Phát hoảng với bộ sưu tập đồ gia dụng dù cổ lổ sỉ vẫn quyết không bỏ của mẹ chồng

18/11/2017 - 09:05

PNO - Má chồng em đưa cái thau giặt đồ, nói rằng 'cái thau này vốn là thau tắm cho chồng con lúc một tuổi, sau đó chồng con lớn mới chuyển thành thau giặt đồ, tới giờ là 27 năm rồi đó con'.

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Em mới kết hôn được hơn một năm, nhưng gặp nhiều chuyện khó và buồn. Mẹ em nói vì em mới hai mươi tuổi tuổi, còn nhỏ nên tâm tính hời hợt, phải ráng chịu, vài năm nữa có con rồi sẽ chững chạc hơn.

Phat hoang voi bo suu tap do gia dung du co lo si van quyet khong bo cua me chong
Ảnh minh họa

Nhưng em bức bối lắm, sợ không chịu đựng được đến lúc có con. Em cũng có nhan sắc, thích làm đẹp, thích mua sắm cho mình, mua đồ trang trí nhà cửa. Gia đình chồng em, dù có ngôi nhà lớn, không khó khăn về kinh tế, nhưng chỉ dừng lại ở những tiện nghi vật chất tối thiểu.

Lúc em mới về nhà chồng, má chồng em đưa cái thau giặt đồ, nói rằng “cái thau này vốn là thau tắm cho chồng con lúc một tuổi, sau đó chồng con lớn mới chuyển thành thau giặt đồ, tới giờ là 27 năm rồi đó con”. Thứ gì trong nhà cũng tầm tầm, mà má giữ ơi là giữ, không cho ai động vào, lỡ làm đổ làm bể là má kể cái đó mua hồi nào, ai xài qua, giữ gìn ra làm sao… Em chỉ thích xài đồ mới, sáng trưng, hiện đại, đẹp. Nhưng em mua món nào về, má đều để nguyên trong thùng, than mắc quá, ăn xài lớn vầy làm sao đủ tiền chi dùng. 

Em không biết làm sao để má thay đổi cách sống, cách sử dụng đồ đạc. Má chồng em mà hầm xương, hầm rau củ thì hễ bắc nồi lên bếp ga là canh lửa riu riu, theo cái nồi đó cả tiếng đồng hồ. Em đâu có rảnh để theo những kiểu cách nấu ăn như vậy của má. Em bỏ vô nguyên liệu cái nồi ủ thì lúc đem ra ăn má nói nước hầm lãng nhách, không ngọt, không ngon, cái nồi ủ mắc tiền, tốn điện… Em không làm, thì áy náy, chồng em nói sao để má làm một mình hoài. Em thật sự mệt mỏi.

Đan Thanh (TP.HCM)

Em Đan Thanh thân mến,

Mỗi thế hệ có cách sống riêng của mình, thể hiện qua việc mua sắm, tiêu dùng, gìn giữ đồ đạc. Ba mẹ chồng em cũng phải tiết kiệm, dành dụm suốt một thời gian dài mới có được nền tảng kinh tế như hiện nay. Ông bà có cái lý riêng, có sự đúng đắn của mình, không nên phủ nhận em ạ.

Phat hoang voi bo suu tap do gia dung du co lo si van quyet khong bo cua me chong
Ảnh minh họa

Trong những món đồ cũ kỹ, những vật xa xưa ấy, có thể có cả tình cảm gắn bó yêu thương sâu sắc mà cha mẹ đã gửi gắm vào đó. Hạnh Dung cũng thấy phục má chồng em khi giữ được cái thau tắm của con trai sau 27 năm trời. Chuyện cái thau không chỉ là chuyện tiết kiệm, kỹ tính, mà còn nói lên rằng má em yêu quý con trai không biết nói sao cho hết.

Em hãy từ từ làm quen với “lịch sử” từng món đồ, nhập gia tùy tục, đừng vội thấy chúng xấu xí, cũ kỹ mà coi thường, làm đổ bể, hay vội vàng vứt đi, thay thế bằng những món đồ mới. Làm vậy, vừa tốn tiền, vừa tủi lòng người đã nâng niu gìn giữ. Đồ cổ có những giá trị riêng của nó, đôi khi lớn gấp hàng trăm lần đồ mới, là vì vậy.

Nhưng cũng có những thứ cũ quá, có thể gây rủi ro, như bếp ga, nồi xoong cũ, đồ nhựa cũ… Em nên rủ rỉ nói chuyện với má, về việc phải thay thế chúng định kỳ để đảm bảo sức khỏe cho gia đình, cái nào má quý quá thì để làm kỷ niệm, đồ dùng hằng ngày thì thay bằng thứ khác tương tự.

Người nội trợ nào cũng có lòng yêu mến nhất định đối với đồ dùng nhà bếp, nếu em mua về những món xinh xinh, vui mắt (nhớ đừng “hét” giá cao quá), má sẽ thấy thích và dùng. Em cũng nên thường xuyên đưa má đi siêu thị, mua sắm, để bà thấy hàng hóa bây giờ nhiều thứ vừa đẹp vừa rẻ, tiện dụng, giúp mình tiết kiệm thời gian.

Cô dâu mới thường mang luồng gió mới vào gia đình, em sẽ là luồng gió mát mẻ, vui vẻ, chứ không phải gió bão quét bay tung tóe những thứ đồ đạc trong nhà, em nhé.

Chúc em thành công.

Hạnh Dung

Thư cho Hạnh Dung, quý vị gởi về:

hanhdung@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI