Mật ngôn của đàn bà

25/02/2017 - 06:30

PNO - Tại sao người đàn bà vẫn lặng im, chu toàn mọi việc; lại có lúc tuyệt tình đến thế? Tại sao giữa những ngoan ngoãn vâng lời, lại có cái ai oán...

“Nói vậy nhưng không phải vậy” là nhận xét phổ biến trong xã hội về cách nói của phụ nữ. Nhân “căn bệnh” “loạn ngữ nghĩa” của phụ nữ được nhắc đến trong bài “Vì em là... siêu từ điển”, tôi muốn được nói thêm về những ẩn ngữ tầng tầng lớp lớp của người đàn bà - mà tôi e rằng, giữa trùng trùng mật ngôn ấy, chính bản thân không ít phụ nữ có khi cũng quên mất tiếng nói của mình.

Mat ngon cua dan ba
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Người đàn bà bốc đồng

Chị ly hôn đã hơn tháng mà cả nhà vẫn còn sốc. Anh chị cưới nhau xong là ở riêng, nhưng chị là dâu thảo nên cứ cuối tuần vợ chồng lại đưa con về nội. Tại nhà chồng, chị một mực thảo hiền, ăn nói lễ phép, khiến bố mẹ rất yên tâm với hạnh phúc gia đình con trai. Vậy mà ngày bất ngờ tuyên bố ly hôn, bất chấp những lời khuyên “bình tĩnh, chờ đợi” của mẹ và các em chồng, chị khẳng định mình “đã lê lết chịu đựng suốt bốn năm nay”.

Truy hỏi anh, gia đình chỉ nhận được câu trả lời nhẹ bẫng: “Chị mày làm nư thôi!”. Chị càng lúc càng quyết liệt hơn. Mẹ chồng sang thăm gặp lúc bưu tá đến đưa giấy gọi của tòa án, chị lễ phép giải thích: “Anh ấy không thuận tình, con xin đơn phương ly hôn”. Mẹ chồng gắng khuyên can, chị khẳng định “con đã cạn tình”.

Từ ngày mới cưới, anh đã như “người đàn ông hạnh phúc nhất thế giới” vì về đến nhà là đã có cơm ngon, canh ngọt. Anh trở thành cái bóng trong nhà lúc nào không hay. Sáng, trước khi đưa con đi học, chị chuẩn bị sẵn mọi thứ để khi thức dậy anh chỉ cần mang vào người. Ngay cả khi đã có hai con, việc nhà nhiều thêm, nhưng sáng ra là chị vẫn treo sẵn bộ quần áo ngay trước tủ cho anh. Ra đến cửa thì đã sẵn đôi giày sạch bóng với đôi vớ cùng màu.

Thấy chị cực nhọc, mẹ chồng có lúc mát mẻ trách con trai “không biết phụ vợ”; anh cười xuề xòa, nịnh vợ đôi câu là chị thấy như đã được đền đáp tất cả. Mọi việc chăm sóc anh càng lúc càng chỉn chu nhưng… không lời, bởi chị không có thời gian để trò chuyện, nhắc nhở anh.

Trục trặc phát sinh từ ngày có đứa con thứ hai, vợ chồng phải chia nhau ngủ cùng con. Dần dà, đêm đến là phần ai nấy ngủ. Mấy lần chị trách anh “quên hôn chúc vợ ngủ ngon”, anh cứ ậm ờ rồi vẫn... lúc nhớ lúc quên, thực hiện qua quýt. Vậy nhưng, đêm nào chị cũng chờ. Đến lúc con ngủ say, nghe tiếng thở đều đều của chồng ở giường bên, chị vừa giận vừa tủi, trằn trọc cả đêm. Đợt thời tiết thay đổi đột ngột, mẹ chồng bệnh nặng; hàng ngày chị vừa lo nhà cửa, con cái, vừa vào viện chăm mẹ. Mẹ chồng khỏe thì đến mẹ ruột bệnh. Chăm mẹ mới được một hôm, chị cũng đổ bệnh.

Những ngày đó, anh vẫn làm việc bình thường. Thấy vợ mệt mỏi giữa hàng đống việc, anh bàn: “Hay em nghỉ ngơi đi. Các anh chị đâu mà cứ phải em chăm mẹ?”. Chị giận run người, lập tức nghĩ đến những ngày một mình lầm lũi chăm mẹ chồng. “Nói ra thì dở”, chị im lặng. Vài ngày sau, chị chưa kịp dứt bệnh thì hai đứa con lại rủ nhau sốt nóng, phải nghỉ học. Tuy đã nghỉ việc ở nhà, nhưng biết mình không chăm nổi hai con, chị mở lời bảo anh xin nghỉ phép, ở nhà phụ vợ ít hôm. Nhưng sáng hôm sau, thức dậy sau một cơn thiếp đi vì sốt, chị lại thấy mẹ chồng đang khổ sở xoay xở với hai đứa cháu.

Hóa ra chồng chị đã “gọi mẹ đến thay ca và đi làm”. Vừa ngại, vừa thương mẹ còn yếu, ngày hôm đó chị cắn răng gượng dậy vừa chăm con, vừa cơm nước cho mẹ chồng. Đêm đó, lần đầu chị nói với anh về ý định ly hôn. Sau lần đầu “chao đảo” đó, còn biết bao chi tiết nhỏ nhặt mà mệt mỏi - chị vừa kể vừa khóc trong cuộc họp gia đình.

Trong những phiên tòa ly hôn của các cặp vợ chồng trí thức, khi nhắc đến sự vô tâm của mình và chuỗi ngày chịu đựng của vợ; hầu hết các ông chồng vẫn... ngỡ ngàng như thế. Thật ra, trước mọi sự “lên tiếng” của người đàn bà đã quen hy sinh, chịu đựng, mọi người vẫn đầy bất ngờ, ngỡ ngàng. Rằng tại sao, với chừng ấy ứng xử nhẹ nhàng, đúng mực hàng ngày; họ lại có thể phản ứng bất ngờ, quyết liệt đến thế?

Rằng tại sao người đàn bà vẫn lặng im, chu toàn mọi việc; lại có lúc tuyệt tình đến thế? Tại sao giữa những ngoan ngoãn vâng lời, lại có cái ai oán như phủi sạch thái độ chấp nhận của chính mình - như cô con gái nghe mẹ lấy chồng trong thơ Nguyễn Bính:

Sự bùng vỡ của mật ngôn

Một nhà nghiên cứu về giới có nói: “Sự sống của một người phụ nữ là một sự trình diễn”. Trong cái ý thức không ngừng nghỉ rằng mình đang được ngắm nhìn, mọi động thái của người phụ nữ đều bị chi phối bởi mong muốn khẳng định hình ảnh trong mắt người khác. Vì vậy, những gì được nói, được làm, được biểu hiện ở người phụ nữ - phần nhiều chỉ thể hiện con người họ muốn trở thành, chứ không phải con người họ đang là.

Cũng vì thế, phụ nữ là nhóm người dễ bị chi phối bởi văn hóa, xã hội hơn cả. Khi văn hóa thay đổi, những tiêu chí về “nữ tính”, về “nhan sắc phụ nữ” cũng thay đổi. Trong khi quan niệm về một người đàn ông đích thực hầu như không hề thay đổi từ thuở bình minh của văn minh nhân loại thì theo thời gian, hình mẫu người phụ nữ lại thay đổi liên tục, từ tính cách “dịu dàng”, “tam tòng tứ đức” đến “mạnh mẽ, độc lập”… từ tiêu chí nhan sắc khi thì “đầy đặn”, khi thì “thắt đáy lưng ong”, rồi “thon thả, mong manh”, “khỏe khoắn, lành mạnh” (như biểu tượng nhan sắc đương đại mà nước Mỹ đang tiên phong xây dựng)…

Từng thời kỳ, người phụ nữ sẽ thích nghi bằng cách nói năng, hành xử, cách thu mình lại, những hy sinh, chịu đựng... Khi đó, ngôn ngữ và hành động của họ đã không hẳn là của họ; mà chỉ thể hiện cho ý muốn được ghi nhận, được đồng tình, hay cao nhất là được khen ngợi bởi xã hội. Khoảng cách giữa người phụ nữ đang được xây dựng và người phụ nữ họ-đang-là được xây nên bằng biết bao mật ngôn, ẩn ngữ.

Mat ngon cua dan ba
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cho dù kỳ vọng của xã hội với người phụ nữ có thay đổi đến đâu, thì con người bên trong với những logic riêng tư của mỗi người đàn bà vẫn cứ tồn tại, chi phối. Đến lúc con-người-đang-là không gánh vác nổi cái ý muốn trở thành một hình mẫu nào đó nữa, thì những “mật ngôn” thường nhật dễ bùng nổ thành những phản ứng tưởng như vô lý, bốc đồng.

Với tất cả những người chồng vốn quen gia trưởng, áp đảo; mọi quyết định ly hôn của người vợ đều... bất ngờ đến khó tin. Với những ông chồng quen đánh đập, bạo hành; một phản ứng phòng thân, đáp trả của người vợ đều... gây sốc. Trong cái nhìn của họ, việc ly hôn hay đáp trả đều là chuyện không thể tin được với người đàn bà vẫn lặng lẽ đáp ứng, hoặc “cắn răng nín nhịn chờ chồng qua cơn”.

Cũng khi đó, mọi sự chịu đựng hay mọi lý lẽ “dĩ hòa vi quý” bên ngoài đã không thể nào ngăn được dòng diễn biến nội tâm bên trong của người phụ nữ. Áp lực từ hình mẫu người vợ huyền thoại không thắng nổi ý thức tự nhiên sâu xa trong người phụ nữ. Khi “sức chịu đựng đã chạm ngưỡng”, mọi phản ứng đều như một sự lên tiếng của tiềm thức - một “tiềm thức” có khởi đầu, có diễn biến, có cao trào; vốn bị phủ lấp bởi hằng hà những “lời lẽ đúng chuẩn” mỗi ngày cho đến khi bùng nổ. Vì thế, “tiếng nói bên trong” lại mang dáng dấp của một phản ứng vô lý, bốc đồng. Mọi sự “thất bại ngỡ ngàng” của người đàn ông trong quan hệ với một người phụ nữ, suy cho cùng, đều xuất phát từ sự vô tâm.

Người đàn bà quá quắt

Có hai câu chuyện thường được giới nghiên cứu sử dụng khi tìm hiểu về những bí ẩn trong thói quen hành xử thuộc về căn tính nữ, rất quen thuộc trong mọi thời đại, mọi nền văn hóa. Thứ nhất là chuyện đôi vợ chồng vừa cưới nhau trong thời đại bình quyền. Tôn trọng và yêu chiều vợ, anh chồng luôn đỡ đần mọi việc cho vợ, không nề hà cái lẽ “nam nhi thường tình”. Chuyện bếp núc là của hai người, nhưng vì anh khéo léo hơn, nên phần nhiều những bữa ăn trong gia đình là do anh nấu. Chỉ cần vợ “cầu cứu” là anh không từ chối bao giờ.

Sống bên nhau càng lâu, “tiêu chí” của cô vợ về “người chồng đúng nghĩa” như càng khắt khe hơn. Theo đó, anh chồng ngày càng “hoàn hảo, tuyệt vời” hơn. Hầu như sau này, anh không còn có một cuộc nhậu trọn vẹn nào với bạn bè nữa, vì cứ đến giữa chừng, thể nào vợ anh cũng có một lý do chính đáng nào đó để... “kéo” anh về nhà. Vậy mà họ lại ly hôn. Ngày chia tay, cô vợ thừa nhận mình không còn thấy chồng hấp dẫn nữa, dù tất cả những yêu cầu của cô anh đều đáp ứng. Từ cảm giác không còn tha thiết, cô nảy sinh những hành xử quá quắt, thiếu tôn trọng cho đến khi tình hình không thể cứu vãn được nữa.

Câu chuyện thứ hai cũng bắt đầu tương tự, nhưng một ngày, khi xách túi vợt chuẩn bị đi đánh tennis, anh chồng lại được vợ bảo đi đón con (dù theo “lịch” thì hôm đó anh được đi đánh tennis). Anh ngập ngừng rồi quyết định từ chối. Đó là lần đầu tiên anh từ chối yêu cầu của vợ, lý do là “anh đã có hẹn từ trước”. Cô vợ dằn dỗi nhưng vẫn phải chịu. Rồi liên tiếp sau đó, cô vợ phải đối mặt với những tình huống tương tự, khi chồng bỗng nhiên trở nên “dứt khoát và đầy chính kiến” trong những tình huống như vậy.

Tuy nhiên, trong câu chuyện của các chuyên gia, đôi vợ chồng này đã dần điều chỉnh và sống hạnh phúc, tôn trọng nhau hơn. Cô vợ cho rằng, chính sự cứng rắn đó của chồng đã “cảnh tỉnh” cô không được ỷ lại, bất chấp những nguyên tắc đã thống nhất, bất chấp thời gian, không gian riêng của người bạn đời. Từ những yêu cầu không được đáp ứng, cô đã nhận ra ở chồng một người đàn ông bản lĩnh và chính kiến.

Những câu chuyện như vậy vẫn diễn ra mỗi ngày, dưới mọi mái nhà - như một minh chứng cho nỗi ngờ vực rằng: “Phụ nữ thực ra chẳng cần những điều mà họ vẫn một mực đòi hỏi”. Cứ thế, mật ngôn của đàn bà không phải là câu chuyện để bàn bạc, phân tích theo hướng cố... tìm ra một bảng mã chính xác và chi tiết. Nhân loại chẳng bao giờ có thể có được một “bí kíp giải mã phụ nữ” theo kiểu... phiên ngang, rằng “nàng nói ABC nghĩa là XYZ…”.

Nói về mật ngôn của đàn bà, là nói về cái logic vô cùng “phi logic” của một nửa thế giới bí ẩn, cuốn hút mà cũng đầy lầm lẫn, khờ dại, buồn khổ, đoạn trường. “Giải mã phụ nữ” không chỉ là một “môn khoa học nan giải”, mà còn là một trò chơi... vô ích. Bởi, nhìn từ tầng sâu nội tâm ấy thì không còn một khái niệm “phụ nữ” nói chung. Tiếng nói bên trong của người phụ nữ bao giờ cũng là tiếng nói của từng-người-đàn-bà-riêng-rẽ, mà việc “giải mã” là việc của từng người đàn ông bên cạnh họ. Bí ẩn của phụ nữ là bí ẩn cụ thể của cô A., chị B., cô C., ... chứ không hề có bí ẩn chung của một thế giới phụ nữ. Vì thế, mọi sự lý giải phụ nữ, hay mọi hành xử với phụ nữ theo “thói người ta” - kiểu như “đã là phụ nữ thì sẽ ABC, thì phải XYZ” vẫn rất quen thuộc ở đàn ông - đều là những động thái chủ quan, vô tâm, đi ngược với tình yêu thương.

Minh Trâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI