“Anh cho rằng sống, trước hết là luôn ý thức làm tròn bổn phận của chính mình trong mỗi vai trò, mỗi bước ngoặt cuộc đời, và luôn trung thành với lựa chọn của mình…”. Chàng thượng úy Lý Tiến Dũng, sau này là nhà báo nổi tiếng đã tỏ tình với cô Nông Thanh Vân giản dị như thế từ 30 năm trước.
|
Vợ chồng anh Lý Tiến Dũng, chị Nông Thanh Vân |
Từ đó, cả hai cùng tâm nguyện sống theo ý nghĩa của đạo vợ chồng: “Bởi vì phải sống với nhau cả đời, vợ có trách nhiệm của vợ, chồng có cá tính của chồng, nên phải bao dung thì mới có tương dung, dù vui buồn, sướng khổ, lúc nguy nan, khi túng thiếu thì cũng phải yêu thương đùm bọc nhau mới là phải đạo, mới có được một gia đình hòa thuận”. Câu văn đó, ai đã viết? Không rõ. Nhưng vợ chồng họ đã sống những ngày êm đềm, hạnh phúc thế, làm sao có thể phai nhòa trong ký ức?
Và tình yêu ấy đơm hoa kết trái, không chỉ bằng xương thịt mà họ còn bắt tay nhau làm chung ba bộ phim tài liệu: Khát vọng bất diệt, Nơi huyền thoại bắt đầu, Bọt biển và sóng ngầm... Lý Tiến Dũng là tác giả kịch bản và lời; Nông Thanh Vân làm đạo diễn lấy tên con gái là Thanh Lan làm bút danh. Lại nữa, cô vẫn còn nhớ như in lời của chồng: “Làm ơn thì đừng nên nhớ, Chịu ơn đừng nên quên - ba dạy tụi anh từ khi còn nhỏ” - anh truyền tinh thần ấy như một điều bất di bất dịch trong nếp nhà nhỏ của tụi mình”.
Vậy mà, cuối năm 2016, Lý Tiến Dũng đã rời bỏ cõi tạm.
Trong những ngày đau đớn nhất của cuộc đời, tưởng chừng không gượng dậy nổi, cô đã tìm lại sự bình yên trong tâm hồn bằng cách nào? Có thể là giai điệu, ca từ tuyệt hay mà cô nhớ nằm lòng: “Có những ngày, mà khi thức dậy vào lúc bình minh ta không còn cảm thấy hứng khởi, không còn cảm thấy cơ thể mình tràn ngập năng lượng cho một sự khởi đầu mới. Cũng có những ngày ta để mặc cho những cơn mưa xối xả tát vào mình. Dù biết là đau rát nhưng ta vẫn mặc kệ. Chỉ để cho những hạt mưa mát lạnh ấy làm ta tỉnh lại những nốt lặng”.
Nốt lặng ấy, với Nông Thanh Vân đã đến trong lúc cô tự nhủ với riêng mình: Nốt lặng để biết trái tim ta đang lệch nhịp vì ai đó. Và nốt lặng để ta là chính mình”.
Đúng thế, phải là chính mình, phải vượt qua một sự mất mát quá lớn. Còn gì buồn đau dai dẳng hơn khi vợ mất chồng? Nông Thanh Vân tâm sự: “Ngôn ngữ, rõ ràng đã không đủ sức chuyên chở những gì mà trái tim hay thể xác mà người trong cuộc đã trải qua trong thiên biến vạn hóa của hoàn cảnh, nghịch cảnh”.
Với cô đó là tháng ngày: “Em không thể nào gánh vác nổi tinh thần Lý Tiến Dũng trong thế gian này - vốn cũng đã luôn là một nương dựa và ỷ lại bất biến của em suốt cuộc đời mình. Thôi, thì em sẽ tập, từ từ, từng chút. Anh cho em thêm một thời gian. “Bản lĩnh” - hai chữ mà bạn bè ưu ái phong tặng cho em, thật ra là mọi người nhầm! Em bướng bỉnh mới đúng, và tất cả sự thể hiện bên ngoài của em, chả qua vì sau em luôn có anh. Bây giờ, vẫn thế, em sẽ bướng bỉnh tin rằng linh hồn và tinh thần của anh vẫn ở bên em và các con đến suốt cuộc đời. Em chỉ khoan nhượng cho một nghĩ suy: thân xác anh đã gửi về cát bụi! Chính vì thế, tại sao phải nói lời chia tay?”.
Tại sao phải nói lời chia tay?
Câu nói ấy đớn đau biết dường nào! Nhưng rồi, không cách nào khác. Phải biết chấp nhận. Nương vào âm nhạc, cô đã từng bước đi tới. Và cả vào thơ nữa. Nếu âm nhạc cũng là một liều thuốc kỳ diệu, khi vang lên, nó đủ sức an ủi con người ta nhiều lắm thì thơ cũng vậy. Trong những ngày buồn bã nhất, nhớ thương diệu vợi nhất, cô đã chép đã đọc lại một bài thơ của Hoàng Hữu: Chữ D hoa như vầng trăng xẻ nửa/ Tên anh như nửa trăng mờ tỏ/ Ai bỏ quên lặng lẽ sáng bên trời/ Ơi vầng trăng theo con nước đầy vơi/ Trăng say đắm dào lên cỏ ướt/ Trăng đầu tháng như đời anh chẳng thể nào khác được/ trăng cuối tháng như đời anh hao khuyết/ Em đã khóc/ Trăng từng giọt tan vào anh mặn chát/ Em đã khóc/ Nhưng làm sao tới được/ Bến bờ anh tim dội sóng không cùng…”.
Từng câu chữ lắng đọng và tan ra trong ký ức, cô thì thầm như đang nói người chồng vẫn còn hiện hữu trên đời: “Không ngờ, bài thơ mà em từng yêu thích thuở mình quen nhau lại vận vào số phận của tụi mình”.
May mắn, ngoài những tản văn về triết lý sống, âm nhạc và thơ, Nông Thanh Vân còn có điểm tựa vững chãi khác, đó là con cái. Cô xúc động và trở nên mạnh mẽ khi đọc từng dòng của cô con gái viết cho người cha đã khuất: “Ba đã trải qua quá nhiều chuyện, đã đi qua rất nhiều bể khó bể khổ. Giờ đây chẳng còn gì có thể làm đau hay làm khổ ba nữa, ba ơi. Ba đi bình an nha ba. Con xin phép khóc thêm chút xíu nữa thôi, chỉ vì con buồn và nhớ ba rất nhiều. Nhưng ba đừng nhìn vậy mà lo cho con, ba ơi. Ba đi bình an nha ba. Con sẽ sống tiếp và sẽ là người không bao giờ quay đầu lại và tự đặt câu hỏi về bản thân mình và những quyết định, những lựa chọn của mình, như ba đã luôn như vậy, và như ba đã muốn con như vậy. Con sẽ sống tiếp, và con sẽ giữ lời hứa của con với ba”.
Từ những điểm tựa ấy, góa phụ của nhà báo Lý Tiến Dũng đã dần bình tâm, nén nỗi đau để tiếp tục chặng đường dài cũng vì người chồng đã khuất và vì con. Cô tự nhủ: “Nhưng dẫu có thế nào, thì cuộc sống này vẫn cứ tiếp diễn, thời gian vẫn lặng thầm làm công việc của nó, và tất cả mọi người đều vẫn phải tiếp tục hành trình, hành trình về đích - cõi thật, trước hay sau mà thôi - như quy luật của muôn đời. Và đương nhiên, nó cũng vẫn có quá nhiều những cái đẹp, niềm vui, dẫu chỉ là nhỏ nhoi, với mỗi người - mỗi nhà trong cuộc đời còn lắm bể dâu cũng như vũ trụ không thể chỉ có toàn ban đêm”.
Lê Minh Quốc