Nếu để trẻ làm và mọi việc hư hỏng hết thì sao?

15/05/2017 - 06:30

PNO - Dạo gần đây, vợ chồng tôi thường xuyên cãi nhau, lý do đều xoay quanh việc làm sao để dạy con tính tự lập

Con trai tôi đã lên tám tuổi nhưng cháu không tự xúc cơm ăn mà bắt bà ngoại bón, không biết tự thay quần áo, đi tắm hay làm những việc nhỏ khác để chăm sóc bản thân.

Neu de tre lam va moi viec hu hong het thi sao?
Ảnh minh họa

Tôi mới sinh bé gái được năm tháng nên không thể dành thời gian chăm cháu đầu, và mỗi khi nhờ cháu giúp đưa tã cho em, hay tự soạn sách vở… thì cháu lại ỳ ra, bảo “con không biết làm”. Mỗi lần như thế, chồng tôi lại quát cháu ầm ĩ và quay sang cự tôi đã quá nuông chiều con.

Anh ấy nói không sai vì tôi vốn sinh khó, lấy chồng 5 năm mới sinh cháu nên tôi đã dành mọi ưu tiên trong cuộc sống cho con, không yêu cầu cháu phải làm gì. Giờ nhận ra sai lầm của mình nhưng tôi không biết nên bắt đầu từ đâu để dạy cháu tính tự lập, có trách nhiệm với bản thân.

Lê Thị Bích Thủy
(Q.5, TP.HCM)

Nói với trẻ “Con hãy tự làm, hãy tự suy nghĩ”

Tôi xin không bàn vào sai lầm của chị Thủy khi lẽ ra chị phải dạy con tính tự lập từ khi bé còn nhỏ. Giờ cháu nhà chị đã lên tám tuổi, đã có thể làm rất nhiều việc để chăm sóc mình.

Chị không nên tiếp tục làm thay cho cháu mà hãy bảo “con nên tự mình làm việc này”: nếu không xúc cơm ăn, con sẽ đói; nếu không tự đi tắm, con sẽ dơ bẩn; nếu không soạn sách vở, con sẽ không học tốt được; nếu không tự thức dậy buổi sáng, con sẽ trễ giờ đến lớp…

Kèm với việc bảo con tự làm, người lớn nên hướng dẫn cháu những bước đầu tiên để thực hiện việc ấy. Quan trọng là vợ chồng chị phải cương quyết và mềm dẻo để uốn con từ từ, không gây sốc khi bỏ ngang, không du di để cháu nương theo đó mà thoái thác. Tương tự, anh chị cũng không nên trả lời ngay mọi câu hỏi của cháu, mà bảo “con hãy nghĩ xem, mẹ không biết”, hoặc cùng cháu phân tích vấn đề đó để tạo cho trẻ thói quen tư duy.

Để làm được việc này, trước tiên, chị Thủy cần thay đổi quan điểm của mình trong việc đánh đồng tình thương con với việc thay con làm mọi việc. Dạy con tự lập từ những việc nhỏ nhất chính là cách chị trang bị cho cháu những kỹ năng sống để cháu dần trưởng thành.

Trần Chiến
(Q.Thủ Đức, TP.HCM)

Đừng sợ con mệt, con đau

Khi con gái đầu lòng của tôi được hai tuổi, một buổi sáng, tôi gọi con vào bếp giúp mình dọn chén ăn cơm. Bà nội cháu la: “Sao con lại hành hạ con bé như thế, lỡ bể chén rơi vào chân nó, chảy máu thì sao?”.

Neu de tre lam va moi viec hu hong het thi sao?
Ảnh minh họa

Tôi giải thích với bà, mọi việc nếu mình đã chủ động và cẩn trọng thì không gây nguy hiểm, quan trọng là dạy cháu cách chia sẻ và sống có trách nhiệm. Bé đã rất vui khi được mẹ yêu cầu giúp đỡ. Tôi đưa cho con từng cái chén một, hướng dẫn con xếp lên bàn ăn, bày muỗng đũa ra sao cho gọn đẹp.

Mẹ con tôi cùng “chơi” với nhau như thế qua nhiều “trò” khác như quét nhà, xếp quần áo, dọn đồ chơi… Cháu lớn dần lên thì cũng được ba mẹ giao thêm nhiều việc khác hợp với sức vóc. Tôi không bao giờ phải réo gọi con thức dậy buổi sáng, không cần soạn sách vở, quần áo cho con mỗi ngày, kể cả việc tết tóc, chải đầu, bé cũng tự làm rất khéo và đẹp.

Để cháu hợp tác và dần có thói quen tự chăm sóc và chia sẻ việc nhà như thế, tôi đã biến mọi việc thành một nhu cầu của con khi khích lệ bé tham gia, hướng dẫn và ngợi khen. 

Hiện nay, cháu lên chín tuổi và đã tự mình hoàn thành một bữa cơm đơn giản với món trứng chiên, rau luộc, canh bí đao nấu tôm khô. Khi tôi đi công tác xa, cháu thay mẹ chăm em trai hai tuổi và dạy em những điều mà ngày trước tôi đã “chơi” cùng cháu.

Tôi thấy thực tế trẻ rất thích được làm việc này việc kia, nhưng do tâm lý e ngại, sợ con mệt, con đau, sợ hư hỏng đồ đạc mà cha mẹ ngăn cấm con làm. Đây chính là sai lầm mà chúng ta phải loại bỏ. Ai cũng có những bước đầu tiên để từ vụng về đến dần quen và thành kỹ năng.

Hãy hướng dẫn trẻ, cho con hiểu đó là việc con có thể làm và cha mẹ luôn ở cạnh để hỗ trợ. Khi đã quen việc, trẻ sẽ có nhu cầu được làm, được thể hiện và dần hình thành tính cách tự lập, không ỷ lại, sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm với người khác.

Đỗ Thị Bích Ngọc
(Q.Gò Vấp, TP.HCM)

Nuôi dưỡng tinh thần tự lập cho trẻ

Tôi rất tán đồng ý kiến của anh Chiến và chị Ngọc. Trẻ em phải được dạy dỗ và uốn nắn từ nhỏ, đặc biệt là việc nuôi dưỡng cho trẻ tinh thần tự lập.

Cha mẹ làm thay con mọi việc, không chỉ hình thành thói lười biếng nơi trẻ, mà tai hại hơn, trẻ sẽ nghĩ chúng có quyền được người khác phục vụ, và sẽ mang tính ỷ lại, vô cảm, không chia sẻ trách nhiệm với người khác.

Lớn lên, trẻ sẽ như những chú gà công nghiệp, không biết làm gì, luôn dựa dẫm vào người khác từ tư duy đến hành động. 

Do vậy, ngay từ khi trẻ lên một – hai tuổi, bé đã thích thú được tự mình làm việc này việc kia. Đừng ngăn cản trẻ, mà cha mẹ cần hướng dẫn và giúp con an toàn khi thực hiện việc ấy. Có thể bạn sẽ hỏi: “Nếu để trẻ làm và mọi việc hư hỏng hết thì sao?”.

Đúng vậy, ngay lần đầu, con trẻ không thể làm mọi việc thuần thục như người lớn, hỏng việc, đổ bể là chuyện dễ hiểu và chấp nhận được. Ngoài việc hướng dẫn và giúp đỡ con, cha mẹ không nên nóng ruột mà phải để trẻ trải nghiệm hậu quả, chỉ cho trẻ thấy nguyên nhân vì đâu, và nên như thế nào.

Những trải nghiệm từ hậu quả ấy sẽ “đánh” vào lòng tự trọng của trẻ, khiến bé có ý thức điều chỉnh, điều này cũng giúp trẻ hình thành thói quen phản xạ với tình huống thực tế và tìm cách giải quyết. Trẻ cũng sẽ nỗ lực thay đổi để tự mình làm tốt mọi việc. Đây chính là cách cha mẹ giúp trẻ nuôi dưỡng tính tự lập và trách nhiệm.

Chuyên viên tâm lý Võ Linh Lan

Mi Hân
(thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI