Lo cho con, lỡ chuyện lấy vợ

29/12/2016 - 07:16

PNO - Ông xin các con cho mình được lấy vợ, dù đã 76 tuổi. Không phải ham hố gì, mà trong lòng ông muốn chia sẻ gánh nặng cuối đời với các con, theo câu của người xưa “Con chăm cha không bằng bà chăm ông”.

Cuối năm ngoái, sau lễ mừng thọ 75 tuổi, ông Nguyễn Khoa Đồng (xã Yên Đồng, Tam Dương, Vĩnh Phúc) có ý định… cưới vợ. Đem chuyện hệ trọng ấy ra bàn với anh con trai út Nguyễn Khoa Học, ông Đồng phân tích rành rẽ: “Các con thông cảm và đừng cười cha. Con cháu đi làm xa hết, ở nhà đơn độc tuổi già buồn lắm. Cứ gọi là góp gạo thổi cơm chung, ông bà chăm sóc lẫn nhau, các con cũng yên tâm mà làm ăn”.

Lúc đầu vợ chồng anh Học cười lăn vì ý định của người cha già, nhưng nghĩ lại, họ thấy việc ấy là hợp lý. Vậy là hai người âm thầm đi tìm vợ cho cha. Việc lớn chưa đâu tới đâu, thì tháng 12 năm 2015, ông Đồng ngồi xe máy ông bạn già chở đi thăm bệnh, bị một thanh niên chạy ẩu tông vào. Ông bạn bị gãy mất bốn cái răng cửa, ông Đồng bị bánh xe tông trực diện, gãy nát ống chân trái. Tuổi cao, sức yếu nên không thể phẫu thuật bó lại xương, sau hai tháng, ông Đồng bị hoại tử chân, phải cắt bỏ trên đầu gối. Vừa xót thân, vừa tiếc tiền các con tốn kém chạy chữa, lại tan vỡ chuyện lấy vợ, ông Đồng gầy sút chỉ còn hơn ba chục ký.

Ở Yên Đồng, mấy chục năm nay người làng quen với cảnh người đàn ông gầy gò làm nghề khâu chăn bông nuôi mấy đứa con mồ côi mẹ. Ông Đồng được hai người con gái, cuối đời may mắn sinh được cậu con trai nối dõi. Nhưng có lẽ do tuổi cao, nên việc sinh đẻ của vợ ông Đồng không được suôn sẻ, cậu Học mới được 18 tháng thì mẹ mất.

Ông Đồng khi đó tròn 50 tuổi, ôm con đi khắp làng xin bú chực. Không xin được sữa thì nấu cháo, nghiền lọc lấy nước cho con uống. Những năm đầu thập niên 1980, cuộc sống vô cùng thiếu thốn. Con còn nhỏ phải chăm nom, không thể đi làm xa được, kinh tế gia đình ông kiệt quệ vì thời gian chạy chữa bệnh rồi tang ma cho vợ quá tốn kém.

Lo cho con, lo chuyen lay vo
Ông Đồng ở nhà con trai tại Pleiku

Hai người con gái lớn đều lấy chồng xa, ở tận Gia Lai và Bình Phước, không giúp cha được gì. Vừa chăm sóc con nhỏ, vừa tranh thủ nhận chăn bông về làm, hai cha con rau cháo nuôi nhau. Cực nhất là ban đêm con nhỏ nhớ mẹ khóc ngằn ngặt, dỗ được con ngủ thì trời sắp rạng. Nhiều người đánh tiếng mai mối cho ông Đồng chỗ này, chỗ kia.

Rồi cũng có một hai người phụ nữ có hoàn cảnh dở dang, vì thương ông mà muốn ghé vai cùng gánh chuyện gia đình. Ông Đồng chẳng phải gỗ đá gì, nhưng nghĩ cảnh con thơ, mẹ ghẻ thì không đành lòng. Cứ như vậy, mười mấy năm vất vả nuôi con, đến khi Học 14 tuổi, vừa đi học, vừa tranh thủ bán bánh mì kiếm tiền, chiều về ra đồng chăm ngô, lúa giúp cha.

Ngày con trai tốt nghiệp lớp 12, ông Đồng mừng đến phát khóc, làm một mâm cơm cúng vợ, thông báo cho bà biết. Rồi mấy năm sau, tuy tuổi già, ông Đồng vẫn đạp xe đi Tuyên Quang, Yên Bái làm nghề chằm chăn bông, nuôi tiếp con trai út học trung cấp cơ khí. Ra trường, anh Học vay vốn làm nghề kinh doanh chăn, gối, nệm ở Pleiku (Gia Lai).

Năm 2010, ông Đồng cưới vợ cho con, mừng vì có cháu gái nội. Rút kinh nghiệm cuộc đời, ông khuyên các con đừng câu nệ con trai, con gái, cố mãi rồi khổ. Một việc ông luôn nhắc nhở các con là phải chí thú, thật thà trong làm ăn, đừng thấy thất bại mà vội nản. Lấy tấm gương đời mình ra để chứng minh, chịu đựng gian khổ thì mới thành công.

Thấy bản thân còn khỏe, vẫn lao động được, ông lo việc gia đình, ruộng nương cho vợ chồng con trai đi làm ăn xa. Mừng vì thấy con chăm chỉ, không cờ bạc, rượu chè. Từ mấy chục triệu đồng tiền vốn ban đầu, vợ chồng anh Học đã mua được xe tải chuyên chở hàng hóa. Kinh tế gia đình đã tạm ổn, ông Đồng định bàn với các con cho mình được lấy vợ, vừa có người tâm sự, chia sẻ vui buồn, vừa tiện trông nom chăm sóc nhau lúc con cháu vắng nhà.

Ai ngờ tai nạn ập xuống, ông trở thành phế nhân. Từ đầu năm nay, ông Đồng theo con trai vào Gia Lai cho con cháu tiện việc chăm sóc. Xa quê đối với người già là việc bất đắc dĩ, nhưng ông Đồng không muốn các con vì cha mà bỏ công việc. Ông cười vui: “Nhờ cái chân què, tôi mới được đi máy bay, mới biết thế nào là Tây Nguyên”.

Nén lại nỗi nhớ nhà, nhớ bạn già, nhớ cây đa đầu xóm, ông Đồng mỗi sớm, chiều ráng tập đi nạng, chờ lắp chân giả: “Không làm được gì, thì trông nhà cho con cháu. Nhắc nhở cháu nội học bài”. Tự nhủ trong lòng như vậy, ông mong tới ngày mình tự đi được bằng đôi nạng hay chiếc chân giả, ông lại về quê chăm sóc vườn tược, nuôi thêm gà vịt, chờ con cháu mỗi cuối năm đoàn tụ.

Nơi đất khách quê người, ông vẫn nhắc các con làm ăn chân chính, giữ chữ tín để trụ được lâu dài. Anh Học lúc vui miệng lại hỏi chuyện cưới vợ của cha: “Bây giờ có bà nào chịu làm mẹ kế, mỗi tháng con biếu thêm ba triệu đồng!”. Ông Đồng lắc đầu: “Tập trung làm ăn đi, đừng lo việc đó nữa. Cha không muốn trút gánh nặng lên vai một người phụ nữ”.

Hoàng Chương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI