Sợi xích tàn nhẫn của hôn nhân

16/06/2017 - 12:07

PNO - Đọc được những tin tức bạo hành gia đình trên khắp các báo mạng, mà nạn nhân hầu hết đều là phụ nữ, người ta không khỏi bàng hoàng cám cảnh. Câu chuyện người vợ ở Thái Bình bị chồng gô cổ bằng sợi xích cũng vậy!

Nhìn bức ảnh người vợ ở Thái Bình bị chồng gô cổ bằng một sợi xích sắt và khóa lại, ai cũng phừng phừng phẫn nộ. Hình ảnh đó như cái tát vào lòng tự trọng của phụ nữ, tát vào nỗ lực bình đẳng giới của cả xã hội.

Soi xich tan nhan cua hon nhan
Hình ảnh người vợ bị chồng khóa xích, vừa cầm chén cơm vừa quệt nước mắt khiến cộng đồng phẫn nộ


Đừng tra đời mình vào xiềng xích

Qua bao thế kỷ, người nô lệ và xiềng xích gông cùm luôn gắn liền với nhau, như những dấu hiệu nhận biết một “nô lệ chân chính”. Khi những chế độ nô lệ tàn nhẫn được xoá bỏ, hình ảnh con người bị xiềng xích chỉ còn là một vết thương trong quá khứ, dù rằng, đôi khi nó vẫn xuất hiện, trong những chiếc lồng nhốt người điên, những con người bị mất năng lực hành vi dân sự, và... những con chó dữ. 

 Đó là những khung hình ám ảnh đến nghẹt thở!

Tôi rất dị ứng với câu: “Gái lấy chồng như gông đeo cổ”. Từ xưa tới nay, bà mình, mẹ mình và giờ là bạn bè mình đi lấy chồng thường được dạy rất kỹ đức hy sinh, sự nhẫn nhịn, phải một lòng một dạ với chồng và gia đình chồng, không được vượt quyền, không được hưởng thụ, phải toàn tâm toàn ý chăm sóc chồng con, đặt quyền lợi của mọi người lên trên quyền lợi mình. Thậm chí nếu người làm vợ không sinh được con trai là đắc tội lớn. Hôn nhân kiểu này chẳng khác việc mang vào mình một cái ách nặng nề. Và câu "chồng chúa, vợ tôi" như một mặc định về vai trò của người phụ nữ trong hôn nhân.

Một phụ nữ hiện đại, đủ tự trọng và tự tin, sẽ không bao giờ chấp nhận cái xích nào trói cuộc đời mình. Bằng mọi cách, họ sẽ tự giúp mình thoát khỏi “cái gông vô hình” mà xã hội đã đeo vào cổ. Tuy nhiên, xiềng xích của hôn nhân chỉ thực sự được phá vỡ, khi người đàn bà không còn phụ thuộc vào đàn ông. Đó là lúc họ có thể làm được những điều đàn ông từng làm, đủ bản lĩnh để đặt chân vào thương trường cũng như chính trường, nơi vốn dĩ chỉ dành cho phái mạnh, đủ độc lập về kinh tế để có thể tự quyết định sống một cuộc đời như mình mong muốn, và đủ mạnh mẽ để thoát ra khỏi mọi áp đặt cũ kỹ của xã hội lên thân phận đàn bà. Như cách một kẻ bề tôi bứt hết mọi xiềng xích để đứng dậy làm người vậy.

Xiềng xích hôn nhân thực sự đáng sợ

Lý thuyết là vậy, nhưng không phải phụ nữ nào cũng đủ điều kiện, từ tinh thần đến vật chất, để làm được điều đó. Đôi khi đọc được những thông tin bạo hành gia đình xuất hiện nhan nhản trên các báo mạng, mà nạn nhân hầu hết đều là phụ nữ chân yếu tay mềm, người ta không khỏi bàng hoàng cám cảnh. 

Soi xich tan nhan cua hon nhan
Ảnh minh họa

Còn nhớ cách đây không lâu, một người vợ ở Ninh Bình bị chồng vụt tới tấp bằng một chiếc điếu cày đến khi cô ngã sóng soài lên đống hàng hóa, mà cơn mưa đòn của người chồng vẫn không dừng lại. Điều đáng nói là sau khi đã được cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương, nhiều răng lung lay, môi trên bị giập phải khâu nhiều mũi, người vợ đáng thương vẫn không hiểu lý do vì sao mình bị chồng đánh. Sự việc này lại xảy ra không dưới một lần.

Hay câu chuyện hồi đầu năm của một người vợ ở Quảng Ninh, bị tên chồng vũ phu dùng bạo lực đấm đá liên tiếp vào người và mặt khiến chị bị chấn thương sọ não và gãy tám xương sườn. Khi chị bỏ chạy thoát thân, người chồng vẫn đuổi theo, lôi chị về nhà và tiếp tục hành vi côn đồ. Hắn ta còn khóa trái cửa, ngăn không cho người thân và hàng xóm đưa chị đi cấp cứu.

Nhưng trong khi mọi trường hợp bạo hành bằng vũ lực, người ta dồn hết căm tức lên kẻ gây ra thương tích cho người phụ nữ yếu đuối và không có khả năng chống trả, thì với sự việc người vợ ở Thái Bình bị chồng xích cổ và khóa trái, lại mang đến một làn sóng phẫn nộ đến tột cùng. 

Hình ảnh đó khác nào cái tát vào mọi cố gắng của chị em trong suốt quá trình đấu tranh giành lại sự bình đẳng trong hôn nhân? Người ta thương người đàn bà ấy một, thì cũng giận cô ấy mười. Bởi sự nhẫn nhịn, cam chịu và buông xuôi số phận của cô, hoàn toàn là thái độ không công bằng đối với cuộc đời cô. Và dẫu cho chiếc xích trên cổ cô có được anh chồng tháo đi sau cơn nóng giận, thì cũng đâu có gì đảm bảo được sợi xích hôn nhân sẽ nới ra bớt những đau khổ, tủi nhục mà cô mang trong cuộc đời mình. 

Trừ khi cô nhận ra một điều: chỉ có người điên và chó dữ mới đáng bị xiềng xích, còn phụ nữ, vốn dĩ sinh ra là để được yêu thương kia mà! 

Hồng Hạnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI