Đưa ứng dụng QR code vào triển lãm nghệ thuật

18/03/2019 - 11:53

PNO - Thay vì mã vạch truyền thống hạn chế về thông tin, mã QR đang dần được ứng dụng nhiều hơn, trên khắp thế giới, trong nhiều lĩnh vực của đời sống, kinh tế, xã hội.

#VIETNAMME 01 - triển lãm nhiếp ảnh tĩnh vật của tác giả Khoachim (tên thật là Trần Lê Trọng Nghĩa), diễn ra ngày 23-24/3, tại số 7 Hồ Xuân Hương, Q.3, TP.HCM là một trong vài triển lãm ít ỏi tại Việt Nam đưa ứng dụng QR Code vào để công chúng hiểu sâu thêm về tác phẩm.

Thay vì mã vạch truyền thống hạn chế về thông tin, mã QR đang dần được ứng dụng nhiều hơn, trên khắp thế giới, trong nhiều lĩnh vực của đời sống, kinh tế, xã hội. Ở Việt Nam, QR Code cũng bắt đầu được đưa vào dự án văn hóa - nghệ thuật, vì những tính năng ưu việt.

Hiểu nôm na, QR Code là một ma trận mã vạch chứa đa dữ liệu như: liên kết đến trang web, hình ảnh, thông tin, chi tiết về sản phẩm… Với dung lượng lên tới 40.000 số và/hoặc chữ số, QR có thể đọc nhanh hơn, tiết kiệm thời gian và không gian so với các loại mã vạch truyền thống (chỉ giới hạn 20 số/chữ số).

Dua ung dung QR code vao trien lam nghe thuat

Triển lãm #VIETNAMME 01 sẽ được ứng dụng QR Code để cung cấp thêm thông tin cho công chúng

Trước dự án cá nhân của Khoachim, nhân ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11) và kỷ niệm di tích cung An Định tròn 100 tuổi (1917-2017), Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế từng tổ chức triển lãm chủ đề 100 năm cung An Định, cũng đưa QR Code vào, nhằm giúp công chúng khám phá di tích này từ nhiều góc độ lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc và tạo hình, trong bối cảnh giao lưu văn hóa Việt Nam và phương Tây thời cận đại.

Dù được mệnh danh là mã vạch của thế hệ mới và đã được thế giới sử dụng từ lâu, tại Việt Nam, hình thức này vẫn còn xa lạ. Triển lãm #VIETNAMME 01 lấy Việt Nam làm cảm hứng chủ đạo, nên khi chọn QR Code - vốn là ứng dụng gần gũi với người trẻ, Khoachim mong muốn những câu chuyện Việt Nam, văn hóa truyền thống có thể dễ dàng tiếp cận công chúng trẻ, tránh gây “buồn ngủ” - cảm giác quen thuộc khi đi xem triển lãm nghệ thuật ở Việt Nam; mà vẫn thể hiện được tinh thần đương đại khi khai thác, quảng bá yếu tố Việt Nam/truyền thống theo một cách mới mẻ. Khoachim nói: “Văn hóa Việt Nam/truyền thống phải sống được trong bối cảnh hiện đại, tiếp nhận cảm hứng toàn cầu, nhưng vẫn phải luôn giữ được bản sắc nội tại”.

Dua ung dung QR code vao trien lam nghe thuat

Anh nói thêm, việc ứng dụng QR Code vào triển lãm nghệ thuật không quá tốn kém. Hiện nay, mọi dòng điện thoại thông minh đều phát triển nền tảng này và ai cũng có thể tự tạo cho mình một mã QR, nếu chịu khó tìm hiểu. Tuy nhiên, ở Việt Nam, nhiều nghệ sĩ vẫn chưa biết để đưa vào nghệ thuật. Khoachim nói, khi đi xem triển lãm nghệ thuật, khán giả rất muốn biết nội dung, quá trình sáng tác tác phẩm cũng như những câu chuyện đằng sau đó; nhưng đôi khi nghệ sĩ lại không có mặt lúc đó để chia sẻ hoặc không có thời gian trao đổi với từng người, thì QR Code là một giải pháp tốt. QR Code có tính tương tác rất cao, ở nhiều góc độ, không chỉ giữa nghệ sĩ và khán giả, mà ở cách khán giả tương tác với tác phẩm, không dừng lại ở văn bản mà còn bằng video, âm nhạc…

Tuy nhiên, cũng theo tác giả này, để đưa QR Code vào, trước đó, nghệ sĩ phải chuẩn bị nội dung, nguồn dữ liệu chu đáo, phong phú và hấp dẫn. Nếu không, QR Code cũng chỉ là cái vỏ rỗng, “khoe mẽ” mà thôi. 

Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI