá trị sẽ còn mãi, vì đó là những cái đã được sàng lọc qua thời gian. Sức sống của nghệ thuật dân gian vẫn tồn tại theo cách này hoặc cách khác. Còn những cái mới, có tính nhất thời; nếu hay, nếu đẹp, được đa số chấp nhận và sống được thì sẽ tạo nên giá trị mới. Nếu không thì ngược lại. Đừng nhìn truyền thống như một yếu tố bất biến.

Thời gian qua, nhiều cá nhân, đơn vị muốn đương đại hóa tranh dân gian. Họ đưa tranh lên áo, lên khăn, lên đèn, in bao lì xì... Họ cách tân bằng việc tạo những mẫu thiết kế sử dụng biểu tượng tranh dân gian. Tất nhiên có cái được, có cái chưa được, nhưng đã thấy sự trở lại của sự coi trọng truyền thống. Đó là điều tốt.

* Bà nói những cái còn lại là giá trị, sẽ không mất đi; nhưng có không ít giá trị đã bị mờ nhạt rồi dần biến mất trong đời sống. Cải lương chẳng hạn. Ta không thể nói đó không phải là tinh hoa nên bị thời gian đào thải?

- Cho nên mới cần có những người tâm huyết giữ gìn và cũng cần những chính sách cho sự duy trì và phát triển truyền thống. Nhật Bản bảo tồn văn hóa bằng cách nhà nước nuôi dưỡng các nghệ nhân trọn đời và những dự án nghệ thuật, dự án văn hóa dạng này đều được nhà nước đài thọ. Còn nếu theo cơ chế thị trường, khi không có thị trường, nó sẽ chết.

* Vậy, những cái tinh hoa mà đương đại không có cầu, theo quy luật tự nhiên sẽ bị xóa sổ?

- Nếu là vật thể thì còn dễ bảo tồn. Phi vật thể sẽ dễ mất hơn. Vì vậy, nó rất cần được “nuôi”. Đồng thời, vẫn cần được nghiên cứu để tôn vinh nó, nhắc nhớ về nó trong đời sống hiện đại. Như Rối Đầu Gỗ - một trong những nét văn hóa độc đáo của Nam Định - ca từ cổ kính, giai điệu hấp dẫn và giàu sắc thái địa phương; nhưng giờ các nghệ nhân trẻ không còn thực hiện được như lối cổ nữa.

Vừa rồi, một ông trùm chết, bao nhiêu làn điệu chưa kịp thu âm và truyền dạy đã được mang theo xuống suối vàng. Một ông trùm ở Cổ Lễ còn giữ được điệu múa cổ thì nay đã già yếu rồi, không múa được nữa, cũng chẳng truyền dạy cho con cháu. Phi vật thể mong manh hơn vật thể nhiều.

Chuan muc nao khi cach tan truyen thong?
Các tác phẩm thuộc dự án "Đương đại hóa tranh Đông Hồ"

NSƯT Trần Ly Ly, Phó hiệu trưởng Trường múa TP.Hồ Chí Minh: Hiểu thấu truyền thống mới làm đương đại tốt được

Bây giờ, người ta hay nói đến chuyện truyền thống “mix” đương đại và cho rằng như thế là hợp thời. Khó nhé. Mix ở đây là mix tư tưởng, phải hiểu thấu cái cổ truyền mới làm được hiện đại tốt, chứ không lại thành một thứ nửa vời và chỉ là phá bĩnh mà thôi.

Tôi làm việc trong môi trường giáo dục nên tôi tôn trọng tính cốt lõi. Trong sáng tác, bạn được quyền phát triển, nhưng vẫn phải tuân thủ một số nguyên tắc nhất định. Ví dụ, bạn đang làm về dân tộc Ê-đê thì phải có bóng dáng của dân tộc đó. Không thể Ê-đê thành M’Nông.

Tương tự, người H’Mông có đặc trưng của họ. Tày có đặc trưng của Tày. Bạn muốn phát triển như thế nào thì cứ việc, nhưng phải làm sao để khi nhìn vào người ta thấy ngay cái tinh chất, bóng dáng, tâm hồn phả ra của dân tộc ấy.

Tương tự, chèo, cải lương, hát bội… đều có đặc trưng. Những giá trị thẩm mỹ còn lại ngày hôm nay là sự chắt lọc từ đời này qua đời khác, thành một thứ văn hóa, không phải tự nhiên mà có. Như trong ngành múa của tôi, thời gian qua, người ta hay dùng cụm từ “múa dân gian đương đại”. Đó là sự kết hợp giữa dân gian và ngôn ngữ đương đại để tạo thành một thứ ngôn ngữ ở giữa, gọi là dân gian đương đại, hay là một cái gì khác. Tôi nghĩ, dân gian đương đại là gì, mọi người cũng đang đi tìm. Dân gian chỉ là một phần nhỏ của truyền thống.

Chuan muc nao khi cach tan truyen thong?

Bạn có thể lấy tích từ truyền thống để thể hiện xã hội hiện đại, diễn tả thông điệp mà bạn muốn gửi gắm. Như tôi làm vở múa Lưỡng diện, với hình ảnh hai chiếc mặt nạ đen - đỏ. Đen, tượng trưng cho nịnh thần. Đỏ, tượng trưng cho trung thần. Tôi mượn chiếc mặt nạ của tuồng xưa tích cũ để nói về con người, xã hội hôm nay - vẫn đấu tranh giữa các giá trị, vẫn phân vân giữa trung và nịnh, lúc thế này lúc thế khác, cho đến phút cuối cùng vẫn ở trạng thái lưỡng diện.

Câu chuyện ngày xưa không hề cũ trong xã hội ta đang sống. Trong suy nghĩ của tôi, truyền thống hay hiện đại, đương đại không phải là vấn đề. Vấn đề là câu chuyện đó như thế nào và cách triển khai ra sao.

 Đậu Dung (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI