Chọn 'sàn' thấp, các trường đẩy cái khó về thí sinh?

19/07/2019 - 07:32

PNO - Đến nay, nhiều trường đại học đã đưa ra mức điểm sàn để nhận hồ sơ xét tuyển khá thấp, có thể trở thành “chiếc bẫy” ngọt ngào với thí sinh.

Ngoại trừ các khối ngành y khoa và sư phạm có ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào riêng theo quy định, trường đại học được tự do xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (hay gọi là mức điểm tối thiểu nhận hồ sơ xét tuyển, điểm sàn) cho các nhóm ngành còn lại. Nhiều trường đã đưa ra mức sàn khá thấp, có thể trở thành “chiếc bẫy” ngọt ngào với thí sinh. 

Dù phổ điểm “đẹp”, nhiều trường vẫn xét “sàn” thấp

Phổ điểm thi THPT quốc gia 2019 được giới chuyên môn đánh giá là phổ điểm đẹp, có độ phân hóa tốt và đủ nguồn tuyển đại học (ĐH). Với dữ liệu điểm thi, cả giới chuyên môn lẫn thí sinh đều thừa hiểu điểm chuẩn năm nay phải tăng, các trường công có tiếng càng tăng mạnh. Dự báo điểm sàn xét tuyển sẽ cao.

Nhưng thực tế thì sao? Khi công bố, nhiều trường công gây bất ngờ khi đưa ra mức điểm sàn khá thấp. 

Trường ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM có 14 ngành đào tạo theo chương trình đại trà thì hết bảy ngành xác định 14 điểm và bảy ngành còn lại là 17 điểm. Trong 12 ngành chương trình chất lượng cao thì chỉ có hai ngành là khai thác vận tải và kỹ thuật cơ khí xét 17 điểm. Còn lại 10 ngành chỉ có sàn 14 điểm. 

Năm nay, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM tuyển sinh 4.895 chỉ tiêu. Ở cơ sở tại TP.HCM, trường chọn điểm sàn từ 15 đến 18 cho các ngành đào tạo chương trình đại trà, 18 điểm cho hai ngành thuộc chương trình tiên tiến và 16-18 điểm cho chương trình chất lượng cao.  Tuy nhiên, phân hiệu Gia Lai và Ninh Thuận của trường này có ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào chỉ 13 điểm.

Chon 'san' thap, cac truong day cai kho ve thi sinh?

Mức điểm sàn khá thấp, nhiều thí sinh có thể rớt oan.

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên đưa ra mức điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển là 14 và 15 điểm tùy ngành. Tương tự, Trường ĐH Lao động - Xã hội (cơ sở 2 tại TP.HCM) cũng vừa đưa ra mức điểm sàn xét tuyển năm nay là 14 và 14,5 điểm. Trong đó, chỉ hai ngành cùng tổ hợp văn - sử - địa có điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển mức 14,5. Các ngành còn lại đều xác định mức điểm sàn là 14. 

Hay như những trường công lập “hot” tại TP.HCM cũng chỉ chọn mức điểm sàn rất an toàn như các trường ĐH Tài chính Marketing, ĐH Ngân hàng TP.HCM là 15,5 điểm. Thậm chí, mức điểm còn khiêm tốn hơn các trường ngoài công lập như ĐH Công nghệ TP.HCM (16-18 điểm), ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM (16-19 điểm). 

Khi nhìn vào mức điểm sàn khá dễ chịu mà các trường liên tục đưa ra, rất nhiều thí sinh đã đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào những trường này cho biết sẽ không có ý định thay đổi nguyện vọng (dù có quyền) vì nhắm dư khả năng trúng tuyển. Thế nhưng, điểm sàn thấp cũng chưa chắc “dễ ăn”.

Trường chọn an toàn, đẩy khó về thí sinh?

Phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, kêu gọi: “Các trường hãy thương thí sinh bằng cách ra điểm sàn sát với phổ điểm và đừng cào bằng chung cho tất cả các ngành để các em không bị… rớt oan”. 

Ông nói: “Rất nhiều trường cho một mức điểm sàn nộp hồ sơ cho tất cả các ngành của trường, mặc dù họ thừa biết có nhiều ngành điểm chuẩn sẽ cao hơn rất nhiều nhưng vẫn làm thế. Bao nhiêu thí sinh từ đậu thành rớt vì lý do này mà các trường không chịu xót, nhất là những thí sinh điểm cao. Bởi sau khi trượt ở đợt xét tuyển 1 thì các đợt sau hiếm trường tốt, trường có tiếng còn tuyển”. 

Dù xác định điểm sàn vừa phải ở mức 17 điểm (tăng 2 điểm so với năm 2018) nhưng Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng chỉ đưa ra một mức điểm sàn duy nhất cho tất cả các ngành và các tổ hợp xét tuyển. Tương tự, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM là 15,5 điểm cho tất cả các ngành, các tổ hợp môn xét tuyển. 

Hiệu trưởng một trường ĐH công lập tại TP.HCM nhìn nhận, “thế thì sẽ có nhiều thí sinh rớt oan rồi. Bởi vì, sự chênh lệch về điểm giữa các ngành khá lớn. Đó là chưa kể “sàn” thấp mà chuẩn cao chót vót thì có đến chuyên gia tuyển sinh ở bên ngoài trường cũng không dự đoán được, đừng nói thí sinh.

Các thí sinh thường chỉ gia giảm 2-3 điểm là cùng, chẳng thí sinh nào đi nộp hồ sơ trừ hao 5-7 điểm đâu. Nếu các trường đưa ra mức điểm sàn gần sát với điểm chuẩn nghĩa là lọc ngay từ điểm nhận hồ sơ thì các thí sinh không đủ khả năng sẽ nộp đổi nguyện vọng sang xét tuyển nơi khác”.  

Làm như vậy là trường ĐH đang chọn phần an toàn cho mình còn thí sinh ra sao cũng mặc kệ. Có trường giải thích rằng, sở dĩ phải xác định mức điểm sàn khiêm tốn vì cũng phải… trừ hao. Trường sợ xác định sàn cao rồi thí sinh tranh thủ đợt được đổi nguyện vọng, lúc đó trường lại sợ tuyển không đủ chỉ tiêu. 

Cách làm này cũng dễ hiểu nhưng rõ ràng rất khó nhận được sự đồng tình. Phó giáo sư Dũng cho biết: “Tôi là hiệu trưởng trường công, rất đau đầu chuyện gọi nhập học bao nhiêu là vừa. Gọi vượt nhiều thì vi phạm, gọi vừa đủ mà nhập học không đủ thì lấy tiền đâu nuôi quân. Bản thân chúng tôi cũng gặp áp lực với viễn cảnh không đủ chỉ tiêu. Nhưng không vì thế mà thầy đẩy cái khó về cho trò”. 

Theo phó giáo sư Dũng, phần mềm tuyển sinh đã cho trường biết những thí sinh nào đăng ký xét vô trường mình, phổ điểm thí sinh bao nhiêu đều thể hiện đủ… Những dữ liệu này đủ làm dữ kiện để trường đưa ra mức điểm tương đối sát. Trường vẫn có thể trừ hao 1-3 điểm, không nên trừ hao quá nhiều sẽ đánh mất cơ hội của thí sinh.

Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI