Vết sẹo muôn đời

07/12/2017 - 06:00

PNO - Khi tôi lấy chồng, đã không còn trinh tiết, lại đang mang thai hơn hai tháng đứa con của người yêu đã đi vượt biên. Dấu ấn ấy đóng lên trán tôi như vết sẹo, vĩnh viễn phô ra cho mọi người bàn tán.

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Tôi năm nay 57 tuổi, có hai con; con trai đã có gia đình, con gái út sắp lấy chồng. Tôi có một chuyện băn khoăn, chắc ít người thông cảm, nhưng cũng nhiều người chung cảnh ngộ. 

Vet seo muon doi
Ảnh minh họa

Ngày trước, khi tôi lấy chồng, đã không còn trinh tiết, lại đang mang thai hơn hai tháng đứa con của người yêu đã đi vượt biên. Cha mẹ chồng tôi không cho đoàn rước dâu vô cửa chính mà tôi phải đi vòng từ cửa bếp lên. Đám cưới mà mặt mày cha mẹ chồng tôi không chút vui, còn mẹ tôi ở nhà khóc hết nước mắt.

Cả thời tôi làm dâu, chuyện ấy chưa bao giờ phai trong gia đình chồng. Hễ có dịp là họ lại nói xa nói gần, thấy con trai tôi giống ai cái gì là đem ra so sánh; kể chuyện người này người nọ từng được nhắm cưới cho chồng tôi, kiểu như anh lấy tôi là không xứng, phải “ăn đồ thừa” của thiên hạ. Dấu ấn ấy đóng lên trán tôi như vết sẹo, vĩnh viễn phô ra cho mọi người bàn tán.

Nay con gái tôi cũng đang có bầu trước khi cưới. Dù đó là cái thai của chồng sắp cưới và rằng anh chị sui tương lai của tôi cũng thoáng, có lẽ sẽ không có chuyện gì quá nghiêm trọng. Nhưng cứ nghĩ đến hoàn cảnh mình từng trải qua, tôi ước có thể làm gì đó cho con, để khi nó về nhà chồng được đường hoàng, cả cuộc đời sau này của nó cũng không bị “đóng dấu”, thành một vết sẹo nhục nhã như tôi ngày xưa. Xin chị cho tôi lời khuyên.

Trần Hạnh (TP.HCM)

Chị Hạnh thân mến,

Hạnh Dung hiểu chị thương con, không muốn con phải chịu những đau khổ mình từng gánh. Nhưng thời nay khác rồi chị ạ. Có thể, cái vết sẹo ấy vẫn còn trong tâm trí nhiều người, nhưng mình đã có những cách giải quyết khác. Đôi trẻ yêu nhau và đang tiến tới hôn nhân, cho dù có lỡ trước ngày cưới, thì đứa bé trong bụng vẫn là của hai bạn trẻ ấy.

Vet seo muon doi
Ảnh minh họa

Mình hãy coi đó cũng là chuyện may mắn, nên vun vào, nên giữ gìn và giúp chúng sớm kết hôn để chuẩn bị đón em bé chào đời. Đám cưới tổ chức ở nhà hàng thì cô dâu chú rể chắc chắn sẽ đi vô bằng cửa chính, trên thảm đỏ. Các cô gái bây giờ cũng đủ bản lĩnh để vượt qua chuyện này nhẹ nhàng hơn chị ngày trước.

Nỗi ám ảnh của chị chính là quãng đời làm dâu và định kiến của cha mẹ chồng, làng xóm. Nay nếu con gái cũng bị định kiến ấy, chị có thể giúp con ở riêng, tránh những chì chiết, nhắc nhở của cha mẹ chồng. Điều quan trọng là đôi vợ chồng trẻ được hạnh phúc. Hiện nay nếu ở thành phố lớn, cũng không ai bàn tán gì chuyện này. Chị có thể nói chuyện với con rể tương lai, xem chàng ta định thế nào, rồi theo đó mà tìm cách giúp đôi trẻ, sao cho chuyện này là một việc mừng, một niềm vui, chứ không phải là chuyện “thất thế” của nhà gái.

Chị đừng tự làm khổ mình với những suy nghĩ kiểu gắn hai mẹ con vào cùng một tai họa, một lỗi lầm. Nghĩ vậy nặng nề lắm, lại chẳng ích gì. Chị cũng không nên nuôi mãi cảm giác về vết sẹo đó, để rồi kể tới kể lui, khắc lên cuộc đời con gái mình một vết sẹo khác.

Chúc chị bình tĩnh, tận hưởng niềm vui khi con gái thành gia thất, vượt qua định kiến để sống vui cùng con cháu.

Hạnh Dung

Thư cho Hạnh Dung, quý vị gởi về:

hanhdung@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI