Đừng đùa dại với trẻ

09/10/2016 - 15:28

PNO - Ai có con nhỏ đều nhận thấy vấn đề đau đầu nhất là cha mẹ nói mà trẻ không nghe lời. Và đây là nguồn gốc cho tất cả những căng thẳng, mệt mỏi, thậm chí bạo lực trong gia đình.

Người lớn nào cũng muốn trẻ nghe lời mình, kể cả cha mẹ ở nhà và thầy cô giáo ở trường, nhưng điều này không phải tự nhiên mà có. Vấn đề mấu chốt khó khăn và quan trọng nhất trong việc nuôi và dạy một đứa bé chính là thiết lập giao tiếp hai chiều để xây dựng mối quan hệ truyền thông hiệu quả.

Hãy lắng nghe trẻ

Liệu có bao nhiêu người hiểu trước khi người lớn nói để trẻ nghe thì người lớn cần phải lắng nghe trẻ? Bạn có để ý rằng, ngay từ khi con trẻ được sinh ra chính bạn là người lắng nghe trẻ trước tiên dù lúc đó trẻ chưa biết nói.

Bạn cố gắng học cách giải mã và hiểu tất cả những phản ứng của trẻ, cố gắng hiểu đúng những tín hiệu và thông điệp mà trẻ phát ra thông qua những lần cựa mình, những tiếng khóc để đáp ứng trẻ.

Bạn phân biệt được đâu là tiếng khóc do trẻ đói, do bé lạnh, do bé đau bụng hay đầy hơi… Rồi bạn tìm mọi cách để làm trẻ hài lòng, vui vẻ, bình tĩnh… Vậy mà qua thời gian, khi trẻ dần lớn lên, cha mẹ và người lớn trong nhà không còn dành cho trẻ sự nhẫn nại và bao dung này nữa, không còn cố gắng hiểu những thông điệp con đưa ra, không còn dành thời gian để xây dựng và thiết lập sự giao tiếp như ban đầu.

Dung dua dai voi tre
Ảnh mang tính chất minh họa. Shutterstock

Khi trẻ càng lớn, những giao tiếp dần phát triển theo hướng áp đặt một chiều là: dù thế nào thì người lớn nói sao trẻ phải nghe như vậy, người lớn đã dần bỏ qua việc tìm hiểu xem con mình thực sự muốn gì trong từng cử chỉ và hành động.

Ngay từ ngày đầu tiên con tôi có mặt trên đời này, cho đến bây giờ bé được gần bốn tuổi, tôi luôn cố gắng áp dụng quy tắc giao tiếp hai chiều. Cụ thể là:

- Chiều từ trẻ con: Trẻ nói (hoặc phát ra tín hiệu khi chưa biết nói) --> người lớn lắng nghe --> giải thích đúng sai, đầy đủ thông tin --> cho phép trẻ tự quyết định chọn lựa những điều cơ bản --> trẻ thấy được tôn trọng --> vâng lời.

- Chiều từ người lớn: Người lớn nói --> trẻ nghe --> cảm thấy an tâm --> tin cậy --> vâng lời.

Hiện nay, vấn đề thường gặp là nhiều người lớn hay trêu đùa trên cảm xúc của trẻ, cố tình nói những điều không đúng sự thật mà họ nghĩ đơn giản là vui đùa, nhưng hậu quả sâu xa là trẻ tổn thương --> mất lòng tin --> không vâng lời --> việc truyền thông giữa người lớn và trẻ con bắt đầu bị phá hỏng.

Nếu chúng ta muốn trẻ ngoan ngoãn, vâng lời, trước tiên xin hãy tôn trọng cảm xúc và những phản ứng của trẻ. Hãy lắng nghe trẻ và dành thời gian để giải thích cho trẻ. Chính kiểu suy nghĩ của người lớn: “Trẻ con mà, chúng đâu biết gì” đã bỏ qua nhu cầu được lắng nghe của trẻ và không thừa nhận ý kiến trẻ. Và vì thế, chúng ta vô tình tạo ra sự bướng bỉnh ở trẻ.

Tránh tiếng đùa tổn thương

Những ngày đầu, khi mới gửi con đi học, lúc bé khoảng hai tuổi, ngày nào tôi đến đón con đều thấy con mừng rỡ. Lúc đầu tôi tưởng con mừng kiểu bình thường vì cả ngày mới gặp mẹ, nhưng sau đó tôi biết được mấy cô trong lớp có đùa rằng: “Mẹ Alex quên đón con luôn rồi” nên chiều nào con trai tôi cũng lo mẹ bỏ quên, đến khi thấy mẹ thì phần nhiều mừng là do không lo bị mẹ bỏ quên nữa.

Ở nhà tôi cố gắng xây dựng giao tiếp và thiết lập lòng tin bao nhiêu thì đi ra ngoài chính những người lớn với những lời đùa vô ý đã phá hỏng hết. Thật sự, luôn có nhiều người lớn cảm thấy thích thú khi nhìn trẻ lo lắng, sợ sệt, lúng túng vì những lời đùa.

Thông thường, khi tôi yêu cầu mọi người đừng đùa với con kiểu vậy thì sẽ bị phản ứng, kiểu làm gì mà khó khăn vậy, “chỉ là đùa thôi mà”. Tuy nhiên, họ không hiểu hết những tác hại của những lời đùa vô ý, không hiểu rõ ranh giới đâu là đùa và đâu là lạm dụng cảm xúc của trẻ.

Chính những lời đùa tưởng vô thưởng vô phạt này của người lớn cứ lặp đi lặp lại sẽ làm trẻ tổn thương, mất niềm tin với lời nói của người lớn và dần dần sẽ không vâng lời nữa, chưa kể những tác hại nguy hiểm khó lường khác. Như gần đây có trường hợp một bé gái đã vô ý làm em mình tử vong vì những người xung quanh hay trêu đùa rằng mẹ có em nên không còn thương bé nữa.

Trẻ con không phải là đồ chơi để người lớn mua những tràng cười. Người lớn xin hãy nhớ nhé!

Nhất Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI