100 năm cải lương: Những rạp hát ngày xưa, nay còn lại gì?

21/04/2018 - 13:00

PNO - Norodom, Nguyễn Văn Hảo, Aristo... từng là thánh đường của bộ môn nghệ thuật cải lương tại Sài Gòn. Nhưng qua thời gian, các rạp hát đã tồn tại dưới những hình hài khác.

Rạp Nguyễn Văn Hảo

100 nam cai luong: Nhung rap hat ngay xua, nay con lai gi?

Khoảng đầu thập niên 40 của thế kỷ 20, đại gia Nguyễn Văn Hảo mua đất và bắt đầu xây dựng rạp hát mang tên chính mình. Rạp toạ lạc trên đường Galliéni, nay là đường Trần Hưng Đạo. Cửa sau của rạp thông ra đường Bùi Viện.

Rạp được xây dựng gồm 3 tầng với 1.200 ghế ngồi. Với sức chứa lớn như thế, rạp Nguyễn Văn Hảo còn được gọi là rạp “hàng không mẫu hạm”. Nơi đây được xem là thánh đường của cải lương giữa lòng Sài Gòn. Các đoàn của 3 miền đều muốn có suất diễn tại nơi đây bởi lượng khán giả luôn đông đảo, môi trường thuận lại để phát triển việc diễn xuất…

Tuy nhiên, đến khoảng thập niên 70, rạp được đổi thành rạp chiếu phim. Sau năm 1975, rạo đổi tên thành rạp Công nhân. Nay, địa điểm này là nơi hoạt động của Nhà hát Kịch TP.HCM.

Những vở diễn nổi tiếng, gắn liền với rạp Nguyễn Văn Hảo như: Tây Thi gái nước Việt của gánh ông bầu Năm Châu biểu diễn, Đoàn chim sắt của gánh Hoa Sen, Lá của rừng xanh do đoàn Hương Mùa Thu của soạn giả Thu An diễn…                                                                                                             
Rạp Aristo (Trung ương hí viện)           

100 nam cai luong: Nhung rap hat ngay xua, nay con lai gi?
 

Trước năm 1954, Aristo là một rạp hát cải lương lớn ở Sài Gòn. Ban đầu, rạp chỉ là một khán đài nhỏ nằm trong nhà hàng, do lượng khán giả tăng cao nên chủ nhân đã biến khuôn viên nhỏ này thành rạp hát để phục tối đa nhu cầu.

Rạp Aristo nằm trên đường Colonnel Budonnet, là đường Lê Lai hiện tại. Sức chứa của rạp hát này là 800 khách, với những chiếc ghế được bọc bao nhựa màu đỏ giống như rạp chiếu phim thời đó.

Rạp Aristo gắn liền với khá nhiều đoàn hát danh tiếng thời bấy giờ như: gánh cải lương Phụng Hảo của bầu Nhơn, Phùng Há, gánh hát Nam Hồng của bầu Trình, gánh hát Hoa Sen của bầu Bảy Cao, gánh Việt Kịch Năm Châu của ông bầu Năm Châu… Đặc biệt, rạp Aristo là nơi gắn liền với danh tiếng của đoàn cải lương Kim Chung. Vở Trăng giãi đêm sương đã được đoàn Kim Chung điễn ở đây 40 suất liên tục.

Hiện tại, vị trí toạ lạc cũ của rạp Aristo là khách sạn 5 sao New World SaiGon.

Rạp Hưng Đạo                   

Rạp hát Hưng Đạo ra đời khoảng thập niên 60 của thế kỷ 20. Người đầu tư cho rạp Hưng Đạo là ông Nguyễn Thành Nhiệm, một chủ hãng nhập cảng xe hơi thời đó.                          
Khi ông này giao quyền quản lý cho em vợ, người này đã mời bà bầu Thơ mang đoàn cải lương Thanh Minh - Thanh Nga về đây biểu diễn. Rạp Hưng Đạo có 1.100 ghế, được bố trí máy lạnh. Vì thế, rạp thu hút rất đông khán giả kể cả thời tiết có nóng nực thế nào.

100 nam cai luong: Nhung rap hat ngay xua, nay con lai gi?
 

Tại đây, đoàn Thanh Minh - Thanh Nga đã có những vở diễn để đời cho khán giả như: Nửa đời hương phấn, Con gái chị Hằng, Đôi mắt người xưa, Ngã rẽ tâm tình, Vàng sáu bạc mười, Áo cưới trước cổng chùa, Hoa mộc lan... 

Ngoài Thanh Minh - Thanh Nga, rạp Hưng Đạo còn chứng kiến hoạt động sôi nổi của nhiều đoàn như: Hoa Sen (bầu Bảy Cao), Thống Nhứt (Út Trà Ôn - Hoàng Giang), Kim Chưởng Hương Mùa Thu (bầu Thu An), Dạ Lý Hương (bầu Xuân), Thủ Đô (bầu Ba Bản), Phước Chung…

Hiện tại, rạp Hưng Đạo đã được xây dựng mới, trở thành nhà hát cải lương Trần Hữu Trang. Tuy nhiên, rạp hát mới này lại trong tình trạng khó sử dụng khi khán đài, sân khấu quá nhỏ. Những vấn đề của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang vẫn còn gây tranh cãi khi đầu tư nhưng không mang lại hiệu quả.

Rạp Olympic

Rạp Olympic toạ lạc trên đường Hồng Thập tự xưa, nay là số 97, đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TP.HCM. Đây là rạp hát gắn liền với tên tuổi của đoàn Kim Chung khi nắm độc quyền rạp này trong khoảng 10 năm. Một số vở diễn nổi tiếng tại rạp Olympic như: Mạnh Lệ Quân, Lan và Điệp… Hiện tại, nơi này đang là Trung tâm Văn hoá TP.HCM.

100 nam cai luong: Nhung rap hat ngay xua, nay con lai gi?
 

Rạp Norodom

Rạp được dùng để xổ số kiến thiết mỗi tuần, có ca múa nhạc phụ hoạ. Đoàn Việt Kịch Năm Châu đã từng diễn ở rạp này vài lần. Sau nhiều thay đổi, rạp Norodom là trụ sở của Công ty xổ số kiến thiết TP.HCM. Tuy nhiên, gần đây, trụ sở này đã được dẹp bỏ để giao khu đất “vàng” số 23, Lê Duẩn, Q.1 cho một tập đoàn địa ốc, bất động sản đầu tư.

100 nam cai luong: Nhung rap hat ngay xua, nay con lai gi?

Rạp Thủ Đô

Rạp Thủ Đô còn gọi là rạp Eden Chợ Lớn, toạ lạc trên đường Tổng Đốc Phương, nay là số 125A, Châu Văn Liêm, Q.5. Nơi đây được xem là một trong những rạp có hoạt động cải lương sôi nổi tại khu vực Chợ Lớn. Ngoài cải lương, rạp Thủ Đô còn là nơi diễn ra các đại nhạc hội thời đó.

100 nam cai luong: Nhung rap hat ngay xua, nay con lai gi?

Hiện tại, “thánh đường” này đã trở thành trụ sở làm việc của Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM. Theo lời chia sẻ của người dân xung quanh, hiện tại rạp không còn bất kỳ suất diễn cải lương nào. Một vài poster nhuốm màu thời gian mà một vài năm trước đây còn được treo nơi phòng vé cũng đã bị gỡ bỏ.

Bước vào bên trong dễ dàng cảm nhận được không gian tối om và cảm giác hiu quạnh khi sân khấu không còn sáng đèn. Khu vực xung quanh rạp đã được bố trí cho một số người dân buôn bán nước uống, vé số…

Rạp Hào Huê       

Hào Huê cũng là cái tên từng gắn bó với đời sống tinh thần của người Sài Gòn xưa qua những tuồng cải lương đặc sắc. Sau đó, rạp được đổi tên thành rạp Nhân Dân. Nay rạp Hào Huê xưa là trụ sở, văn phòng của Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam. 

100 nam cai luong: Nhung rap hat ngay xua, nay con lai gi?
 

Rạp Thành Xương

Rạp hát Thành Xương ra đời được xem là một trong những rạp khang trang, hiện đại thời xưa. Rạp là nơi mà đoàn Thanh Minh của ông bầu Năm Nghĩa (sau là đoàn Thanh Minh - Thanh Nga do bà bầu Thơ quản lý), đoàn Phụng Hảo của nghệ sĩ Phùng Há… từng gắn bó. Tại đây, đoàn Thanh Minh từng thành công với vở Đứa con mang hai dòng máu. Trong khi đó, đoàn Phụng Hảo tạo dấu ấn với vở Khi người điên biết yêu

100 nam cai luong: Nhung rap hat ngay xua, nay con lai gi?

Về sau, rạp Thành Xương đổi tên thành rạp Diên Hồng và chuyển sang chiếu phim. Hiện tại, trên nền của rạp Thành Xương xưa là một nhà hàng, quán bar khá lớn, nằm ngay góc giao giữa Phạm Ngũ Lão và Yersin.                 

Rạp Lux (Lao động B)                                                    

Rạp Lux về sau được đổi tên là Lao động B (số 651, Trần Hưng đạo, Q.5 hiện tại). Sau này, rạp trở thành vũ trường Monaco và trung tâm giải trí. Vào năm 2016, UBND TP.HCM duyệt đề xuất đầu tư cải tạo cho địa điểm này theo hình thức BOT với tổng vốn khoảng 164 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay rạp này vẫn còn mang diện mạo cũ kỹ. 

100 nam cai luong: Nhung rap hat ngay xua, nay con lai gi?

Tại rạp này, vào năm 1977, cố nghệ sĩ Thanh Nga từng bị ám sát hụt. 2 nhạc công Trần Văn Mùi và Lê Hiếu Đức chết.

Rạp Cao Đồng Hưng

Rạp Cao Đồng Hưng nằm sát chợ Bà Chiểu, chỉ cần đi bộ vài bước là tới nơi. Nay rạp Cao Đồng Hưng là một nhà sách khá lớn, nằm trên đường Bạch Đằng, Q. Bình Thạnh. Đây được xem là rạp lớn và sang nhất khu vực Gia Định thời bấy giờ.

100 nam cai luong: Nhung rap hat ngay xua, nay con lai gi?

Ngoài chiếu phim, Cao Đồng Hưng cũng là một nơi thường diễn ra các tuồng cải lương của đoàn Thanh Minh - Thanh Nga… Năm 1978, rạp Cao Đồng Hưng trở thành sân khấu cuối cùng trong cuộc đời của nghệ sĩ Thanh Nga. Sau khi diễn xong vở Thái hậu Dương Vân Nga, nghệ sĩ Thanh Nga cùng chồng và con trai trở về nhà tại trung tâm TP và bị sát hại.

Rạp Huỳnh Long

Cách rạp Cao Đồng Hưng không xa là rạp Huỳnh Long. Rạp nằm trong chợ Bà Chiểu, trên đường Châu Văn Tiếp, nay là đường Vũ Tùng. Bước vào chợ hiện tại vẫn còn nhìn thấy sự hiện diện của rạp hát Huỳnh Long nhưng đã bị biến thành nơi giữ xe và các gian hàng bày bán xung quanh.

100 nam cai luong: Nhung rap hat ngay xua, nay con lai gi?
 

Rạp Huỳnh Long là nơi gắn bó với tên tuổi của đoàn Thái Dương 3 cùng hàng loạt gương mặt đình đám như: Diệp Lang, Phượng Liên, Kim Ngọc, Thành Được, Văn Chung…

Đình Thái Hưng

Nhắc đến những rạp hát gắn liền với lịch sử cải lương Việt Nam không thể quên đi Đình Thái Hưng, sau gọi là Đình Cầu Quan, nằm trên đường Yersin, Q.1. Đình Thái Hưng nằm sát bên rạp hát Thành Xương ngày xưa.

Đây là nơi gắn bó với 2 đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ và Huỳnh Long với hàng loạt gương mặt gạo cội như: Minh Tơ, Khánh Hồng, Huỳnh Mai, Bạch Cúc, Đức Phú, Thanh Tòng, Thanh Loan, Trường Sơn, Minh Tâm, Bạch Lê, Bạch Long, Thành Lộc, Trinh Trinh, Tú Sương, Quế Trân...

100 nam cai luong: Nhung rap hat ngay xua, nay con lai gi?

Dù hiện tại, cải lương không còn thịnh hành như xưa nhưng đình Thái Hưng vẫn duy trì một số suất diễn trong năm, đặc biệt là vào lễ hội Kỳ Yên hằng năm. Đây cũng là dịp các nghệ sĩ danh tiếng tề tựu về nơi đây, phục vụ miễn phí cho khán giả yêu thích cải lương.

Nay, Đình Thái Hưng vẫn còn mang chút dáng dấp của ngày xưa, xung quanh là nhà của nhiều hộ dân sinh sống.

Ngoài ra, linh hồn của cải lương xưa còn gắn bó với một vài rạp khác như:

100 nam cai luong: Nhung rap hat ngay xua, nay con lai gi?
Rạp Cây Gõ, nay là nhà sách Cây Gõ, từng là một rạp hát cải lương được nhiều người biết đến. Rạp toạ lạc trên đường Minh Phụng, Q.6, TP.HCM.
100 nam cai luong: Nhung rap hat ngay xua, nay con lai gi?
Rạp Văn Cầm (Phú Nhuận) ngày xưa từng là rạp chiếu bóng, sau đó có cho các đoàn cải lương thuê để diễn. Hiện tại, rạp Văn Cầm (Phú Nhuận) là trụ sở ngân hàng, điểm giao ngã ba Huỳnh Văn Bánh và Phan Đình Phùng.
100 nam cai luong: Nhung rap hat ngay xua, nay con lai gi?
Hiện tại, vào dịp lễ hội tại đình Cầu Muối (đình Nhơn Hoà) vẫn diễn ra các suất cải lương tuồng cổ, hát bội
100 nam cai luong: Nhung rap hat ngay xua, nay con lai gi?
Rạp Đông Nhì (sau năm 1975 đổi thành rạp 30/4) nằm ở đường Lê Quang Định, Gò Vấp. Từ khoảng cuối thập niên 80, rạp bắt đầu bị dẹp bỏ. Sau nhiều lần thay đổi, hiện tại vị trí rạp cũ đã được đầu tư cho một quán ăn khá hoành tráng.

Thuỵ Khuê
Ảnh: Thuỵ Khuê, tư liệu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI