50 năm sau và những chuyện ở R

08/05/2018 - 12:00

PNO - Những chuyện ở R được cố nhà văn Lê Văn Thảo viết trong những năm tháng cuối đời, nhưng không kịp in.

Phải hơn một năm sau ngày tiễn đưa ông, gia đình mới cho ra mắt di cảo Ở R - Chuyện kể sau 50 năm (nhà xuất bản Văn hóa dân tộc).

50 nam sau va nhũng chuyẹn ỏ R

“Bản tính chậm, kém nhanh nhạy với cái mới, thích viết về kỷ niệm, những hồi ức xưa cũ... Cố viết chân thật, giản dị, tránh giáo huấn, phô trương. Dành khoảng trống cho người đọc” - những dòng tự bạch của cố nhà văn trên di cảo đủ để người đọc bùi ngùi. Sách cũng viết bằng giọng văn không màu mè, đi thẳng vào vấn đề như vậy và cuốn hút ngay từ trang đầu tiên, với cột mốc “Sài Gòn 1962” và tiêu đề chính: Lên đường.

Có thể nói, Ở R - Chuyện kể sau 50 năm như cuốn nhật ký đường rừng được ghi chép lại chi tiết đến từng bước chân. Lê Văn Thảo kể lại, chân thực, cẩn trọng về những năm tháng đã mãi mãi ở lại trong tuổi trẻ của ông và nay ở lại cùng cuộc đời. Ông đã viết rất nhiều tiểu thuyết, nhưng phải đến khi đọc Ở R - Chuyện kể sau 50 năm ta mới hình dung hết hành trình của cậu sinh viên toán “dân Sài Gòn” trở thành chiến sĩ, rồi tham gia công tác văn nghệ thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương cục miền Nam, Sư đoàn 9 bộ đội chủ lực miền Đông Nam bộ, đến chiến dịch Mậu Thân 1968…

Đọc di cảo của ông, ta sẽ hiểu hơn lý do vì sao lúc sinh thời, ông luôn viết về đồng bằng sông Cửu long, rừng U Minh, Đồng Tháp Mười hay những nhân vật có số phận hẩm hiu, bất hạnh. Những năm tháng sống trong lòng dân, trải qua biết bao gian khổ, chạm đến tận cùng những đau thương và đẹp đẽ nhất của phận người đã thành trang viết của ông sau này.

Hành trình ở R của cố nhà văn còn có hình ảnh của soạn giả cải lương Trần Hữu Trang, họa sĩ Trang Phượng, nhà thơ Viễn Phương, nhà văn Trang Thế Hy, Anh Đức, Lê Anh Xuân, Thép Mới… Có người trở về sau cuộc chiến, người đã hy sinh. 50 năm sau, ký ức của người trong cuộc, dù được kể lại bằng giọng văn lạc quan, mạnh mẽ vẫn khiến người đọc cay mắt.

“Trận lạc rừng khủng khiếp đã để lại ký ức khó quên trong tôi. Nhưng tôi không hề ác cảm với rừng, không một vết gợn hay một chút cảm giác nặng nề nào. Mười mấy năm sống chết với rừng, những vất vả gian truân càng khiến tình yêu của tôi với rừng thêm sâu đậm” - sự lạc quan này xuất hiện xuyên suốt những câu chuyện ở R của cố nhà văn.

Thậm chí trong khó khăn nguy nan cũng thấy được sự hài hước, dí dỏm của ông và đồng đội ở rừng. Ngay cả khi đối diện với cái chết, ông vẫn luôn tin rằng, mọi tai họa rồi cũng sẽ qua. Đó chính là niềm tin vào tri thức, ý chí và sức mạnh sinh tồn của bản thân, cũng là đức tin kỳ diệu nhất vẫn tồn tại trong mỗi con người. 

Bùi Tiểu Quyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI