Từ chân núi ra biển lớn

02/01/2017 - 06:30

PNO - Nhà văn Nguyễn Hiệp bảo nền nếp ham học và coi chuyện học là trên hết của gia đình, bắt nguồn từ con đường phấn đấu vươn lên thoát khỏi đói nghèo của chính anh.

Tài sản lớn nhất của nhà văn Nguyễn Hiệp (tác giả của bốn tập truyện ngắn, hai tiểu thuyết và hai tập thơ) làm nhiều người trầm trồ, là ba cậu con trai, trong đó hai cậu lớn từng đội vòng nguyệt quế các cuộc thi tuần và tháng của chương trình đường lên đỉnh olympia. Hai “cậu bé” ngày ấy hiện đang làm luận án tiến sĩ và luận văn thạc sĩ ở Pháp, Na Uy. Ngạc nhiên hơn, gia đình bé nhỏ ấy lại sống ở tỉnh lẻ, ngôi nhà họ cách chân núi Tà Cú (tỉnh Bình Thuận) chỉ 2km.

Cả nhà cùng học

Nhà văn Nguyễn Hiệp bảo nền nếp ham học và coi chuyện học là trên hết của gia đình, bắt nguồn từ con đường phấn đấu vươn lên thoát khỏi đói nghèo của chính anh. Mồ côi cha, mẹ đi bước nữa, cậu bé Nguyễn Hiệp phải tự lo cho mình từ khi còn rất nhỏ. Con đường anh thoát đói nghèo, vươn lên từ đáy xã hội quá nhiều đau đớn nên anh không bao giờ muốn các con mình phải trải qua như vậy.

Vợ chồng anh cố gắng tạo điều kiện cho các con học, thường xuyên nhắc nhở các con rằng không có con đường nào đi đến với tương lai tốt hơn là học. Việc học của người cha Nguyễn Hiệp là tấm gương cho các con noi theo. Không chỉ học để tốt nghiệp đại học mà anh còn học vi tính, chụp ảnh, quay phim... Không có điều kiện theo trường lớp, anh chủ yếu tự học qua mạng, qua tài liệu từ nhiều nguồn anh có được.

Ba cậu con trai thường nhìn thấy hình ảnh bố cặm cụi làm việc ngày đêm. Học tập trở thành thói quen của cả gia đình, đến mức thương con, có lúc vợ chồng anh phải nhắc “chơi chút đi con”. Nhìn các con lớn lên và đi theo con đường của mình ngày xưa, vợ chồng anh hết sức tự hào, nhưng cũng nhiều xót xa khi con mình không ở thành phố lớn, không được học với những thầy giỏi. Vợ chồng anh phải tìm cách cho các con được học như những trẻ em khác, để mong các con có cơ hội bước ra ngoài và cạnh tranh với bạn bè cùng trang lứa.

Tu chan nui ra bien lon
Gia đình nhà văn Nguyễn Hiệp

Ngôi nhà nhỏ nằm heo hút trong xã nhỏ, huyện nhỏ, tỉnh nhỏ ấy từ những năm 1990, khi máy tính còn được nối mạng bằng cách quay số điện thoại 1260, đã nối ra ngoài thế giới rộng lớn bằng internet, bằng những chương trình học từ xa, bằng tủ sách điện tử đồ sộ của thế giới. Đó chính là những nấc thang đầu mà vợ chồng nhà văn Nguyễn Hiệp xây nên để đưa các con đi tới tương lai.

Không có tiền để các con đi học nước ngoài, cha con anh hằng đêm ráo riết săn lùng các học bổng trên mạng. Kết quả, hai cậu con trai lớn có được học bổng, mà nhà văn Nguyễn Hiệp nói rằng, ước mơ của cuộc đời mình được nối dài.

Đến bây giờ, khi những nỗ lực vượt bậc trong gia đình đã có được thành quả tốt đẹp khiến nhiều người ngưỡng mộ, khâm phục, nhà văn Nguyễn Hiệp vẫn nói, anh chưa bao giờ nghĩ đến hai từ “dạy con”. Trong gia đình, mọi việc diễn ra hết sức tự nhiên. Cả nhà cùng học, cùng song hành trên con đường tìm kiếm và chiếm lĩnh tri thức mới.

Một trong những điều quan trọng mà vợ chồng anh tâm niệm khi cùng con học tập là làm sao giúp con tìm ra phương pháp học tập hiệu quả nhất, chứ không phải là lao vào hùng hục học thuộc lòng hay làm toán như cái máy… Phương pháp học bằng cách hệ thống hóa các kiến thức được gia đình cùng tìm ra và áp dụng, dù người cha của ba cậu con trai giỏi giang khiêm tốn nói “chưa phải là hiệu quả nhất, chúng tôi vẫn tiếp tục cùng nhau tìm xem phương pháp nào tốt hơn”.

Đồng hành cùng con

Điều đặc biệt là bao nhiêu năm các con học hành thì bấy nhiêu năm anh chị đều tham gia vai trò chủ tịch, phó chủ tịch hội phụ huynh học sinh. Anh kể: “Người ta ngại mất thời giờ vì những việc đó, mà quả là mất thì giờ thật. Thế nhưng nhờ những công việc đó mà chúng tôi được tiếp xúc nhiều với thầy cô, biết rõ kết quả học tập của các con để có thể quản lý các con một cách tự nhiên nhất. Mình đã đặt các con là mục tiêu ưu tiên thì sao còn tiếc thời giờ làm một việc mà mình thấy là quá có lợi cho mục tiêu đó?”.

Khi nhìn thấy hành lý tri thức của các con đã “hòm hòm”, anh và vợ hướng các con đến cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia. Không phải vì hào quang, tiếng tăm của vòng nguyệt quế, mà theo anh, đó chỉ là một việc trong quá trình học, ở một thời điểm nào đó cần có sự đột phá. Một thời điểm để người ta tận dụng, để thử thách những gì mình đã làm. Từ những rèn luyện ấy mà tự tin để bước tới.

Một trong những thời điểm quan trọng trong gia đình anh, là khi các con vào lớp 12: “Vào những ngày cuối năm lớp 11, cha con tôi thường ngồi lại với nhau một đêm để định hướng con đường phù hợp cho các con trong tương lai. Để có thể định hướng, chúng tôi phải xem xét không chỉ lòng đam mê mà cả khả năng, lợi thế của các con khi lựa chọn con đường đó. Chúng tôi trao đổi, trò chuyện với nhau chứ không hề có chuyện áp đặt, ép buộc”.

Từ đó, cậu con trai đầu Nguyễn Vũ Hưng đã lựa chọn con đường ngôn ngữ, cậu thứ hai Nguyễn Vũ Hội chọn con đường khoa học. Sau khi các con đã lựa chọn được hướng đi thì vợ chồng anh mới dìu dắt con đến mục tiêu. Anh kể cậu con trai đầu khi chọn con đường làm dịch giả, những trang sách dịch đầu tiên cậu luôn gửi về cho cha đọc để nhờ thẩm định. Nhờ cha, chàng trai 25 tuổi Nguyễn Vũ Hưng trở thành hội viên Hội Nhà văn trẻ nhất vào năm 2015.

Vợ chồng anh thường nghe bạn bè bình luận rằng dạy con thời nay đã khó, dạy ba thằng con trai, chắc khó bội phần. Anh chị thường đáp lại nửa đùa nửa thật: “Chẳng có thằng nào qua được ông bố này hết, chúng chơi không lại thì phải thuần phục thôi”. Anh bảo điều quan trọng là phải tôn trọng tính cách của các con, đừng bắt chúng phải đồng phục, nhập nhèm với nhau.

Vào những ngày rảnh rỗi, hay quá mệt mỏi vì việc học tập, gia đình anh có một đam mê giải trí chung: lên núi Tà Cú chơi. Họ nạp năng lượng cho mình từ nguồn năng lượng bao la của thiên nhiên. Trong khung cảnh rộng lớn, thoáng đãng, họ trò chuyện, trao đổi, tranh luận để thêm yêu thương và cố gắng cùng nhau phấn đấu. Và đã rất nhiều lần, trên đỉnh Tà Cú, nhà văn Nguyễn Hiệp dặn con: “Sự học không bao giờ có giới hạn”.

Song Văn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI