Thoát kiếp 'tầm gửi'

11/10/2017 - 15:00

PNO - Kiếm được tiền, em yên tâm gửi con ở nơi tốt, sắp xếp công việc để đến phòng tập yoga, tìm lại vóc dáng, khoác lên mình những chiếc váy sắc màu.

Hơn ba năm trước, một tối đầu đông mưa lất phất, em bế con sang phòng tôi, hai mắt đỏ au, giọng nghèn nghẹn: “Chị quen biết rộng, hỏi giùm em xem có chỗ nào cần người làm không, làm gì cũng được, em phải kiếm tiền thôi. Chứ không người ta coi em là gánh nặng”. “Người ta” ấy là chồng em.

Thoat kiep 'tam gui'

Người đàn ông đã lỡ dở hạnh phúc một lần, khi đến với em cũng chỉ có công việc đủ nuôi sống bản thân. Còn em, vừa tốt nghiệp đại học nông nghiệp, đang làm nhân viên bán thuốc thú y. Tình yêu thôi thúc em “góp gạo thổi cơm chung” cùng anh. Rồi em mang thai, cuộc hôn nhân đến nhanh hơn dự định, bởi sợi dây ràng buộc là đứa con đã tạc rõ hình hài.

Mang thai, ốm nghén hành em phờ phạc. Anh bảo em nghỉ làm, chuyện kiếm tiền để anh lo. Công việc lái xe tuyến đưa đón công nhân cho một công ty lớn khiến anh phải xa nhà thường xuyên, rồi còn nhận chạy tăng cường các tuyến khác, mỗi tuần về nhà được mấy tiếng lại đi. Không phải nghĩ chuyện tiền bạc, song nhiều khi em tủi thân khi phải tự mình chăm sóc bản thân, đi khám thai một mình, thích ăn gì thì tự nấu…

Em sinh mổ, đặt dịch vụ theo yêu cầu nên ngày sinh con, em chủ động bắt taxi vào viện. Anh phải chạy tuyến xa nên ba ngày sau mới thấy mặt con. Em buồn vô hạn, nhưng không nỡ buông lời trách cứ.

Từ khi có con, những chuyến đi của anh ngày càng dài ra. Em loay hoay với con, vất vả như bao bà mẹ bỉm sữa khác. Nhưng rồi chuyện “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt” nảy sinh, anh lái xe trong tình trạng không tỉnh táo, va quệt người ta, đền bù cả mấy chục triệu. Vợ chồng bắt đầu không vừa ý nhau từ những điều rất nhỏ. Anh cáu gắt khi thấy nhà tắm bừa bộn, con khóc quấy không cho anh nghỉ ngơi, càm ràm khi thấy chậu quần áo chưa kịp giặt…

Thoat kiep 'tam gui'
Ảnh minh họa

Rồi anh có nhân tình. Chị ta là công nhân, thường xuyên đi tuyến xe của anh, lại ở gần trạm lưu xe của công ty. Chị thường giặt hộ anh bộ quần áo, mua hộ anh con dao cạo râu không lấy tiền, nấu cho anh những bữa cơm gọi là “cùng ăn cho vui”. Anh nhận sự quan tâm ấy như cánh đồng khô hạn gặp mưa rào. Người ấy ngang nhiên nhắn tin thách thức em. Em sốc nặng. Khỏi phải nói em đau lòng thế nào.

Những khoản tiền anh đưa về ngày một ít. Những cuộc cãi vã vô lý ngày một nhiều. Vì con còn quá nhỏ, gửi trẻ chẳng ai nhận, em gắng gượng qua ngày. Em không chờ mong ai kia có thể dứt bỏ “cơn nắng” ấy, chỉ là lúc này, bé con đi vững rồi, chuyện ăn uống cũng đã dễ dàng hơn, đến lúc em phải thả con ra và kiếm tiền.

Tôi giới thiệu cho em công việc dọn nhà cho người nước ngoài. Mỗi ngày em làm việc khoảng 7-8 giờ, lau dọn nhà cửa, giặt giũ. Lương tháng hơn mười triệu đồng, trừ các khoản chi phí sinh hoạt cho hai mẹ con, em còn dư hơn ba triệu. Khoản thu nhập dần giúp em thoát kiếp “tầm gửi”. Em có thể mua cho mình đôi giày, cái áo mới, hay một thỏi son môi - những thứ suốt hai năm qua em không bao giờ nghĩ tới.

Thoat kiep 'tam gui'
Ảnh minh họa

Được ít lâu, em tìm mua những dụng cụ cần thiết, bắt đầu thử nghiệm chế biến các mặt hàng từ thực phẩm sạch như chà bông tôm, cá, thịt, các sản phẩm chế biến từ củ, quả… Em có duyên bán hàng - cái duyên của sự thật thà trên trang facebook làm người ta thích thú. Khách hàng của em ào ào tới. Công cuộc kinh doanh nhộn nhịp, em ngày càng nhạy bén và vui vẻ. Sản phẩm của em bắt đầu vào được các siêu thị nhỏ, có mặt ở các cửa hàng tạp hóa. Người ta tin tưởng dùng và giới thiệu, em mạnh dạn thuê mặt bằng kinh doanh, làm nhiều bán nhiều. Chưa đầy ba năm, em thành bà chủ nhỏ.

Em không còn nơm nớp lo sợ thiếu tiền những lúc con ốm, không còn cảm giác lúc nào cũng phải gồng lên để khỏe mạnh. Giờ em có thể nghỉ ngơi, đưa con về ngoại chơi cả tuần mà không cần phải chi ly tính toán. Kiếm ra tiền, em thấy mình có quyền quyết định con học ở đâu, sẽ mặc gì trong buổi tiệc, ăn thứ mình thích, mua thứ mình cần… Em không tự mãn mà nói không cần lương của chồng. Em cho người đàn ông của mình cơ hội, để anh cuối cùng đã hiểu rằng kẻ dại dột là người tự tay hất đổ bát cơm của mình chỉ vì những tô phở bán đầy ngoài đường. 

Cuối tuần rồi, em ghé thăm tôi, xinh đẹp và rạng rỡ. Bé con năm sau vào lớp Một, thông minh lém lỉnh, tự lập và rất ngoan. Nhìn con chơi đùa, em cười tươi, bảo: “Thực tâm em đã lo sợ rất nhiều khi bắt tay vào việc kiếm tiền sau khoảng thời gian dài phụ thuộc kinh tế. Nhưng là phụ nữ, dù chỉ kiếm vài triệu đồng mỗi tháng, chúng ta cũng có thể “khiêu chiến” với những chật vật rồi. Biết kiếm tiền, em thấy bản thân mình đáng trân trọng, đáng tự hào và đầy quyền năng”.

Mai Đình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI