Gã gàn mê rối

30/06/2019 - 07:28

PNO - Hằng ngày, anh kiếm kế sinh nhai bằng nghề mộc, lấy nghề mộc 'nuôi' ham mê đẽo tạc, phục dựng những quân rối cổ của làng mình.

Xét ở góc đảm bảo cho người thợ mưu sinh, thì “đẽo rối” chưa bao giờ là “nghề”. Nhưng ở Chàng Sơn (huyện Thạch Thất, TP.Hà Nội), bao đời nay “đẽo rối” vẫn được trân trọng, xem là cái “nghề” thiêng liêng của làng xã, dòng tộc. Nguyễn Văn Viên là hậu duệ đẽo rối đời thứ sáu của dòng họ Nguyễn Văn. Hằng ngày, anh kiếm kế sinh nhai bằng nghề mộc, lấy nghề mộc “nuôi” ham mê đẽo tạc, phục dựng những quân rối cổ của làng mình.

Lời nguyền “mất nghề thì tuyệt tự”

Quê anh Viên không phải là nơi duy nhất của xứ Đoài (Sơn Tây xưa) có loại hình rối nước, nhưng cái đặc sắc và độc đáo làm nên một Chàng Sơn không lẫn vào đâu được là phường rối này chỉ biểu diễn rối nước bằng chính những quân rối do phường mình tạo nên, tuyệt đối không mượn hay mua từ nơi khác về. Người Chàng Sơn chỉ nắm được “lịch sử” rối nước làng mình từ 5-6 đời trước, còn gốc tích ra sao thì không ai biết được. Chàng trai 8X Nguyễn Văn Viên cũng thế, anh chỉ biết đã vài trăm năm nay, những quân rối xanh đỏ đã theo cụ kỵ, ông bà của mình lặn lội trên bờ, dưới nước.

Ga gan me roi
Anh Nguyễn Văn Viên, hậu duệ đời thứ sáu của nghề đẽo rối Chàng Sơn

Đẽo rối chưa bao giờ là nghề, càng không phải là công việc có thể kiếm được tiền, nó chỉ là thú chơi tao nhã lúc nông nhàn của người nông dân hai sương một nắng. Nhưng không phải vì thế mà đẽo rối không “gia truyền”. Dòng họ Nguyễn Văn chuyên đẽo rối phục vụ cả trong và ngoài phường rối nước Chàng Sơn, trưởng phường đầu tiên là cụ Trúc Nguyên (thường gọi là cụ trùm Nguyên), cụ trùm Nguyên truyền cho con trai là trùm Hữ, trùm Luật là đời thứ ba, quản Tân là đời thứ tư, trùm Dậu là đời thứ năm; anh Viên đời thứ sáu, mới là phó phường rối Chàng Sơn nên chưa được gọi là trùm.

Ông trùm Dậu bây giờ là bác ruột của Viên, chính ông đã phát hiện sự tài hoa và cái duyên với nghề nơi người cháu ruột, thế là ông Dậu trút được nỗi lo canh cánh về lời nguyền “đời nào để nghề rối thất truyền thì tuyệt tự”.

Người làng bảo: Thằng này, có khi hâm!

Những năm chiến tranh, phận rối nước cũng trầm luân, chìm nổi, ao làng không còn những tích trò quen thuộc, nhiều người diễn rối phải bỏ đi bạt xứ. Ông trùm Dậu bác anh cũng phải gánh gồng những quân rối xanh đỏ lang thang lên tít tận mảnh đất địa đầu tổ quốc - Hà Giang. Khi đã sang nửa cuối đời người, ông trùm Dậu trở về quê với nỗi đau đáu của người con phường rối; và hơn thảy là bởi gánh nặng tìm người nối nghiệp đẽo rối. Khi gom tất cả đinh nam trong dòng họ lại để các cháu tìm hiểu về truyền thống trưởng phường của gia tộc, thấy đôi mắt cậu bé Viên lấp lánh, chăm chú mỗi lúc cầm quân rối trên tay; ông Dậu đã đinh ninh cậu bé này sẽ sớm thay mình đảm nhận nhiệm vụ trưởng phường.  

Ga gan me roi
Những quân rối cổ của phường rối nước Chàng Sơn

Năm Nguyễn Văn Viên vừa tốt nghiệp cấp III, vẫn đang ấp ủ thực hiện giấc mơ tiếp tục học hành thì phường rối Chàng Sơn được Quỹ Thụy Ðiển - Việt Nam phát triển văn hóa (thường gọi là quỹ Ford) tài trợ kinh phí tạo tác mới quân trò, phục dựng lại một số tiết mục cổ. Cái máu của con nhà nòi luôn trong huyết quản, nên đam mê của Viên được khơi dậy. Mặc các bạn đồng lứa thi cử rồi đi học đại học, cao đẳng, học những nghề được xem là hợp thời, Viên đăng ký tham gia lớp học của quỹ Ford. Bạn bè bảo Viên gàn, thời nào rồi mà còn đắm đuối với mấy quân rối nổi nênh, người làng thì bảo: thằng này, có khi hâm.

Viên chỉ cười hiền và lẳng lặng làm. Mãi sau này, khi chia sẻ với những người đến tìm hiểu về phường rối Chàng Sơn, anh mới tâm sự: ban đầu anh theo học chỉ đơn giản là vì quá… phục cha ông, tại sao các cụ lại có thể đẽo được những quân rối có hồn đến thế, sao lại diễn được những tích, những trò sinh động, lôi cuốn thế. Càng về sau anh càng thấy mình yêu thương và gắn bó với nó. Viên cởi mở, thân thiện, dám nghĩ dám làm, nói được làm được đúng chất trai làng; song cách nói chuyện của anh khá khúc chiết, diễn đạt mọi thứ bằng suy nghĩ của một người có tri thức. Anh bảo tiền bạc cũng quan trọng, nhưng biết thế nào là giàu bây giờ, cứ phải sống và làm cho thỏa đam mê trước đã.

Những tích trò cổ...…“hiện đại”

Chàng Sơn không điều khiển rối bằng sào mà bằng dây, vì thế mà quân rối có thể đi rất xa, dù bán kính thủy đình có rộng đến hàng chục mét - đó là điều khiến phường rối Chàng Sơn khác với hầu hết các phường rối khác. Song cũng vì thế mà đòi hỏi phải rất công phu, người điều khiển quân rối phải là người vừa có tài, vừa có duyên với nghề; ấy là còn chưa kể sự khéo léo, tính toán tỉ mỉ, khoa học sao cho mỗi cử động tay của người biểu diễn có thể tạo ra những chuyển động phức tạp của con rối. Điều đó đồng nghĩa, việc chế tác những quân rối của Chàng Sơn cũng đòi hỏi kỹ thuật chi tiết hơn, phức tạp hơn rất nhiều. Nhưng Nguyễn Văn Viên đã làm được.

Ga gan me roi
Múa rối nước - loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo của nước ta

Tích “Dâng trầu mời khách”, cậu bé để tóc trái đào trèo cau hái quả cho bà têm trầu thì khắp đồng bằng Bắc bộ, phường rối nào chẳng có. Nhưng từ trước đến giờ, cậu bé - quân rối chỉ trèo lên được ngọn cau rồi tụt xuống thôi, còn việc hái cau chỉ mang tính ước lệ. Vậy mà Viên đã làm được “sự lạ”. Khi quân rối do anh chế tác được đưa ra biểu diễn, cậu bé ba chỏm trèo lên ngọn, đưa tay với lấy buồng cau, buồng cau xanh rơi xuống, dưới đất (thực tế là mặt nước) bà cụ già móm mém, quần áo nâu sồng, chít khăn mỏ quạ giơ tay đỡ trọn được cả buồng cau.

Ở tích “Dâng trầu mời khách”, từ trước đến giờ, cậu bé - quân rối chỉ trèo lên được ngọn cau rồi... tụt xuống, còn việc hái cau chỉ mang tính ước lệ. Viên muốn cậu bé ba chỏm trèo lên ngọn, đưa tay với lấy buồng cau, buồng cau xanh rơi xuống, dưới đất (thực tế là mặt nước) bà cụ già móm mém, quần áo nâu sồng, chít khăn mỏ quạ giơ tay đỡ trọn được cả buồng cau. Và… không một ai tin Viên có thể làm được.

Rồi tích trò “Câu cá” nữa, trước đây cá được gắn sẵn vào đầu dây, hành động câu cá của quân rối chỉ là tượng trưng. Thế nhưng cũng dưới bàn tay khéo léo của Viên, tích trò ấy bỗng sáng bừng và sinh động hơn bao giờ hết. Chú rối cá tự do tung tăng bơi lội, ngay sát khán giả; đến lúc cắn câu, chú vùng vẫy làm tung tóe nước, vít cong cả chiếc cần câu trong tay quân rối người đóng khố.

Để thổi được những nét tươi mới tưởng như đơn giản đó vào các tích trò truyền thống, Nguyễn Văn Viên đã gặp nhiều khó khăn. Ban đầu anh vấp phải những suy nghĩ cố cựu của các bậc bô lão trong nghề, các cụ bảo cá gỗ mà bơi riêng rồi mới bị cắn câu, lại bị nhấc lên được thì đúng là truyện… cổ tích. Không một ai tin là Viên có thể làm được. Thế nhưng bằng tri thức, tình yêu và sự đam mê, Viên đã dần chinh phục được các cụ trong phường, và hơn cả, là chinh phục được khán giả, kéo khán giả lại gần hơn với thủy đình, rối nước.

Ga gan me roi

Gần hai mươi năm cần mẫn vừa hành nghề mộc để làm kế sinh nhai, vừa đăm đắm vào chế tác từng quân rối, anh Viên mới tạm ưng được hơn mười “nhân vật”. Đứng trước những quân rối cổ đã sứt sẹo, mốc thếch, anh ngẩn ngơ: bây giờ kỹ thuật tiên tiến, nhưng thực sự không thể nào tạo ra được những quân rối có hồn như các cụ. Với tôi, nó là báu vật vô giá. 

Ga gan me roi

Uông Ngọc 
Ảnh: Nguyễn Nam Long

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI