Đã làm tất cả cho con, ba mẹ vẫn chết lặng khi con nói 'Con chỉ mong được sáng mắt'

09/05/2017 - 10:21

PNO - Bù vào đôi mắt, Việt Hoa có một năng khiếu âm nhạc tuyệt vời. Từ nhỏ, khi nghe nhạc Hoa đã biết ê a hát theo, tay bấm “từng tứng tưng” trên phím cây đàn đồ chơi.

Nhà cô bé Nguyễn Phạm Hoàng Việt Hoa nằm khuất sâu trong dãy hành lang thăm thẳm của chung cư. Tôi đến trước cửa, vừa mở lời: “Con ơi, làm ơn cho cô hỏi thăm…”, thì cô gái nhỏ đang đong đưa trên ghế, trước mặt là cái laptop, đã nhanh nhảu: “Dạ Việt Hoa mời cô vào nhà. Ba mẹ con đang đợi cô”.

Chưa kịp ngạc nhiên vì sao một cô bé khiếm thị có thể phân biệt khách lạ hay quen, Việt Hoa đã nói tiếp: “Con mời cô ngồi”, rồi quay sang tiếp tục công việc của mình trên máy vi tính. Tôi nhận ra em đang điều khiển máy bằng âm thanh.

Da lam tat ca cho con, ba me van chet lang khi con noi 'Con chi mong duoc sang mat'
Gia đình bé Việt Hoa

Cứu con bằng mọi giá

Anh Nguyễn Ngọc Hòa bước ra tiếp khách, nhẹ nhàng bảo con: “Việt Hoa mở cho cô xem chương trình cuộc thi tài năng Young hit young beat mà con lọt vào top 10 đi”. “Dưới trăng, dòng sông trôi rất dịu dàng. Như dải lụa vàng xuôi về phương Đông…” - lắng nghe giọng hát ngọt ngào của con cất lên bài Đêm Gành Hào nghe điệu Hoài lang, vai anh Hòa khẽ run.

Đến giờ, hai vợ chồng - anh Ngọc Hòa và chị Thúy Hằng, vẫn chưa thể quên nỗi sợ khi đón đứa con gái đầu lòng chào đời cách đây 14 năm. Chị Hằng bị chứng hở eo tử cung bẩm sinh nhưng không biết, nên đã sẩy thai hai lần trước khi có Việt Hoa. 

Vì vậy, Việt Hoa chào đời khi mới 6,5 tháng, chỉ nặng một ký hai trăm năm mươi gam! Con nhỏ xíu, phải nằm lồng ấp trong bệnh viện suốt nửa tháng. Hoa không biết bú, phải đút ống để bơm sữa cho bé. Lồng ấp quá tải, anh chị ôm con về nhà. Thỉnh thoảng Việt Hoa lại bị tím tái, ngực thoi thóp, lại phải tức tốc chạy đi cấp cứu. 

Gia đình, họ hàng xúm vào phụ đôi vợ chồng trẻ nuôi bé. 30 ngày đầu cũng trôi qua. Cha mẹ chưa kịp thở phào vì trông bé đã cứng cáp được một chút, thì bạn bè đến thăm, khuyên nên đưa Việt Hoa đi kiểm tra, trẻ sinh non dễ mắc nhiều di chứng. 

Và rồi, chị Hằng đã suýt ngã lăn ra đất khi nghe bác sĩ thông báo con bị bong võng mạc hoàn toàn, không chữa được. Ôm con về, hai vợ chồng hỏi thăm bạn bè khắp nơi, tìm hiểu mọi thông tin liên quan, nuôi cái hy vọng mong manh “có bệnh thì vái tứ phương”. Nghe một người bạn nói, bệnh của Hoa có thể chữa được nếu đưa sang… Mỹ, hai vợ chồng nhìn nhau nước mắt lưng tròng. Anh chị quyết định bán căn nhà là quà tặng ngày cưới của cha mẹ hai bên. Không một chữ tiếng Anh “lận lưng”, anh chị cũng liều gom tiền bạc, ôm con lên đường.  

Đến Mỹ, anh chị ăn nhờ ở đậu nhà bạn bè, đồng ý cho con lên bàn mổ dù bác sĩ dự đoán chỉ có 1% hy vọng thành công. Hậu phẫu - về nhà - tái khám. Cái vòng quay thử thách lặp đi lặp lại. 

Với tâm niệm “còn nước, còn tát”, gia đình nhỏ của anh chị tổng cộng đã đi về nước Mỹ đến bảy lần, bé Hoa đã mổ mắt ba lần. Cuối cùng thì bác sĩ kết luận: “Gia đình phải kiên nhẫn chờ khoa học tiến bộ hơn, chờ nghiên cứu gắn con chíp vào dây thần kinh thành công, sẽ áp dụng cho bé Hoa”, tất cả như chấm hết!

Ba biết con mơ ước gì không?

Da lam tat ca cho con, ba me van chet lang khi con noi 'Con chi mong duoc sang mat'
Em Việt Hoa

“Cô coi nè, giờ con sẽ tự một mình đi mua bánh” - Việt Hoa hồn nhiên nói với tôi, như muốn phá vỡ bầu không khí đang lắng xuống trong phòng. Nhìn con khuất sau cánh cửa, anh Hòa cười buồn: “Tôi đã như chết lặng khi một lần nghe con hỏi: “Ba biết con ước mơ gì không? Con ước mơ con được sáng mắt!”.

Rồi từng ngày, dù vẫn chưa chạm được đến ước mơ cháy bỏng của đứa con gái đáng thương, anh chị cũng đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống vì con. Đầu tiên là mày mò lên mạng tìm nơi cho con đi học. Biết thông tin về Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, vợ chồng mừng chảy nước mắt.

Chị Hằng quyết định cầm tấm bằng tốt nghiệp sư phạm của mình đến trường, vừa xin việc cho mẹ, vừa xin nhập học cho con. Chị lại nỗ lực học tiếp để có tấm bằng giáo dục đặc biệt để đáp ứng yêu cầu của trường, chỉ với mong muốn được làm giáo viên tại trường, có nhiều thời gian ở cạnh con.

Anh chị chuyển chỗ ở từ Bình Chánh về quận 10 để đưa con đến đến trường được gần hơn. Xáo trộn mọi thứ nhưng nhìn đứa con gái bé bỏng ngày một lớn, vui vẻ, hoạt bát, anh chị biết mình đã đi đúng hướng. 

Bù vào đôi mắt, Việt Hoa có một năng khiếu âm nhạc tuyệt vời. Từ nhỏ, khi nghe nhạc Hoa đã biết ê a hát theo, tay bấm “từng tứng tưng” trên phím cây đàn đồ chơi. Vậy là ngoài giờ học ở trường, hai mẹ con lại “trên từng cây số” để Việt Hoa học đàn, học hát, học thêm tiếng Anh. Lại nghe mọi người động viên, chị liều sinh thêm đứa con, để sau này Việt Hoa “có chị có em” mà nương tựa.

Mười tháng ròng chỉ nằm yên một chỗ, cuối cùng chị cũng có thêm một bé trai. Cuộc sống quay về nhịp cũ. Sáng sáng ba mẹ con chở nhau đến trường, chiều về nhà. Khác chăng là Việt Hoa ngày một lớn, dần đỡ đần được cho cha mẹ nhiều việc. Việt Hoa có thể tự lần mò di chuyển một mình trong nhà, trong chung cư, ở trường học. Hoa còn biết bắc nồi cơm, rửa rau giúp mẹ.

Câu chuyện của chúng tôi thỉnh thoảng lại bị ngắt quãng vì Việt Hoa muốn khoe với khách những chương trình biểu diễn của em. Cha mẹ say sưa ngắm nhìn đứa con gái xinh xắn cất tiếng ca ngọt ngào.

Tôi nhìn bé trên màn hình - biểu diễn truyền hình trực tiếp đêm giao thừa, tham gia cuộc thi tài năng nhí tận Hà Nội, hát ở phòng trà Đồng Dao, mà hình dung lại những vất vả cha mẹ em đã cắn răng vượt qua.

“Ai trong hoàn cảnh của chúng tôi cũng sẽ làm vậy thôi - gắng hết sức làm tất cả những gì tốt nhất cho con. Ước nguyện lớn nhất của vợ chồng tôi là con có thể sống bình thường như mọi người, trưởng thành có thể tìm được việc làm, không phải gánh chịu những mặc cảm, thành kiến. Được vậy, sau này cha mẹ có già yếu mất đi, cũng yên lòng nhắm mắt”. Giọng người mẹ rưng rưng.

 Khánh Thủy

Từ khóa acb
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI