Thảm kịch có thể không xảy ra

16/03/2018 - 12:00

PNO - Những bữa ăn trưa cứ dày hơn, vượt qua những lời răn đe, những hố sâu, những vực thẳm mà tôi biết là rất khủng khiếp. Nếu tôi không ngừng lại, mọi thứ sẽ thành tro bụi...

Một dòng tin nhỏ trên báo mạng đập vào mắt tôi: “Hai đứa trẻ bỗng chốc mồ côi vì bố giết mẹ rồi tự sát”. Bất chợt, tôi buông thõng mọi thứ, ngẩn ngơ... Cuộc sống chưa khi nào nhỏ bé mong manh như những ngày này. Lúc nào ta cũng có thể đọc được những dòng chữ lạnh lùng kia. Chồng giết vợ, vợ giết chồng, để rồi, dường như mình cũng chẳng còn muốn tìm hiểu nguyên nhân, lý do, lý giải.

Tham kich co the khong xay ra
 

Khói lửa hôn nhân

Tôi từng vướng vào một cơn bão lòng với người bạn cũ. Khi đi qua, bình tâm lại, tôi cũng không thể giải thích được cảm giác ấy là gì. Nó như một cảm xúc cũ đã chôn vùi hàng thế kỷ, tự dưng được khơi gợi lại, bừng sáng và gây nghiện. Tôi tin rằng, khi vướng vào cảm giác gây nghiện ấy, rất khó để giấu được cảm xúc. Làm sao có thể giấu được lúc mình vu vơ cười một mình, săm soi mình thật lâu trước gương, tô lại son môi, ngắm mình thật kỹ. Làm sao giấu được ánh mắt lấp lánh vui. Người đàn ông trong nhà mình, dù có vô tâm, rồi cũng sẽ nhận ra những thay đổi đó.

Tôi nhớ chồng mình đọc được tin nhắn do người đàn ông kia gửi, trong điện thoại của tôi. Cũng chẳng phải yêu đương mùi mẫn gì, chỉ là “Trên đời này, chỉ một mình em hiểu anh”, vậy thôi, nhưng tôi biết bão tố đang ập xuống cuộc hôn nhân của chúng tôi. Anh gào lên, nhào tới như muốn ăn tươi nuốt sống tôi. Chưa khi nào anh bị kích động như thế. Phản ứng của tôi khi ấy, có lẽ cũng là của nhiều phụ nữ khác: ngồi yên, trơ ra, bởi sự sợ hãi đã khiến mọi giác quan đông cứng. Người khác có thể la hét lại, thách thức rằng “bà đã có một chỗ dựa”, chẳng còn sợ điều gì nữa. Có người sẽ len lén gửi đi một tin nhắn “Chồng em có lẽ đã biết... gì rồi”, để bên kia an ủi “Cứ bình tĩnh, có anh đây mà”.

Mỗi người có khả năng tự kiềm chế khác nhau, nên những trận cãi vã dẫn đến thảm kịch gia đình thường xuất phát từ sự thách thức, từ việc tỏ vẻ không hối lỗi, từ việc tin rằng mình chẳng làm gì sai hoặc những gì chồng mình nói chỉ là những suy diễn vô căn cứ.

Từ tin nhắn ấy, anh đinh ninh rằng, tôi và người đàn ông kia chắc chắn đã qua lại với nhau lâu rồi và tin nhắn ấy chỉ là tin tôi muốn giữ lại. Chồng tôi đúng. Đàn bà thường có ý giữ lại những gì mình trân quý. Những dòng chữ kia, với tôi ngày ấy, cứ như ma lực, dù biết để lại chẳng có gì hay ho, nhưng tôi không thể xóa bỏ. Đó cũng chính là mầm mống của những bi kịch hôn nhân.

Tham kich co the khong xay ra
Ảnh minh họa

Làm mát những cơn bốc hỏa

Cô bạn thân của tôi cũng từng có cơn say nắng với chính mối tình đầu. Chỉ cần đọc được dòng chữ “Giờ mình vẫn nhớ hình ảnh kết cuốn Đèn không hắt bóng, nhớ cả bạn...”, chồng bạn biết ngay chủ nhân tin nhắn kia là ai. Bạn kể lại, lúc ấy, bạn tưởng như đứng tim, vì tính chồng, bạn hiểu. Nhưng thật lạ lùng, anh chạy xuống lầu, mang vội đôi giày thể thao và chạy thẳng ra công viên, bỏ lại bạn trong cơn run sợ. Chồng bạn chạy mấy vòng quanh công viên cho hạ hỏa, trước khi về nhà “hỏi tội” vợ.

Tôi không định bênh vực cho những người đàn ông tàn ác, xuống tay tàn nhẫn với người đầu ấp tay gối. Tôi cũng không định đổ lỗi cho những người đàn bà - nạn nhân của những bi kịch gia đình. Thế nhưng, những cuộc hôn nhân bi kịch, chắc chắn có cả khói và lửa mà nếu đủ tỉnh táo, ta có thể đã nhận ra và tự tay mình dập tắt trước khi mình bị thiêu cháy.

Bạn nói, khi thấy chồng về, mồ hôi nhễ nhại, bạn mới tin rằng, anh ấy đã bớt nóng, cơn sợ hãi của bạn mới lắng xuống. Nếu anh không làm thế, có lẽ thảm kịch đã xảy ra. Nếu anh không xỏ chân vào giày và chạy đi như chạy trốn cơn kích động đang giày xéo lòng tự tôn của một người đàn ông, có lẽ anh đã đấm đá vợ mình. Biết nói thế nào cho phải? Chúng ta vẫn thường áp suy nghĩ của mình lên người đàn ông của mình.

Để thảm kịch không xảy ra. Phải luôn có một người đàn ông biết xỏ chân vào giày để chạy khỏi cơn nóng giận và có một người đàn bà biết thắng mình lại trước những vu vơ, bay bổng. Nguồn cơn của mọi sự đôi khi bắt nguồn từ một lúng liếng hữu tình, từ một cái đầm được cắt may rất khéo và được khen đúng lúc. Như tôi, giá như không có lần tôi lơ đãng gửi tin nhắn hỏi thăm về gia đình, về công việc, để rồi nhận được lời mời ăn trưa. Những bữa ăn trưa cứ dày hơn, vượt qua những lời răn đe, những hố sâu, những vực thẳm mà tôi biết là rất khủng khiếp. Nếu tôi không ngừng lại, mọi thứ sẽ thành tro bụi. Đừng tự đưa thảm kịch vào hôn nhân của mình.

Thảm kịch gia đình có thể không xảy ra, nếu chúng ta bình tĩnh hơn mà sống. 

 Lan Khôi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI