Mẹ thật tàn nhẫn khi đổ căm hờn người đàn ông bạc bẽo lên con

17/05/2017 - 11:08

PNO - Mẹ đã từng phẫn nộ khi biết một ông bố ném con xuống đất vì giận vợ, nhưng hành động của mẹ còn tàn nhẫn hơn rất nhiều.

Mấy hôm nay, con bị sốt nhẹ. Bà ngoại cứ giục mẹ đưa con đi khám nhưng mẹ chần chừ. Một phần vì việc tổ chức hội nghị khách hàng sắp tới khá bận rộn, phần vì mẹ chủ quan, nghĩ con sốt do mọc răng, đứa trẻ nào chẳng vậy.

Me that tan nhan khi do cam hon nguoi dan ong bac beo len con
Ảnh minh họa

Mẹ không đủ quan tâm để biết hàm răng của con đã gần đủ, chỉ còn vài cái chưa đến tuổi mọc. Bởi thế, mẹ vẫn đi sớm về khuya, chẳng hoảng hốt khi bà bảo con bỏ ăn cả ngày, cứ chỉ tay vào đầu rồi kêu đau.

Mẹ còn gằn giọng với bà: “Đừng chiều nó quá, đau tí đã kêu la inh ỏi, sau này còn làm được gì hay lại “rửng mỡ” như thằng bố nó”. Bà lặng người rồi thở dài rất khẽ, có lẽ bà sợ chạm phải vết thương lòng mà mẹ cố gắng che giấu bấy lâu. 

Từ ngày bố mẹ ly hôn, mẹ như trở thành con người khác, lúc nào cũng sẵn sàng xù lông, tức giận, kể cả với con. Con mới hơn ba tuổi, ốm yếu, xanh xao, được mẹ giao về cho bà ngoại chăm sóc. Mẹ lao vào làm việc chỉ để khẳng định “cái tôi” của mình, để bố thấy không có chồng, mẹ vẫn rất ổn.

Bà thương con và thương cả mẹ, nhưng ở độ tuổi hơn 70, bà không còn đủ sức khỏe để đảm đương mọi việc. Vì cái chân đau mà bà chỉ quanh quẩn ở nhà, chẳng thể đi đâu xa. Bởi thế, khẩu phần ăn của con phụ thuộc hoàn toàn vào bàn tay chăm lo của mẹ. Mà mẹ nào đâu có thời gian quan tâm, lúc nào cũng chỉ cháo gói trứng gà, thỉnh thoảng thêm cháo dinh dưỡng nấu sẵn vừa nhanh, vừa tiện.

Bà xót cháu đau yếu, giục mẹ mua đồ tẩm bổ cho con. Mẹ lại gắt gỏng: “Đứa trẻ nào lúc nhỏ chẳng ốm, lớn lên khắc sẽ to khỏe. Ngày xưa con uống nước cơm mà giờ có thua ai đâu”.

Me that tan nhan khi do cam hon nguoi dan ong bac beo len con
Ảnh minh họa

Và rồi, mẹ cứ thế vùi đầu vào công việc để thực hiện mục tiêu mua nhà, sắm xe cho bố “sáng mắt” ra. Mẹ phải thừa nhận rằng, con rất giống bố, mỗi lần nhìn con, quá khứ đau buồn lại ùa về làm tim mẹ đau nhói. Mẹ đã rất vô lý khi đổ cả nỗi căm hờn người đàn ông bạc bẽo lên con. 

Lần này, con không ốm bình thường như mẹ nghĩ. Bởi vài ngày sau, con bắt đầu bị chảy máu cam, sốt cao bất thường. Bà gọi xe đưa con tới bệnh viện trong tình trạng kiệt sức, trong khi mẹ đang mải miết chọn món cho bữa tiệc sắp tới. Bác sĩ chẩn đoán con bị suy dinh dưỡng nặng và có triệu chứng của bệnh viêm não.

Nhìn con nằm thoi thóp trên giường bệnh, mẹ sợ đến run người. Cảm giác sắp mất con làm mẹ không thể thở được. Con từng là niềm hạnh phúc vô bờ của mẹ nhưng vì bố, mẹ đã tước đoạt của con quyền được thương yêu. Từng giây từng phút đợi chờ con tỉnh lại đối với mẹ dài hơn cả thế kỷ. Vì đâu mà con ra nông nổi này? Phải chăng vì mẹ quá thờ ơ với con? Mẹ đã rất ích kỷ khi chỉ nghĩ đến bản thân mình.

Mẹ không nhận ra, khi gia đình tan vỡ, con là người thiệt thòi nhất. Thay vì bù đắp tổn thương cho con, mẹ lại tìm kiếm cách trả thù trong vô vọng. Bàn tay bé nhỏ kia thường co rúm lại sau những lời quát mắng vô lý của mẹ giờ đang chằng chịt vết kim tiêm.

Đôi chân chạy thoăn thoắt đón mẹ mỗi khi đi làm về giờ nằm bất động. Khuôn miệng nhỏ xinh líu lo đủ thứ chuyện giờ tái nhợt không sức sống, đôi mắt đượm buồn lúc nào cũng rơm rớm nước mắt giờ cứ nhắm nghiền không chịu mở. Hình hài của con do mẹ sinh ra, sao mẹ nỡ dày vò đến tội nghiệp?

Đến giây phút này, mẹ mới hiểu, tài sản quý giá nhất của mẹ chính là con. Chỉ cần con “tai qua nạn khỏi”, mẹ sẵn sàng vứt bỏ hết tất cả. Mẹ đã từng phẫn nộ khi biết một ông bố ném con xuống đất vì giận vợ, nhưng hành động của mẹ còn tàn nhẫn hơn rất nhiều. 

Mẹ biết mình sai rồi, hãy cho mẹ thêm một cơ hội để được yêu thương và chăm lo con, con nhé! 

 Hà Lam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI