Một con, hai con và hệ lụy xã hội ở Trung Quốc

12/01/2017 - 16:09

PNO - Một trong những hệ lụy của chính sách một con tại TQ là nạn tham nhũng gia tăng trong quan chức địa phương hơn 35 năm qua.

Những người Trung Quốc (TQ) trưởng thành hiện là lực lượng lao động chính sung sức nhất ở TQ hiện nay (trong độ tuổi dưới 40) đều là “sản phẩm” của chính sách một con, được áp dụng từ năm 1979.

Mot con, hai con va he luy xa hoi o Trung Quoc
Một cặp vợ chồng chỉ sinh một con, tranh cổ động thịnh hành một thời ở Trung Quốc

Chính phủ TQ áp dụng chính sách một con với người Hán (người dân tộc thiểu số được miễn thực thi) nhằm giảm áp lực dân số tăng nhanh ảnh hưởng tiêu cực tới các chỉ tiêu kinh tế và xã hội. Cố chủ tịch Đặng Tiểu Bình được coi là tác giả của chính sách này, người từ năm 1978 đề ra mục tiêu dân số TQ không vượt quá 1,2 tỷ người trước năm 2000.

Năm 1982, chính sách một con được đưa vào hiến pháp TQ. Từ đó, tùy thuộc vào địa phương sinh sống, các cặp vợ chồng vi phạm chính sách bị phạt rất nặng, có nơi tương đương hàng nghìn USD.

Một trong những hệ lụy của chính sách một con tại TQ là nạn tham nhũng gia tăng trong quan chức địa phương hơn 35 năm qua. Rất nhiều vụ hối lộ, lót tay diễn ra để lách luật. Chính sách này cũng làm tăng tỷ lệ nạo phá thai và triệt sản tại các bệnh viện. Tuy nhiên, hệ lụy về mặt xã hội mới để lại hậu quả lâu dài, đó là xã hội già nua, thiếu lực lượng lao động và mất cân bằng nam nữ nghiêm trọng.

Theo số liệu của chính phủ TQ, số người trong độ tuổi lao động năm 2015 đã giảm 3,7 triệu người so với năm 2014, xuống còn 916 triệu lao động, dự đoán xu hướng giảm này vẫn tiếp tục trong vài năm tới. Theo tính toán của các chuyên gia Mỹ, số người già trên 60 tuổi tại TQ sẽ chạm mốc 400 triệu, tương đương 1/4 dân số TQ trong những năm 2030. Hiện nay, số lượng người già ở TQ chiếm 1/7 số dân.

Hậu quả trực tiếp của chính sách một con ở TQ là tình trạng mất cân bằng giới tính nghiêm trọng và kéo dài. Như nhiều quốc gia phương Đông khác, TQ còn tồn tại quan niệm trọng nam khinh nữ. Vì chỉ được sinh một con và muốn con trai, nhiều cặp vợ chồng ở TQ phá thai khi biết thai nhi là bé gái.

Hiện nay, tỷ lệ ở TQ là 118 bé trai trên 100 bé gái, trong khi mức trung bình của thế giới là 103 bé trai trên 107 bé gái. Hậu quả nhân khẩu kéo theo hậu quả xã hội, nhiều thanh niên TQ không lấy được vợ, phải tìm vợ ở nước ngoài, gây nhiều tốn kém và hậu quả phức tạp về xã hội (ví dụ như tệ nạn buôn người).

Năm 2013, TQ bắt đầu nới lỏng chính sách một con, theo đó cho phép các cặp vợ chồng sinh con thứ hai nếu bản thân họ là con một. Tính đến giữa năm 2015, trước thời điểm TQ chính thức dỡ bỏ chính sách một con, toàn quốc mới có khoảng 1,45 triệu cặp vợ chồng nộp đơn xin sinh con thứ hai, nhưng chỉ có khoảng 12% trong số đó đủ tiêu chuẩn. Con số này khiến các nhà hoạch định chính sách lo ngại vì chính sách nới lỏng sinh sản không được đón nhận như họ kỳ vọng.

Caijing, tạp chí kinh tế hàng đầu của TQ, khảo sát cho thấy gần 50% người dân thành thị TQ không muốn có hai con. Yang Xue và Chang Zian, một cặp vợ chồng “đủ tiêu chuẩn”, cả hai đều có nghề nghiệp ổn định ở Bắc Kinh. Họ không có kế hoạch sinh thêm con vì đơn giản họ không đủ tiền để lo mọi chi phí đắt đỏ cho một đứa trẻ nữa.

Ông Liang Zhongtang, nhà nhân khẩu học thuộc Viện Khoa học xã hội Thượng Hải nói rằng, 36 năm để hoàn toàn bãi bỏ chính sách một con ở TQ là quá muộn. Chính sách mới chưa gây được tác động về mặt nhân khẩu học lâu dài, đặc biệt ở các thành thị, nơi chi phí sinh hoạt vô cùng đắt đỏ. Hãng tin ghi nhận một trong những vấn đề lớn phát sinh sau khi dỡ bỏ chính sách một con là phụ nữ càng khó tìm việc làm. Bloomberg đưa ra ví dụ điển hình là Lei Jiawen, cô gái 25 tuổi đang tìm việc.

Cô Lei nói chính sách mới khiến cô khó tìm việc vì có thêm một con nghĩa là người lao động được hưởng thêm kỳ nghỉ thai sản thứ hai, vì thế người sử dụng lao động luôn muốn thuê nam giới. Những phụ nữ trẻ như cô Lei (chưa có gia đình và chưa có con) dường như bị “mắc kẹt”, khi điều kiện tuyển dụng ghi rõ “chỉ dành cho nam” hoặc cùng lắm là “ưu tiên phụ nữ đã có con và lập gia đình”.

Về mặt kinh tế, việc bỏ chính sách một con cũng cần có thời gian để phát huy tác dụng, vì phải mất hàng chục năm những đứa trẻ sinh ra trong thời chính sách hai con mới đủ tuổi để gia nhập lực lượng lao động, trong khi đó người TQ tiếp tục già đi, nền kinh tế tiếp tục thiếu nhân lực. Chưa kể, nếu xảy ra bùng nổ sinh sản thì hệ thống bệnh viện phụ sản, hạ tầng y tế nói chung, mạng lưới trông giữ trẻ và hệ thống cung cấp sữa cho trẻ sơ sinh của TQ hiện nay cũng không đủ sức đáp ứng.

Nếu không có chính sách việc làm đối với lao động nữ, không đầu tư hạ tầng thích đáng để triển khai chính sách mới, TQ vẫn níu kéo hệ thống một con quen thuộc, vẫn nuôi dưỡng một đứa con thành “ông hoàng bà chúa”, vẫn sang Hồng Kông hay Mỹ để sinh con và mua vét sữa bột ngoại trên khắp thế giới. 

Cẩm Hà

               (Theo Washington Post, Xinhua, Reuters, Bloomberg)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI