Trẻ phạm tội: Có thể “xé nháp”?

13/10/2014 - 19:30

PNO - PN - Tôi nhận thấy trẻ vị thành niên, lứa tuổi học sinh phổ thông thường dễ vi phạm vào các nhóm tội: trộm cắp, cưỡng đoạt tài sản; cố ý hoặc vô ý gây thương tích; làm nhục người khác (lột quần áo bạn, đánh bạn rồi quay...

edf40wrjww2tblPage:Content

Điều đáng nói là sau khi sự việc bị phát giác hoặc bị bắt giữ, nhiều em ngây thơ khai rằng mình hành động như vậy là không có gì vi phạm hoặc không biết, không nghĩ là phạm pháp. Một số phụ huynh cũng cho rằng hành vi của con mình là vi phạm nhưng “tụi nhỏ” sẽ được “xé nháp”, bỏ qua, không bị truy cứu trách nhiệm…

Nói chung, vẫn còn rất nhiều trẻ em và cũng không ít bậc phụ huynh rất mơ hồ kiến thức pháp luật. Xin được chia sẻ những điều cần biết về pháp luật liên quan đến trẻ như sau:

Về tuổi chịu trách nhiệm hình sự: Theo quy định tại điều 12, Bộ luật Hình sự thì người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội; người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Tre pham toi: Co the “xe nhap”?

Tội rất nghiêm trọng là tội gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy đến 15 năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên 15 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Như vậy, cho dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng nếu tại thời điểm phạm tội đã đủ độ tuổi theo các quy định trên, thì vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về xử lý hành chính: Đối với những trường hợp trẻ phạm tội khi chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định nói trên, hoặc đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, thì có thể áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Trường hợp phạm tội nghiêm trọng hoặc trước đó đã áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà tái phạm thì áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng.

Về trách nhiệm dân sự: Theo quy định tại điều 606 Bộ luật Dân sự, người chưa thành niên dưới 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu.

Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.

Để trẻ không phạm tội, có thể học hành đỗ đạt, thành công trong cuộc sống, phụ huynh nên tận dụng nhiều kênh thông tin để trang bị kiến thức pháp luật cho cả mình lẫn con em. Biết để tránh. Không thể tuyên truyền cứng nhắc bằng cách mua sách luật bắt trẻ đọc mà có thể tạo điều kiện cho trẻ tìm đến những chương trình phổ biến kiến thức pháp luật trên tivi, báo chí. Khi chuyện trò, họp mặt gia đình, phụ huynh nên thường xuyên lồng vào những vụ án, câu chuyện đáng tiếc đã xảy ra của người khác để trẻ hiểu thêm, rút kinh nghiệm.

 Luật sư HUỲNH MINH VŨ
(Đoàn Luật sư TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI