Mong bình yên mỗi ngày

12/11/2017 - 21:18

PNO - Tôi gửi câu hỏi 'Đàn bà mong đợi gì từ hôn nhân?' đến những người thân quen, câu trả lời nhận được gần như chung nhất: 'Mong bình yên mỗi ngày'!

Rằng, đàn bà đâu mong gì hơn là sự bình yên trong nhà mình - mỗi ngày - khi chồng đi làm về (không la cà quán xá hay đâu đó ngoài vùng phủ sóng với vợ con), rồi những đứa con cứ thế lớn lên, được nhìn thấy ba mẹ yêu thương, tôn trọng nhau (chứ không phải cãi cọ, nặng lời, động tay chân với nhau), để không ai cảm thấy tổn thương, mang trong lòng nhiều niềm đau...

Mong binh yen moi ngay
 


1. Chị bảo, hồi mới yêu nhau, người phụ nữ nào cũng được tôn trọng, được người đàn ông của mình ga-lăng, chăm sóc đủ thứ. Thế nhưng (thông thường), những sự chi tiết, tỉ mỉ, chu đáo của ngày đầu ấy không duy trì được lâu. 

“Tất nhiên, có lý do của sự thật ấy, là bởi cuộc sống sau hôn nhân không như giai đoạn yêu. Mỗi người trong cuộc đều “thay đổi” chút ít, có những mối lo khác, trong đó có mối lo chung cho gia đình nhỏ, rồi con cái được sinh ra, rồi chằng chịt các mối quan hệ bên nội, bên ngoại, người ngoài trông vào, người trong nhìn ra - do vậy, không ai còn giữ được mình như xưa cũng là điều bình thường”, chị chia sẻ.

Nhưng, cũng đừng quá khác xưa, chị bày tỏ rồi nêu ví dụ: đừng thả nổi ngoại hình, đừng nhậu nhẹt triền miên, đừng gái gú kiếm thêm các kiểu... Do vậy, với chị, không mong như ngày đầu, mà mong chồng vẫn là người đàn ông có trách nhiệm, tôn trọng vợ khi nhỏ to nhắc vợ điều chưa đúng, thay vì nói cho cả làng cùng nghe. Thực ra, đối với cái sai của mỗi người, nếu được khéo léo nhắc (chứ không phải... vạch mặt) thì người ta sẽ biết ơn khi được chia sẻ, và nhất định sẽ sửa.

Chị kể, ba mẹ mình hồi trước sống rất hòa thuận, chu đáo với nhau, vì hiểu vợ chồng ân cần giúp nhau sống tốt, hòa nhã chính là cách để giáo dục con cái thành người tử tế. Ông bà khéo léo “đóng cửa bảo nhau” nên chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không. Do vậy, cả làng vẫn thường khen: “Vợ chồng chú thím Tư (ba má chị) chưa bao giờ thấy lớn tiếng với nhau, nhờ đó con cái đứa nào cũng dễ thương, sống biết trên biết dưới, nói năng lịch thiệp”. Con cái là bản sao của cha mẹ (không chỉ trong chuyện di truyền) mà còn là trong cách sống và ứng xử hằng ngày. Một gia đình xào xáo thì những đứa trẻ chắc chắn không có hạnh phúc.

Chị trầm ngâm, gia đình hàng xóm của mình, vợ chồng đánh nhau suốt, còn xưng mày tao với nhau trong mỗi cuộc “hỗn chiến” nên mấy đứa con cũng xưng hô vậy, ra đường manh động, muốn làm đàn anh đàn chị. Sau khi chị và gia đình dọn nhà đi, mười mấy năm sau về thăm quê cũ, nghe nói trong số mấy trẻ cùng trang lứa của gia đình ấy có đứa bỏ học, đứa đánh nhau gây thương tích cho người khác, sau phải đi tù. Đó là bài học lớn, theo suốt đời, để dù có gì đi nữa, chị cũng sẽ “đóng cửa bảo nhau” với chồng, không để chuyện người lớn làm hư những đứa con, góp phần làm xấu xã hội.

Mong binh yen moi ngay
Ảnh minh họa

2. Hôn nhân thực ra là chuyện của... nhiều người - trong trường hợp người phụ nữ phải về làm dâu. 

Một chị bạn khác lý giải, sở dĩ nói như vậy vì chị phải làm dâu, mà bên chồng có rất nhiều người. Chị là người miền Trung, có chồng miền Tây Nam bộ, nhiều thói quen sinh hoạt khác nhau. Vì vậy, có những văn hóa quê chồng khiến chị thấy lạ lẫm, cách ăn uống (mùi vị) cũng phần nào khác nhau. Tất nhiên, đó chỉ là chuyện nhỏ, nhưng chị phải học, cũng chập chững như hồi mới học lớp mẫu giáo chứ không phải dễ. Nào là nêm món gì cũng ngọt thêm, nào là dòng họ anh em đông, đi chào bằng hết, tới nhà ai cũng nhiệt tình, nhớ hết tên dì Ba, dì Bốn, rồi con cậu, con chú... 

Tất cả những ứng xử trong hành trình làm dâu ấy chị chỉ thấy bỡ ngỡ sơ sơ vì có chồng là “thầy giáo” giỏi, chỉ bảo rất chu đáo, làm công tác tư tưởng rất khéo. Vì thế, chẳng mấy chốc chị đã hòa nhập văn hóa quê chồng lẫn nếp sống nhà chồng như con cái trong nhà, như người sinh ra ở chính quê chồng.

Do khả năng học hỏi và nhất là được người chồng hiểu tâm lý nên chị được cả nhà chồng khen hết lời, cho nhận xét “number one” (số 1). Chị cảm ơn thì chồng bảo: vợ được khen thì chồng cũng nở mày nở mặt chứ bộ. Chị cười hoan hỷ, nhưng quả thật, chồng đã cho chị điểm tựa bình yên để thấy mình tự tin hơn khi bước vào đời sống hôn nhân, với vai trò dâu con trong một nếp sinh hoạt không giống quê mình.

Mong binh yen moi ngay
Ảnh minh họa

3. Khi có con, nếu vợ và chồng đều trân trọng “món quà” của hôn nhân thì sẽ giúp nuôi con khỏe, dạy con ngoan. Có những đứa con sinh ra lành lặn, khỏe mạnh, nhưng có những người chẳng may, sinh con ra đau ốm suốt, thậm chí có bệnh hiểm nghèo, khuyết tật.

Đứa con vốn là cầu nối nhưng nhiều khi trở thành vách ngăn. Có trường hợp, vì con đau ốm hoài, vợ chồng không cân bằng được cuộc sống phải vào ra bệnh viện, hao tổn kinh tế nên bị stress, rồi dần trở thành “bà hỏa”, suốt ngày thiêu đốt đối phương bằng những lời nặng nhẹ, khó nghe, đổ thừa này kia đủ thứ.

Chị nêu góc nhìn: nếu đồng vợ đồng chồng thì khó khăn cỡ nào cũng vượt qua được hết. Biết biến khó khăn thành chất xúc tác cho yêu thương lớn lên thì sẽ càng kính trọng nhau hơn, cái nghĩa vợ chồng sẽ lớn lên. 

Rồi chị nêu ví dụ về một ông bố dễ thương, nổi tiếng được giới truyền thông nhắc đến rất nhiều gần đây: là bố Tuấn của Bôm. “Những ông bố bà mẹ nên lấy câu chuyện ấy làm bài học yêu thương”, chị nhắn nhủ và bày tỏ thêm rằng: “Khi cưới nhau, hai người hôn phối đeo nhẫn cho nhau đều được người lớn dặn rằng, cố gắng nhẫn nhịn, cố gắng chịu thương chịu khó, không chỉ chịu đựng người kia với những tính xấu tất yếu (của một con người) mà còn chịu đựng những điều không như ý trong cuộc sống chung, như con hay bệnh, điều kiện kinh tế rơi vào khó khăn trong giai đoạn nào đó.

Mong binh yen moi ngay
Ảnh minh họa

Đâu phải cuộc sống lúc nào cũng bình yên, hãy nhớ về những phút giây mình từng hạnh phúc bên người đồng hành để không phủi sạch, rồi trốn chạy hoặc gắt gỏng, gây khổ cho người thương và cho chính mình”, đó cũng là mong ước của chị. Bởi suy cho cùng, con người là loài không thể sống đơn độc, mọi kết nối cần trên nền tảng của yêu thương (bắt đầu từ lắng nghe, thấu hiểu) - chứ không phải chỉ là xúc cảm giới tính đơn thuần - nên chúng ta không thể tìm sự hoàn hảo nơi người khác, nơi hoàn cảnh khi chúng ta chưa thực sự hoàn hảo trong những hoàn cảnh chưa phải đã là đường cùng.

Nói điều đó vì theo chị, có nhiều phụ nữ cũng kỳ cục lắm, cũng gieo gió trong cuộc hôn nhân của mình nhưng không chịu nhìn nhận cái sai để sửa, chỉ suốt ngày than trách đời mình xui xẻo khi phải “gặt bão” quá nhiều.

Lưu Đình Long

Hỏi “đàn bà mong đợi gì từ hôn nhân?”, nếu quý chị quý em có bao nhiêu gạch đầu dòng cho câu trả lời của mình, thì cánh đàn ông hẳn cũng có chừng đó điều mong muốn. Thay vì than ngắn thở dài, trách chồng trách số phận, mỗi chị em nên thỏ thẻ với chồng niềm mong, tìm những điểm hòa hợp để sống vui và vui sống với những điều chưa đạt yêu cầu, đó cũng là cách giúp cho người chung nhà cải thiện bản thân vì mình đã tích cực cải thiện suy nghĩ của chính mình rồi. 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI