Lối nào cho ca khúc trước năm 1975?

02/04/2018 - 14:08

PNO - Ồn ào “con đường xưa em đi là con đường nào” và cấp phép cho Quốc ca vào năm 2017 như hai cú chốt hạ cho cách ứng xử của các cấp có liên quan đối với các tác phẩm trước năm 1975, đòi hỏi phải thay đổi.

Để đáp ứng nhu cầu của thực tế đời sống âm nhạc cũng như nâng cao chất lượng quản lý, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) đang tiến hành lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Hồ sơ để xây dựng Nghị định về nghệ thuật biểu diễn, trong đó có nội dung liên quan tới việc cấp phép cho các ca khúc trước năm 1975. Nếu không có gì thay đổi, nghị định này sẽ được áp dụng vào cuối năm nay.

Loi nao cho ca khuc  truoc nam 1975?

Cục Nghệ thuật biểu diễn từng hứng chịu vô số gạch đá từ dư luận khi cấp phép Quốc ca (Tiến quân ca) của nhạc sĩ Văn Cao vào năm 2017

Theo đó, Bộ VH-TT-DL đề xuất ba phương án, bao gồm: (1) Bỏ quy định cấp phép, phổ biến các tác phẩm âm nhạc, sân khấu sáng tác trước năm 1975 và tác phẩm do người Việt Nam định cư ở nước ngoài sáng tác; đồng thời quy định cụ thể danh mục tác phẩm cấm phổ biến, lưu hành. (2) Quy định cụ thể điều kiện với các tác phẩm được phổ biến, lưu hành, để làm cơ sở cho các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện thủ tục cấp phép. (3) Tiếp tục áp dụng quy định thủ tục cấp phép như hiện nay.

Trong ba phương án trên, phương án thứ ba được rất nhiều người làm nghề xếp vào dạng “miễn bàn”, “chán chẳng buồn nói”. Ồn ào “con đường xưa em đi là con đường nào” và cấp phép cho Quốc ca vào năm 2017 như hai cú chốt hạ cho cách ứng xử của các cấp có liên quan đối với các tác phẩm trước năm 1975, đòi hỏi phải thay đổi.

Hai phương án đầu tiên có vẻ nhận được nhiều đồng thuận từ phía người dân cũng như những người soạn thảo dự thảo này; tuy nhiên, những nội dung này cũng chẳng phải là mới. Từ cả thập niên trước, không phải không có đề xuất bỏ cấp phép, lập danh sách cấm, đưa ra những quy định rồi chiếu theo luật mà làm. Thế nhưng, việc cấp phép cho ca khúc trước năm 1975 đến nay vẫn theo kiểu “con kiến mà leo cành đa”.

“Tôi không muốn vơ đũa cả nắm, nhưng có một số người trong hội đồng đó, ngoài năng lực chuyên môn hạn chế, còn làm việc theo kiểu “thà giết nhầm hơn bỏ sót”, cho chắc” - ca sĩ Ánh Tuyết lo ngại.

Theo ca sĩ Ánh Tuyết: “Nếu một ca khúc không vi phạm gì tới chính trị thì cứ cấp phép, chứ cấm lên cấm xuống làm gì. Nếu cấm, kho tàng âm nhạc của Việt Nam sẽ chịu nhiều thiệt thòi, mất mát; công chúng bị tước mất quyền thưởng thức những tác phẩm hay mà lẽ ra họ đương nhiên được hưởng. Mặt khác, có một nghịch lý như sau: đôi khi siết chỗ này, lại phình chỗ khác; càng cấm, công chúng càng tìm kiếm nghe xem sao, thành ra nguy hiểm hơn. Bây giờ lên Google, cái gì mà chẳng có trên đó. Cấm nổi không? Trong khi đó, nhìn vào bức tranh âm nhạc Việt Nam hiện nay, không thiếu những ca khúc mới, ca từ đi ngược với thuần phong mỹ tục, vẫn được tải lên các trang mạng một cách vô tội vạ, thậm chí được cấp phép biểu diễn. Vậy chúng ta nên hiểu như thế nào?”.

“Âm nhạc hay hay dở, phù hợp hay không phù hợp, công chúng sẽ tự sàng lọc và giữ lại hoặc loại bỏ theo thời gian. Còn nếu lập danh sách cấm, thì bộ nên công bố danh sách đó rộng rãi, tham khảo ý của công chúng trước khi đưa ra danh sách cuối cùng bởi hơn ai hết, họ là những người có quyền nhất trong câu chuyện này” - ca sĩ Ánh Tuyết nhấn mạnh. 

Ca sĩ Ánh Tuyết - người từng hát rất nhiều ca khúc trước năm 1975 - cho biết, bà rất hoan nghênh việc bỏ quy định cấp phép, nhưng lại băn khoăn về việc lập danh sách cấm. Tiêu chí nào để cấm? Theo chuẩn nào? Và nếu có một bộ tiêu chuẩn như vậy thì khi đưa vào áp dụng trong thực tiễn, những tiêu chí đó có thể sẽ vẫn tùy thuộc vào góc nhìn của những người ngồi ghế thẩm định, vậy họ là ai?

Ông Nguyễn Quang Vinh, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn: Rất khó để đạt được tuyệt đối

Trong câu chuyện cấp phép những ca khúc sáng tác trước năm 1975, để có thể làm hài lòng tất cả mọi phía thì không thể. Rất khó để đạt được tuyệt đối, nhưng tôi nghĩ cũng nên cởi mở hơn. Nếu chỉ là những tâm sự riêng tư của tác giả, không ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia, không đi ngược lại lợi ích dân tộc thì sự tồn tại của những ca khúc đó là hợp lý, hợp pháp. 

Các nhạc sĩ ưa trừu tượng, ưa thi vị hóa ở nhiều dạng khác nhau, nhưng đối với họ, nó chỉ là những câu chuyện như thế thôi; thế nhưng đôi khi, những người thẩm định bây giờ lại thấy to tát quá. Mà có phải bài nào cũng hỏi được tác giả cụ thể đâu. Hầu hết tác giả của những ca khúc sáng tác trước năm 1975 nay đều đã mất rồi. Chúng ta cũng phải chấp nhận cả sự tương đối này. 

Tuy nhiên, tinh thần lần này là cố gắng đơn giản hơn, cởi mở hơn để tiếp nhận kho tàng ca khúc trước năm 1975 một cách dễ dàng. Trong ba phương án, cá nhân tôi ủng hộ phương án một và hai.

Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI