'Thùng rác'... tình thương

25/10/2018 - 06:00

PNO - Chỉ cần có tình yêu thực sự thì dù là “thùng rác” hay “người đổ rác”, mọi câu chuyện to đều trở nên nhỏ xíu, mọi bức xúc muộn phiền sẽ tan biến và ta lại sống vui.

Đi làm, tôi thường quan sát người khác, thử đoán tình trạng hôn nhân của họ - mới cặp bồ hay đã là vợ chồng, cho vui thôi. Chẳng hạn thấy một cặp chở nhau mà người nữ ngồi sau vòng tay ôm chặt người nam thì đa phần họ mới ở giai đoạn tìm hiểu, đang yêu hoặc mới cưới. Nếu người nữ không ôm eo người nam hoặc người nam không nắm tay người nữ, tôi đoán họ đã là vợ chồng nhiều năm rồi. Đôi khi, tôi tình cờ nghe câu chuyện của họ, thoáng qua, những khi chờ đèn đỏ.

'Thung rac'... tinh thuong
 

Như hôm kia, tôi rất “ấn tượng” với giọng của một cặp. Hình như người nữ đang bức xúc một chuyện gì đó ở công ty nên lớn tiếng: “Sếp nói em chanh chua, đanh đá, mà em đâu có thái độ ấy đâu, tự nhiên đổ thừa cho em”. Người nam đưa tay vòng ra sau, nắm tay cô gái: “Anh biết mà, các sếp hay vậy”. Thật dễ thương!

Đa phần phụ nữ, khi có nỗi niềm, oan ức hay bức xúc gì, họ ít muốn san sẻ với người yêu hoặc chồng vì suy nghĩ “chắc ổng ở cơ quan cũng mệt rồi, giờ mà trút vào ổng nữa thì tội, có giải quyết được gì đâu”. Thế nên, mỗi khi có chuyện, phụ nữ thường giữ trong lòng, gắng chịu. Ngược lại, nhiều cô thích đem “cái bực trong lòng” đổ vào chồng/người yêu, xem chàng như cái “thùng rác”. Nếu không nhận được sự cảm thông và đồng cảm từ chàng, họ sẽ hụt hẫng. Lâu dần, thói quen chia sẻ không còn, họ cứ nín nhịn, chịu đựng, hình thành khoảng cách giữa đôi bên.

Tôi cũng hay “xả rác” vào chồng. Anh là kiểu “thùng rác bình thường” - chỉ nhận chứ không đồng lòng hay phản đối, cũng không cho lời khuyên hay giải pháp để đánh tan nỗi bực dọc trong tôi. Nhiều lần như vậy, tôi chán, cảm thấy trút vào ổng cũng chả hiệu quả gì. Điều tôi cần là sự quan tâm, chia sẻ của chồng đối với câu chuyện của mình. Tôi muốn được dỗ ngọt như cô gái bị sếp mắng kia, để thấy mình được nuông chiều.

'Thung rac'... tinh thuong
Ảnh minh họa

Tôi có cô bạn nhỏ tuổi hơn rất nhiều. Cô mới lập gia đình, chưa có con. Mỗi khi có chuyện gì bực mình, bức xúc ở cơ quan, em cũng hay kể lể với chồng. Nhưng khi em kể, chồng em chỉ im lặng, không nói gì hoặc không để tâm. Vài lần như vậy, em thôi không kể nữa. Có chuyện gì cũng tự chịu và thấy mình có chồng cũng như không. Em bảo “giờ chưa con cái đã vậy, mai mốt có con, em mà stress, không biết trút vào đâu”.

Cô bạn thân của tôi thì ngược lại. Bạn quen chồng từ thời trung học, lại cùng quê nên hầu như hai bạn hiểu nhau đến chân tơ kẽ tóc. Bạn làm kế toán cho công ty xây dựng. Có thời gian, việc làm ăn của công ty bị đình trệ, vì dự án bị giam, chưa đấu thầu được công trình, chậm trả lương cho nhân viên nhiều tháng. Tình cờ, xuống nhà bạn chơi trong một chiều Chủ nhật, tôi thấy bạn vừa nghe điện thoại xong thì quay lại ôm chồng, cả hai nhảy cẫng lên vui sướng. Thì ra, sếp của bạn báo qua điện thoại, công ty vừa trúng thầu một công trình rất lớn. Nghĩa là bạn sắp được trả lương sau nhiều tháng bị ghim giữ, nghĩa là bạn lại có “công ăn việc làm”. Chồng bạn biết tất cả và chia vui cùng vợ.

Bạn bảo tôi, chuyện nhỏ hay lớn, vui hay buồn gì bạn cũng đều chia sẻ, tâm sự cùng chồng. Suốt mấy tháng trời công ty không trả lương, bạn chán nản, muốn nghỉ việc để chuyển sang nơi khác. Trong khi bạn thất vọng bao nhiêu thì chồng bạn lại tỏ ra mạnh mẽ, tin tưởng bấy nhiêu. Chồng bạn đã vực dậy tinh thần cho bạn trong những khoảnh khắc tưởng như buông xuôi đó. Bạn bảo “có bao nhiêu lo lắng, bức xúc, buồn khổ… mình cứ việc trút vào ổng. Cũng may ổng hiểu tui nên sau mỗi lần như vậy, tui lại được ổng lên dây cót tinh thần. Ổng là cái “thùng rác tình thương” của tui đó”. Tôi ngưỡng mộ bạn và cả “cái thùng rác tình thương” của bạn. Có lẽ chính vì vậy mà ông bà ta bảo “đồng vợ đồng chồng tát biển Đông cũng cạn”.

Vợ chồng, hiểu nhau thôi chưa đủ, còn phải là chỗ dựa tinh thần cho nhau trong những lúc khó khăn. Chồng có thể là “thùng rác tình thương của vợ”, là nơi để vợ trút nỗi niềm thì ngược lại, vợ cũng nên là “cái thùng tình thương” của chồng, để chồng nhỏ to tâm sự, giãi bày bức xúc, những điều khó nói với người ngoài. Có như vậy, vợ chồng mới đủ sức vượt qua mọi thử thách trong cuộc sống. Tôi thấy cô gái tình cờ gặp trên đường vô cùng may mắn khi có người đàn ông biết lắng nghe, hiểu và đồng cảm. Tôi tin cô bạn tôi có phước khi lấy được một người chồng hiểu vợ đến tận tâm can. Chỉ cần có tình yêu thực sự thì dù là “thùng rác” hay “người đổ rác”, mọi câu chuyện to đều trở nên nhỏ xíu, mọi bức xúc muộn phiền sẽ tan biến và ta lại sống vui. 

Huyền Nga

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI