PNO - Đó là lời phát biểu của NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, khi đề xuất hướng phát triển của nghệ thuật cải lương trong tương lai tại sự kiện mới đây.
Sáng 28/4 tại TP.HCM, Hội đồng lý luận - phê bình văn học - nghệ thuật trung ương phối hợp cùng Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và Đài tiếng nói Việt Nam tổ chức buổi hội thảo khoa học về nghệ thuật cải lương mang chủ đề Một thế kỷ hình thành, phát triển của nghệ thuật cải lương ở Việt Nam (1918 - 2018) để cùng thảo luận những vấn đề, khó khăn mà cải lương đang gặp phải và đề xuất giải pháp cũng như định hướng phát triển cho bộ môn này trong tương lai.
NSND Lê Tiến Thọ
Tại buổi hội thảo, các nghệ sĩ, nhà chuyên môn đã lần lượt chỉ ra những khó khăn mà cải lương đang gặp phải như thiếu thốn cơ sở vật chất, nhà hát, công tác đào tạo còn nhiều bất cập..., đồng thời nhấn mạnh quan điểm chung rằng cải lương cần phải có sự cải tiến lớn nếu muốn tồn tại và phát triển.
Nhận định về thực trạng hiện tại của nghệ thuật cải lương, NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam thẳng thắn cho biết cải lương hiện đang ở khúc quanh co đầy khó khăn của cơ chế thị trường, của sự bùng nổ thông tin, sự cạnh tranh khốc liệt. Vì thế, NSND Lê Tiến Thọ cho rằng đã đến lúc những người làm chuyên môn cần phải đánh giá toàn diện chặng đường đã qua và tìm ra giải pháp hữu hiệu nhằm bảo tồn và phát triển bộ môn này.
Theo NSND Lê Tiến Thọ, trong quá trình hình thành và phát triển, nghệ thuật sân khấu cải lương đã tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa của văn hóa thế giới để làm giàu cho bản thân mình. Cải lương đã có những sáng tạo độc đáo, hình thành từ nhạc lễ, đờn ca tài tử, từ ca ra bộ... Khi tiếp cận về đề tài xã hội, cải lương đã lược bỏ những trình thức sân khấu truyền thống để đáp ứng nhu cầu khán giả trong đời sống xã hội tiến bộ. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, cải lương đang mất dần sự thay đổi để thích nghi và gặp không ít khó khăn trong việc duy trì và bảo tồn bộ môn nghệ thuật này.
Bày tỏ về một số khó khăn chung của cải lương, NSND Lê Tiến Thọ cho hay: "Trong thời đại bùng nổ thông tin và cạnh tranh khốc liệt của thị trường giải trí, của các tác phẩm sân khấu, nghệ thuật cải lương phải được đầu tư đến nơi đến chốn. Thế nhưng, tình trạng của cải lương khắp nơi hiện nay vẫn đang loay hoay với cơ sở vật chất nghèo nàn, thiếu thốn và chưa đủ sức cạnh tranh. Khán giả đã quay lưng lại với sân khấu cải lương, vì vậy các nghệ sĩ không thể sống được với nghề nên nghệ thuật này ngày càng sa sút".
Không giấu được sự lo lắng, NSND Lê Tiến Thọ bộc bạch rằng cải lương còn gặp khó khăn về đội ngũ nhân lực khi các tác giả nghệ thuật, nghệ sĩ cải lương ngày càng thiếu vắng, công tác đào tạo còn nhiều bất cập. "Dù có nhiều cố gắng thời gian qua nhưng để đáp ứng nhu cầu hội nhập và phát triển của xã hội, đòi hỏi nội dung giáo trình giảng dạy phải được cải tiến nâng cao, phải có giáo viên có trình độ, kinh nghiệm", NSND Lê Tiến Thọ chia sẻ.
Đồng quan điểm với NSND Lê Tiến Thọ, NSND Trần Ngọc Giàu khẳng định: "Hình thức sân khấu của cải lương không có, chúng ta đang rất là nghèo, gần như nhà hát nào, sân khấu nào cũng giống nhau và tiến bộ nhất của sân khấu cải lương hiện nay là... có màn hình led, cái đã rất lạc hậu và cũng không ứng dụng nhiều cho cải lương mà chỉ phù hợp cho ca nhạc".
NSND Trần Ngọc Giàu
Ngoài ra, NSND Trần Ngọc Giàu còn cho biết thêm rằng sân khấu cải lương đang lúng túng nhất ở khâu âm nhạc.
"Trước đây thì có viết thêm vài bản, rồi thêm dàn nhạc Tây vào làm nhạc nền và đưa cả tân cổ giao duyên vào rồi người ta chắt lọc cái gì được, gì chưa được để cải tiến. Nhưng hiện nay, cải lương ở miền Nam, nhiều nhất là có được 3 cây đàn cổ, còn dàn nhạc mới làm nền thì hầu như bây giờ người ta chỉ sử dụng qua đĩa kỹ thuật số", ông nói.
Công tác đào tạo đối với cải lương cũng là điều mà NSNS Trần Ngọc Giàu cho rằng rất đáng để nói. "Ngay cả đào tạo đạo diễn chung cho lĩnh vực sân khấu, chúng ta hiện nay vẫn còn lúng túng chứ chưa nói đến dành riêng cho cải lương. Theo tổng kết hiện nay của tôi thì hầu hết các bạn ngôi sao cải lương không xuất thân từ trường sân khấu và đa phần những nghệ sĩ tài danh đều rất ít người biết vũ đạo", NSND Trần Ngọc Giàu nhận định.
Ở khía cạnh phục trang, NSND - Họa sĩ Lê Huy Quang thẳng thắn bày tỏ: "Phục trang cho sân khấu cải lương hiện đang bị lạm dụng quá đà, không thật với lịch sử làm mất đi nét đẹp của nghệ thuật cải lương. Ngoài ra, thiết kế sân khấu cho bộ môn này chưa có bản sắc riêng của cải lương".
Cũng trong buổi hội thảo khoa học, các nghệ sĩ, những nhà chuyên môn đã đề xuất những giải pháp để khôi phục và phát triển cải lương trong tương lai. Theo NSND Lê Tiến Thọ, vấn đề quan trọng bây giờ là tăng cường công tác nghiên cứu, lý luận phê bình, dành thời gian tổ chức nhiều buổi hội thảo, phải xây dựng đề án khoa học để phân tích chủ quan, khách quan khắc phục những hạn chế yếu kém, nâng cao chất lượng sáng tác, biểu diễn, đầu tư cơ sở vật chất để nghệ thuật cải lương trở lại với thời hoàng kim của mình.
Song song đó, với công tác đào tạo thế hệ trẻ kế thừa, NSND Lê Tiến Thọ cho rằng các cơ sở đào tạo cần xây dựng giáo trình, giáo án một cách khoa học, cần nghiên cứu để hoàn chỉnh hệ thống làn điệu, vũ đạo, phục trang, âm nhạc giữ gìn bản sắc dân tộc. Thường xuyên tổ chức sân khấu học đường, đưa cải lương vào trường học để học sinh am hiểu, đồng thời tổ chức truyền dạy, biểu diễn trích đoạn của nghệ thuật cải lương.
Nói thêm về chế độ chính sách, NSND Lê Tiến Thọ nhấn mạnh: "Nhà nước cần đầu tư cho nghệ sĩ sống bằng nghề, để các nghệ sĩ an tâm hoạt động nghệ thuật. Và cần chỉnh, sửa đổi luật Di sản, bởi nó ra đời đã lâu và tác động đến nghệ thuật biểu diễn còn rất hạn chế. Cần đưa nghệ thuật sân khấu truyền thống, trong đó có cải lương là nghệ thuật sân khấu phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp để có chế độ chính sách đầu tư thỏa đáng".
Bộ phim tài liệu Page One: Inside the New York Times phản ánh câu chuyện của báo chí đương đại với những thách thức trong kỷ nguyên mạng xã hội lên ngôi.