Không thể dùng ý chí để hạn chế phương tiện cá nhân

01/03/2019 - 07:33

PNO - Muốn hạn chế xe máy, cần phải thực hiện theo phương châm kéo và đẩy. Giao thông công cộng phải được đầu tư đi trước một bước, đảm bảo cho một bộ phận người dân đi lại, mới bắt đầu hạn chế xe cá nhân.

Sở Giao thông Vận tải TP.HCM vừa đưa ra dự thảo đề án “Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP.HCM”. Mục tiêu của đề án là đến năm 2020, vận tải hành khách công cộng sẽ đảm nhận 15-20% nhu cầu đi lại của người dân TP.HCM; đến năm 2025, tỷ lệ này là 20,5-26,6% và đến năm 2030, tỷ lệ này là 29,3-36,8%. 

Xe buýt vẫn còn nhiều bất cập

Hai năm nay, Nguyễn Lan Phương chọn xe buýt làm phương tiện di chuyển hằng ngày từ nhà (Q.Tân Phú) đến Đại học Quốc gia TP.HCM (Q.Thủ Đức). Lan Phương phải mất hơn 10 phút đi bộ đến trạm xe buýt và leo lên hai tuyến xe buýt để đến trường. Vào kỳ thi, Lan Phương chuyển sang sử dụng xe máy. “Nhà em ở trong hẻm. Tính thời gian đi bộ ra trạm và đợi xe ở hai trạm mất gần 30 phút. Việc di chuyển bằng xe buýt rất mất thời gian nên vào kỳ thi, em chọn xe máy để đến trường nhanh hơn, tránh bị trễ giờ thi” - Lam Phương lý giải.

Khong the dung y chi de  han che phuong tien ca nhan
Phương tiện cá nhân sắp tới sẽ bị hạn chế 
Trong dự thảo đề án, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đề xuất 36 giải pháp được sắp xếp theo từng nhóm, theo thứ tự ưu tiên kèm theo trách nhiệm của các cơ quan và nguồn lực thực hiện. Mục tiêu là đến năm 2020, VTHKCC đảm nhận 15-20% nhu cầu đi lại của người dân; đến năm 2025, tỷ lệ này đạt 20,5-26,6% và đến năm 2030, tỷ lệ này là 29,3-36,8%. Theo sở, nếu đề án được thông qua, trong giai đoạn 2025-2030 TP.HCM sẽ hạn chế và tiến tới ngưng hoạt động xe mô tô và xe máy 2-3 bánh tại một số khu vực trung tâm. 

Nhiều ngày có mặt trên các tuyến xe buýt di chuyển từ Đại học Quốc gia TP.HCM về trung tâm thành phố, chúng tôi nhận thấy, hầu hết các xe buýt đều đông người. Khi xe ra đến đoạn trước Khu du lịch Suối Tiên, nhiều sinh viên còn nhắc khẽ nhau đề phòng nạn móc túi. Xe đông khách nên việc đón khách ở các trạm khá vội, tiếp viên liên tục giục khách lên xe. Trước đó, chúng tôi cũng liên tục ghi nhận tình trạng tài xế, tiếp viên hút thuốc lá, nghe điện thoại ngay trên xe. Đây là một trong những lý do khiến hành khách ngán ngẩm với xe buýt.

Nhiều chuyên gia cho rằng, TP.HCM có đến 85% dân số sống trong các hẻm, trong khi xe buýt không thể tiếp cận được ở khoảng cách dưới 500m, cũng khiến người dân ngán đi xe buýt. Đối tượng đi xe buýt hiện nay chủ yếu là sinh viên, học sinh và người già.

Theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, trong năm 2018, có 571 triệu lượt hành khách sử dụng phương tiện công cộng, giảm 21 triệu lượt so với năm 2017 (592 triệu lượt). Trong năm 2018, nhiều tuyến xe buýt đã bị “khai tử” do ế khách.

Theo lãnh đạo một hợp tác xã (HTX) xe buýt ở TP.HCM, hiện nay, việc quản lý xe buýt do Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM đảm trách. Hằng năm, đơn vị này thương thảo hợp đồng “đặt hàng” với các HTX, doanh nghiệp. Đầu mối quản lý xe buýt là HTX, doanh nghiệp; nếu HTX hay doanh nghiệp quản lý yếu kém hoặc không đủ năng lực tài chính, sẽ ảnh hưởng xấu đến chất lượng phục vụ của hàng loạt tuyến xe buýt do đơn vị đó quản lý mà HTX Đông Nam là một ví dụ rõ nét. Tài xế xe buýt tuyến 141 cho biết, từ khi tuyến này được chuyển giao từ HTX Đông Nam cho HTX 15 quản lý (năm 2017), đời sống của lái xe và chủ xe được cải thiện rất nhiều, chất lượng phục vụ hành khách cũng được nâng cao rõ rệt.

Khong the dung y chi de  han che phuong tien ca nhan
Xe buýt ở TP.HCM vẫn còn nhiều bất cập, chưa thu hút người dân

Phó giáo sư - tiến sĩ Phạm Xuân Mai - nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông, Trường đại học Bách khoa TP.HCM - cho rằng, xe buýt phải là phương tiện chủ lực, chiếm 70% trong thị phần vận tải hành khách công cộng (VTHKCC). TP.HCM cần đầu tư nhiều vào xe buýt hiện đại, tổ chức lại hoạt động. Cần mạnh dạn loại bỏ các HTX, thay vào đó là các công ty, tập trung vào một, hai đầu mối. Ông Hà Ngọc Trường - Phó chủ tịch Hội Cầu đường, cảng TP.HCM - nhận định: “Hiện xe buýt chỉ mới đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu đi lại của người dân. Do tốc độ chậm, chưa an toàn, thái độ phục vụ chưa thật tốt, luồng tuyến chưa phủ kín, lượng người sử dụng xe buýt đang có xu hướng giảm, nếu không có trợ giá từ ngân sách, sẽ còn teo tóp hơn nữa”.

Bao giờ kéo giảm được xe máy?

Chị Nguyễn Việt An - ngụ tại Q.Bình Tân - cho biết, trước đây, chị đi làm bằng xe buýt vì giá rẻ và không lo bị ảnh hưởng thời tiết. Nhưng do đi xe buýt hay bị kẹt đường, ngán mùi hôi trên xe nên chị chuyển qua xe ôm “công nghệ”, được đón tận nơi, không phải mất thời gian chờ đợi. 

Tại đề án “Tăng cường VTHKCC kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP.HCM”, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đưa ra mục tiêu, đến năm 2020, VTHKCC đáp ứng 15-20% nhu cầu đi lại; từ năm 2030, cấm xe máy vào khu trung tâm thành phố...

Phó giáo sư - tiến sĩ Phạm Xuân Mai cho rằng, mục tiêu trên là không khả thi vì năm 2018, VTHKCC chỉ đáp ứng 8% nhu cầu, trong đó xe buýt chỉ đáp ứng 3,35% nhu cầu nên với thời gian gấp gáp, khó đạt được mục tiêu. Muốn hạn chế và ngưng hoạt động xe máy tại một số khu vực, cần phải có phương tiện VTHKCC đáp ứng tốt việc vận chuyển.

Ông Hà Ngọc Trường nhận định: “Để nâng cao chất lượng VTHKCC, cần phải đa dạng hóa các phương tiện di chuyển, phải tính đến việc áp dụng xe buýt nhỏ giống như tuk tuk ở Thái Lan hay jeepney ở Philippines. Loại xe nhỏ này có thể luồn lách trong các hẻm, nhận khách từ các điểm dân cư”. 

Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Lưu Bảo Đoan (Trường đại học Kinh tế TP.HCM) cho biết, trong dự thảo đề án của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, nhóm giải pháp tăng cường giao thông công cộng, việc tổ chức giao thông đường thủy bị xem nhẹ, trong khi hình thức này hứa hẹn giải quyết một phần những khó khăn về hạ tầng giao thông của thành phố. Hạ tầng giao thông hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu vận chuyển phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, xe buýt nhỏ. 

Khong the dung y chi de  han che phuong tien ca nhan
Hạn chế xe máy khi phương tiện công cộng chưa được cải thiện, người dân sẽ di chuyển bằng gì?

Ông Phạm Xuân Mai cho rằng, hiện nay, xe máy vẫn là phương tiện được coi là tối ưu nhất cho cá nhân nhưng đồng thời cũng là tai họa cho xã hội bởi nguy cơ gây tai nạn chết người rất cao. Muốn hạn chế xe máy, cần phải thực hiện theo phương châm kéo và đẩy. Giao thông công cộng phải được đầu tư đi trước một bước, đảm bảo cho một bộ phận người dân đi lại, mới bắt đầu hạn chế xe cá nhân. 

Hôm nay (ngày 1/3), Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM sẽ tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo đề án “Tăng cường VTHKCC kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP.HCM”. 

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM:

Dự thảo đề án “Tăng cường VTHKCC kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP.HCM” đặt ra vấn đề cấm xe cũ lưu thông và hạn chế xe tỉnh vào trung tâm thành phố. Cơ sở của đề án này là gì, vì pháp luật hiện hành đã có những quy định liên quan tới kiểm định chất lượng phương tiện tham gia giao thông? Về nguyên tắc, khi các phương tiện giao thông đạt tiêu chuẩn về kiểm định là đủ điều kiện tham gia giao thông. 

Do vậy, theo tôi, sẽ không phù hợp nếu chính quyền thực hiện giải pháp này. Nó làm ảnh hưởng tới quyền tự do đi lại của người dân, và có thể sẽ phát sinh nhiều hệ lụy. Xe cũ nhưng nếu đáp ứng đầy đủ quy định của pháp luật về tiêu chuẩn kỹ thuật, về kiểm định thì không thể bị hạn chế lưu thông. Không nên áp dụng các điều cấm, nhất là khi nó xuất phát từ sự yếu kém trong việc kiểm soát, quản lý. Vì vậy, thay vì cấm, chính quyền phải làm các biện pháp khác để giúp người dân có thể tự nguyện từ bỏ xe máy khi nhận thấy dùng phương tiện này không phù hợp, kém lợi thế so với các phương thức khác. Có như vậy, mọi vấn đề mới được giải quyết triệt để.

Sơn Vinh


 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI